Khi thị trường hết tin xấu

Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây tăng mạnh sau khi đón nhận nhiều tin tốt, giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan.

Các dữ liệu được công bố đã vẽ nên bức tranh về nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe

Các dữ liệu được công bố đã vẽ nên bức tranh về nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe

Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm phi nông nghiệp đã tăng 150.000 trong tháng 10, ít hơn 20.000 so với dự kiến.

Đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số liệu việc làm như vậy cùng với mức tăng lương gần như phù hợp với kỳ vọng, sẽ tạo ra một kịch bản mà ngân hàng trung ương không cần phải thay đổi lãi suất khi đánh giá tác động của 11 lần tăng lãi suất trước đó.

Ông Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng danh mục đầu tư của Morgan Stanley nhận xét: “Cuối cùng, Fed đã đạt được điều họ mong đợi - sự suy giảm đáng kể trên thị trường lao động”.

“Trước đây, chúng tôi từng thấy một hoặc hai tin giả theo hướng này, nhưng báo cáo số việc làm phi nông nghiệp theo sau các điểm dữ liệu kinh tế yếu hơn mong đợi có thể khuyến khích các nhà đầu tư đang chờ đợi Fed sẽ ít ‘diều hâu’ hơn”, ông Mike Loewengart nói.

Dữ liệu từ công cụ CME FedWatch Tool cho thấy, thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng 100% sẽ Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới.

Theo CME Group, Fed được kỳ vọng sẽ ngừng tăng lãi suất cho đến hết tháng 5/2023, sau đó điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất có thể là một tin xấu, vì báo hiệu mối lo ngại của Fed rằng, nền kinh tế chậm lại đến mức cần sự thúc đẩy từ chính sách tiền tệ.

Về vấn đề giảm lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, nội dung này hiện không nằm trong cuộc thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách.

“Điều đó (hạ lãi suất) vẫn còn xa vời trong tâm trí tôi”, ông Thomas Barkin, Chủ tịch Chi nhánh Fed tại bang Richmond chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

“Bạn có thể tưởng tượng ra những tình huống khi nhu cầu giảm và bạn phải làm gì đó. Bạn có thể tưởng tượng một kịch bản khi lạm phát bắt đầu ổn định và bạn muốn giảm lãi suất thực. Cả hai điều tưởng tượng đó vẫn còn khá xa vời”, ông Thomas Barkin nói.

Thực tế, với các thông tin tích cực về lãi suất, lạm phát, giá dầu, số nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu có thể tăng giá vào cuối năm đang tăng lên, giúp giao dịch gần đây có diễn biến tích cực.

“Chúng tôi lạc quan về cổ phiếu cho đến cuối năm, ngay cả khi có những rủi ro ngắn hạn”, ông Tom Lee, một nhà phân tích tại phố Wall cho hay.

“Năm 2023 được đặc trưng bởi sự hoài nghi đối với nền kinh tế và thị trường, nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá. Điểm vào lệnh tốt nhất là khi mức độ hoài nghi của thị trường lên cao nhất vào tháng 3/2023, hoặc tháng 10/2022. Đây là quan điểm mà chúng tôi có khi hướng tới những tháng cuối năm 2023”, ông Tom Lee chia sẻ.

Trong tháng 9 và 10/2023, thị trường cổ phiếu chịu áp lực bán, khiến chỉ số S&P 500 điều chỉnh, nhưng vẫn tăng so với đầu năm. Đối với không ít người, bức tranh vĩ mô trong ngắn hạn còn quá lộn xộn để chứng khoán có thể phục hồi mạnh. Các yếu tố như cuộc đình công của công nhân ngành ô tô Mỹ, giá dầu và lãi suất ở mức cao, lãi suất dài hạn tăng, có thể tác động không nhỏ đến nền kinh tế, dù GDP quý III/2023 tăng 4,9%, sau khi tăng 2,1% trong quý II. Một số nhà kinh tế dự đoán, mức tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống 1,5% trong quý cuối năm.

Ở góc nhìn lạc quan, nhóm của ông Tom Lee đưa ra quan điểm, người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe, sẽ giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong các quý tới. Quý III vừa qua, ước tính lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của các doanh nghiệp nằm trong chỉ số S&P 500 ex-Energy (không bao gồm lĩnh vực năng lượng) tăng 6,7% so với cùng kỳ; 7 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 có kết quả kinh doanh tích cực so với cùng kỳ.

Nhiều người trả lời cuộc khảo sát của Fed tại New York cho biết, kinh tế gia đình họ hiện tại tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này góp phần lý giải chi tiêu tiêu dùng quý III tăng tới 4%, so với mức tăng 0,8% trong quý II.

Linh Hương / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khi-thi-truong-het-tin-xau-post334167.html