Khi tiến sĩ chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học
Việc ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, bảo vệ luận án tiến sĩ luật ở một đại học danh giá, và sau đấy là lễ tốt nghiệp, rồi lễ tri ân để lại nhiều nỗi xôn xao dư luận.
Sáng qua có một cái tin chấn động, ấy là việc sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có công văn báo cáo Ban Tôn giáo chính phủ (Bộ Nội vụ) rằng là, rà soát hết mọi ngóc ngách văn bằng thì đều... không có tên ông Vương Tấn Việt trong danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và cả danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989. Như thế có nghĩa là, những gì ông Việt khai lâu nay là... giả, là dối trá.
Sở dĩ phải có việc làm này là bởi, trước đó, việc ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, bảo vệ luận án tiến sĩ luật ở một đại học danh giá, và sau đấy là lễ tốt nghiệp, rồi lễ tri ân để lại nhiều nỗi xôn xao dư luận.
Khi ấy, chưa biết ông Việt không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, thì ngay việc ông làm và bảo vệ tiến sĩ thần tốc cũng làm kinh ngạc nhiều người. Kinh ngạc không phải vì ông giỏi mà vì ông... quá giỏi. Ông đã khiến cả hội đồng chấm luận án thần phục, đồng loạt cho ông điểm cao ngất ngưởng với những nhận xét "có cánh".
Rồi trong lễ vinh danh, ông lại khiến nhiều cử tọa "nổi tiếng" phát biểu về ông và luận án của ông với những lời cũng... có cánh, thậm chí có vị còn đề xuất mong ông nhanh trở thành giáo sư, thành hòa thượng và cả thành... đồng chí của người phát biểu. Vị khác thì chiết tự cả tên cúng cơm và danh xưng nhà Phật của ông Quang bằng cái nhìn sáng láng, rồi so sánh ông với... vĩ nhân.
Chưa hết, trong buổi ấy, vả cả trong lễ tốt nghiệp, các giáo sư nổi tiếng là thầy của ông Việt nhất loạt gọi ông là... sư phụ. Không chỉ sư phụ của mình mà còn sư phụ của... chúng ta. Và điều đáng... ngưỡng mộ nữa, là ông tân tiến sĩ Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, trong lời phát biểu tri ân của mình, cũng oai vệ xưng là sư phụ với các giáo sư dạy mình.
Giờ thì, quả là, rất khó để xử lý vụ này.
Chả thế mà bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hỏa tốc gửi ngôi trường ông Vương Tấn Việt, tức Thích Chân Quang, học, làm và bảo vệ luận văn tiến sĩ, yêu cầu báo cáo vụ việc ngay, mà mấy tháng quá hạn rồi, vẫn chưa thấy trả lời, vẫn... nghiêm túc im lặng.
Nói thật, lâu nay cái việc ngáo bằng cấp, ngáo danh hiệu, ngáo vài thứ nữa, nó khá nặng ở xã hội ta. Thì thôi cứ nghĩ ngoài đời trần hỗn độn nó thế. Giờ tới một vị thượng tọa, thì quả là, rất khó lý giải.
Mà có tới cả loạt clip ông Quang này giảng và nói về sự mình ham học thế nào, mình thông minh ra sao, để chỉ trong thời gian ngắn kinh ngạc, đã làm xong luận án tiến sĩ, tầm... quốc tế. Rất nhiều người đã là tiến sĩ, đã trải qua thời gian khổ ải trần ai làm tiến sĩ, đã phải lên tiếng hết sức kinh ngạc về cái sự ông Quang làm tiến sĩ thần tốc thế, chưa nói nội dung, chỉ thời gian hoàn thành đã quá xứng để ghi danh kỷ lục Việt Nam, mà tiếc, và may, chưa ai làm thủ tục kỷ lục cho ông này, thì giờ việc bằng phổ thông lộ ra.
Hồi ấy có hẳn một bài báo có đầu đề: "2 năm làm xong tiến sĩ như thượng tọa Thích Chân Quang là ‘siêu phàm’" để thấy sự việc nó... siêu phàm như thế nào, ngay từ khi ông vừa bảo vệ.
Trong khi nhiều người xôn xao trước việc này, thì kỳ lạ thay, những buổi lễ, từ bảo vệ luận án, tới nhận bằng, tới tri ân, và sau đấy các buổi thuyết giảng của ông Thích Chân Quang lại rất đông người dự, và biểu hiện sự thán phục, sự ngưỡng mộ rất vô điều kiện. Cứ nhìn những tràng vỗ tay liên tục thì biết. Hết câu mới vỗ tay đã đành, đây chưa hết câu đã vỗ, mới vào câu đã vỗ, vỗ liên tục, vỗ liên miên, vỗ bất chấp, vỗ vỗ và vỗ...
Mà những người ngồi dự, tán thưởng, vỗ tay ấy, có rất nhiều người hiểu biết, nhiều trí thức được cho là xịn.
Hệ quả của việc này là khá lớn, nhưng nó đã nổ ra rồi, đành chấp nhận để xử lý.
Mà một trong những cách xử lý là làm sao để bằng cấp trở về giá trị thực, không phải là vật trang trí.
Làm sao để bệnh sính bằng cấp hết đất, ai cần thì làm, không thì thôi, và bằng cấp phục vụ đúng công việc, là nhu cầu tự thân để làm việc chứ không phải... cho oai.
Thì qua vụ này, coi như chúng ta nhìn rõ hơn sự mặc nhiên tồn tại lâu nay, ai cũng thấy nhưng... chưa nói, coi như chưa thấy, chưa biết, thì giờ thấy, giờ biết.
Và cũng là một cách trả thượng tọa Thích Chân Quang về đúng chỗ, dù ông đã bị giáo hội Phật giáo Việt Nam "cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong hai năm".