Khi tiền hỗ trợ Covid-19 'đi lạc' vào túi cán bộ
Trong lúc những người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nhất thì tiền hỗ trợ không đến được tay họ mà lại 'đi lạc' vào túi cán bộ.
Chuyện vừa mới xảy ra ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Số là trên địa bàn xã có nhiều người bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo chính sách của Nhà nước, mỗi người sẽ nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ.
Đợi mãi chẳng thấy ai gọi đi nhận, họ hỏi thăm khắp nơi nhưng không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào.
Thế rồi mọi chuyện vỡ lở. Số tiền đáng ra họ được nhận, không hiểu ai đó đã ký hộ từ lâu! Chỉ tính riêng ở ấp 3, xã Khánh Hội, đã có 24 người bị giả chữ ký để nhận tổng cộng 36 triệu đồng.
Và theo người dân thì không chỉ có 24 người bị ăn chặn như vậy, còn nhiều nữa.
Chỉ đến lúc này, xã mới đi xác minh. Người chủ trương giả chữ ký được xác định là ông Lư Công Vinh, cán bộ thương binh - xã hội của xã. Người thực hiện là bà Lý Hồng Mận, Trưởng ấp 3.
Lúc này, ông Vinh, bà Mận mới chịu thú nhận đã nhờ 2 người dân giả chữ ký của 24 người khác ký vào danh sách nhận tiền.
Cùng thời điểm này, Thanh tra TP.HCM cũng đang làm rõ việc Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cùng 20 người khác, là lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở đã nhận gần 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ Covid-19. Mỗi người trong số này được 4,6 triệu đồng.
Số tiền gần 100 triệu nói trên được trích ra từ số tiền hơn 460 triệu, là đóng góp của nhiều người lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, lẽ ra phải được chuyển tới trung tâm bảo trợ người bại liệt và cơ sở cai nghiện.
Dù các cán bộ đều đã trả lại 4,6 triệu, song sự việc vẫn đang gây bức xúc lớn trong dư luận.
Hai sự việc, diễn ra ở hai địa phương khác nhau nhưng cho thấy một điều: trong lúc những người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nhất thì tiền hỗ trợ không đến được tay họ, mà lại “đi lạc” vào túi cán bộ.
Với sự việc ở Cà Mau, một chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, tốt đẹp của Nhà nước đã bị bóp méo, bị trục lợi khi xuống tới cơ sở. Số tiền 1,5 triệu không phải quá lớn, nhưng với những lao động đang thất nghiệp thì nó rất quý giá.
Với sự việc ở TP.HCM, không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm người đã đóng góp số tiền lớn như thế. Họ đều là công nhân viên chức, người lao động và chắc hẳn nhiều người không dư dả gì. Nhưng khi được kêu gọi, họ sẵn sàng đóng góp. Để rồi cuối cùng tiền không đến được nơi cần.
Không hiểu, những người bại liệt, những người đang cai nghiện họ nghĩ gì khi thấy tiền ủng hộ mình lại được chia cho cán bộ?
Trải qua 4 đợt dịch, đời sống của người dân, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng quá lớn. Vậy nhưng chưa lúc nào tinh thần tương ái tương thân, lá lành đùm lá rách, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội lắng xuống.
Thậm chí, nhiều người dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi được nhận hỗ trợ, họ sẵn sàng từ chối để nhường cho những người khó khăn hơn mình.
So sánh để thấy rằng, những sự việc vừa xảy ra ở Cà Mau hay TP.HCM, hay một nơi nào còn chưa bị phát hiện, đó là điều thật đáng buồn.
Và người ta cũng tự hỏi, không hiểu đó chỉ là sự vô tình, hay là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những hoàn cảnh khó khăn?
Hay đó là một trong những hành động thể hiện lối tư duy đã ăn sâu trong suy nghĩ của họ từ lâu?