Khi thịt bò Wagyu (Nhật Bản) nổi tiếng khắp thế giới

Hiệp hội các nhà sản xuất, bán buôn thịt bò và chính quyền thành phố Matsusaka ở tỉnh Mie (Nhật Bản) đang có kế hoạch tăng hạn ngạch xuất khẩu gia súc.

Gần đây, người dân Nhật Bản muốn ăn ít thịt đỏ hơn bởi lo ngại sức khỏe nên nhu cầu trong nước giảm đi rõ rệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Theo trang SCMP, những nhà sản xuất loại thịt Wagyu cao cấp nhất ở Nhật Bản đang tìm cách tăng cường xuất khẩu thịt sang các khu vực bao gồm Đông Nam Á và Trung Đông bởi nhận thấy sự thay đổi đáng kể về thói quen ăn uống của người tiêu dùng trong nước.

Hiệp hội các nhà sản xuất, bán buôn thịt bò và chính quyền thành phố Matsusaka ở tỉnh Mie, miền trung Nhật Bản đang lên kế hoạch nâng hạn ngạch xuất khẩu gia súc từ 24 con vào năm 2022 lên 700 con vào năm 2024.

Gia súc được nuôi ở Matsusaka đã được xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc) kể từ năm 2016 mặc dù giới hạn chỉ xuất khẩu 6 con đến đây trong 9 tháng cuối năm ngoái. Tương tự, số lượng cũng bị hạn chế khi xuất sang Singapore, Mỹ, Thái Lan và Việt Nam.

Trang Nikkei cho biết loại thịt bò này dự kiến sẽ trở nên phổ biến với những người tiêu dùng giàu có ở Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ khi thịt bò Kobe và Omi thu hút số lượng lớn những người sành ăn. Tại sự kiện quảng bá ở Dubai vào ngày 8/3, món thịt nướng "yakiniku" và món lẩu "shabu-shabu" được phục vụ cho các thành viên hoàng gia, quan chức chính quyền địa phương, giới truyền thông và những người có ảnh hưởng xã hội. Để đáp ứng nhu cầu của địa phương, bò đều được giết tại lò mổ có chứng nhận Halal.

Thịt bò Matsusaka có nguồn gốc từ bò đen Nhật Bản, một trong 6 giống bò bản địa và được nuôi trong các điều kiện nghiêm ngặt ở một khu vực địa lý hạn chế của tỉnh Mie, có đăng ký thuần chủng thông qua Hệ thống quản lý thịt bò Matsusaka. Những con bò sẽ phải nuôi trong khoảng 3 năm. Chỉ những con bò cái chưa đẻ lần nào mới có thể bán để lấy thịt. Khoảng 8000 gia súc được chế biến để tiêu thụ hàng năm.

Một quan chức của văn phòng chính quyền thành phố Matsusaka giám sát ngành công nghiệp địa phương cho biết loại thịt này được đánh giá cao nhờ hàm lượng chất béo cao, nhiều vân mỡ, hương vị đậm đà và mềm.

Lịch sử món thịt bò trứ danh của Nhật Bản

Ông Marc Matsumoto, người dẫn chương trình nấu ăn của đài NHK "Bento Expo" cho biết lịch sử nuôi bò thịt chất lượng hàng đầu của Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ 19, đặc biệt là sự khác biệt giữa thịt bò thường thấy trong siêu thị và thịt bò của Matsusaka.

"Trong lịch sử, người Nhật không ăn thịt bò và sử dụng gia súc làm vật kéo trên đồng ruộng. Sau khi đất nước mở cửa với phần còn lại của thế giới vào cuối những năm 1800, người Nhật Bản bắt đầu ăn thịt và gia súc kéo được thay thế bằng máy kéo", ông Matsumoto, tác giả của một số cuốn sách về ẩm thực Nhật Bản cho biết.

"Những người chăn nuôi nhận ra rằng cần những mô hình kinh doanh mới để chuyển sang ngành chế biến thịt bò. Những loại gia súc đang làm việc sẽ không phù hợp cho tiêu thụ vì chúng to lớn, vạm vỡ và gân guốc, vì vậy những người chăn nuôi đã tìm mọi cách để tạo nên những loại thịt ngon miệng, tăng hàm lượng chất béo trong thịt thông qua chế độ cho ăn đặc biệt và lai tạo", ông nói thêm.

Ông Matsumoto cho biết khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu bùng nổ vào những năm 1970, nhiều người muốn tiêu tiền vào những sản phẩm xa xỉ, vì vậy những người chăn nuôi đã nghĩ đến tạo ra những món thịt bò ngon và mềm nhất có thể. Hàm lượng chất béo cao nhất khiến thịt bò trở nên hoàn hảo trong một số món ăn truyền thống của Nhật Bản, chẳng hạn như thịt bò nướng lát mỏng hoặc nấu trong nước dùng khi hầu hết chất béo sẽ biến mất trong quá trình nấu. Ông Matsumoto nói rằng thịt bò ở Matsusaka rất ít khi làm bít tết bởi có thể gây ra một số vấn đề ẩm thực ở thị trường nước ngoài.

"Có quá nhiều chất béo trong thịt nên thực sự không nên sử dụng thịt bò Matsusaka cho món bít tết. Chẳng hạn, bất kỳ ai chế biến loại thịt này trên lò nướng thì kết quả thực sự thất vọng bởi nó sẽ mất vị ngon của thịt. Đó cũng là lý do tại sao các nhà sản xuất cần hướng dẫn các đầu bếp cách chuẩn bị tốt nhất", ông Matsumoto nói.

Theo ông Matsumoto, đây được xem là một chiến lược mới cho các nhà lai tạo. Xu hướng gần đây ở Nhật Bản là tránh xa thịt đỏ và thịt nhiều chất béo vì lý do sức khỏe. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong nước. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng là quốc gia có dân số già nên các nhà chăn nuôi đang rất thông minh để tìm kiếm thị trường mới./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khi-thit-bo-wagyu-nhat-ban-noi-tieng-khap-the-gioi-20230309100056501.htm