Khí tiết của người cách mạng nơi ngục tù Côn Đảo

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được giải phóng (1/5/1975) là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của chế độ cai trị tàn bạo, trả lại tự do cho những người yêu nước.

 Ông Đặng Văn Thân và gia đình thăm lại nhà tù Côn Đảo sau ngày giải phóng

Ông Đặng Văn Thân và gia đình thăm lại nhà tù Côn Đảo sau ngày giải phóng

Không khuất phục trước đòn tra tấn

Đã 50 năm kể từ ngày thoát khỏi xiềng xích, ách tù đày, nhưng ký ức của những năm tháng chịu biết bao đòn roi tra tấn không bao giờ quên đối với ông Đặng Văn Thân (tên Đặng Út khi ở nhà tù Côn Đảo), trú phường An Cựu, quận Thuận Hóa. Đó là giai đoạn nhiều đau thương và cũng hết sức oanh liệt của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Sớm giác ngộ cách mạng và tham gia vào Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 8/1964, khi đang tham gia chiến đấu, ông Đặng Văn Thân bị phục kích bắt giữ tại Huế. Sau một thời gian giam giữ tại Huế và Đà Nẵng, đến năm 1966, ông bị đưa ra giam ở “Địa ngục trần gian” khét tiếng thời bấy giờ là nhà tù Côn Đảo.

Trong những ngày bị giam tù ở Côn Đảo, ông Thân đã hứng chịu không biết bao nhiêu đòn roi, phải di chuyển qua biết bao nhiêu phòng giam. Khi thì nhốt ở chuồng cọp, khi thì ở chuồng bò, rồi đưa về lại chuồng cọp…; thậm chí, ông bị đưa ra một khu đất trống, giữa thời tiết nắng nóng để bào mòn sức khỏe và ý chí kiên định của người lính cộng sản.

 Hình ảnh phục dựng đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo

Hình ảnh phục dựng đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo

Những ngày bị giam tù trên Côn Đảo, gần như chưa có ngày nào ông không khỏi hứng chịu những trận đòn roi tra tấn. Những lần ông chống chào cờ, bị hỏi cung không được kết quả, vậy là bọn cai ngục trút giận bằng những trận đòn roi mây. Nhiều lúc cúi người, đưa tay ra lấy thức ăn cũng bị những cú đánh từ phía sau.

Ông Thân kể, hàng ngày, cai tù bắt ông và nhiều chiến sĩ cách mạng khác phải chào cờ "3 que". Nhưng với một ý chí hướng về cách mạng, ông và nhiều chiến sĩ khác kiên quyết chống chào cờ. Vậy là những trận roi cứ thế liên tiếp giáng xuống thân hình chằng chịt vết thương của những người chiến sĩ cộng sản.

Có lần, bọn cai ngục bắt các chiến sĩ, trong đó có ông ra chào cờ. Bọn chúng chuẩn bị 3 cái roi mây và nói, nếu lần này mà không chào cờ sẽ đánh khi nào hỏng 3 cái roi mây mới dừng lại. Cũng như các lần trước, các chiến sĩ không hề khuất phục, giữ khí tiết, không chịu chào cờ. Thế là vô vàn đòn roi đã giáng xuống. Máu, thịt của các chiến sĩ đã đổ xuống. Có người trụ nổi và cũng có người đã hy sinh trong lần đó...

"Khi bọn chúng đứng trước tôi, vừa đánh vừa hỏi vì sao không chịu chào cờ. Tôi khẳng khái trả lời rằng, chúng tôi là người của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động vì lý tưởng cách mạng, vì giải phóng dân tộc, chúng tôi sẽ không bao giờ khuất phục, không bao giờ chấp nhận chế độ của các ông. Tôi sẵn sàng hy sinh, các ông muốn làm gì tôi cứ làm, dù đánh tôi đến chết cũng vậy. Tên cai ngục cứ đánh, tôi cứ khẳng khái trả lời. Đánh một lúc, tên cai ngục đó cũng phải chịu thua và chỉ biết đánh vào tường để hỏng cái roi mây. Khi đó, tôi biết rằng, ý chí cách mạng đã chiến thắng”, ông Đặng Văn Thân tự hào kể.

Với những người chiến sĩ cách mạng như ông Đặng Văn Thân thời điểm đó, hình ảnh Bác Hồ thật thiêng liêng, cao cả. Người là ánh sáng dẫn lối trong những giờ khắc mềm lòng của người chiến sĩ bị tù đày ở Côn Đảo. Ông Thân bùi ngùi: “Với tôi, Bác Hồ là hình tượng không có gì làm lung lay được. Để vượt qua những cơn đau từ roi mây, những cú đạp trời giáng, tôi luôn hình dung ra Người trước mặt mình. Bọn cai ngục đánh một roi, tôi tưởng tượng ra một khuôn mặt Bác, đánh hai roi tưởng tượng ra hai khuôn mặt của Bác… Cứ thế, sau mỗi trận đòn roi, ý chí càng kiên định hơn”.

Chấm dứt cảnh tù đày

Dù trong ngục tù, nơi “Địa ngục trần gian” ở Côn Đảo ngày ấy, những người lính cộng sản luôn vững ý chí, kiên trung, tiếp tục đấu tranh bằng mọi khả năng để giữ khí tiết, phá bỏ cảnh tù đày giày xéo dân tộc Việt Nam của địch.

Nhà thơ Võ Quê, người từng bị tù đày trong khoảng thời gian từ năm 1971 – 1972 tại Côn Đảo chia sẻ: Khi bước chân lên Côn Đảo, sau giây phút mềm lòng ban đầu, trong tôi lại dấy lên một trạng thái phấn chấn mới, đó là chuẩn bị tinh thần cho những cuộc đấu tranh gian khổ trong ngục tù Côn Đảo; là ước mơ khát vọng chiến thắng trên mặt trận mới của tuổi trẻ Huế. Tôi tin, tôi khẳng định với mình: “Ngọn lửa đường phố trong tôi, trong bạn bè không tắt; không hề tắt. Cùng với đường phố, lửa đấu tranh đang lan hồng trong mỗi trại giam, trong mỗi nhà tù”.

“Tôi được phân công vào đội nấu ăn tại nhà tù. Tại đây, tôi âm thầm hoạt động bí mật. Tôi dùng những mảnh giấy nhỏ, mỏng để hút thuốc, viết những bài thơ trên đó, sau đó dùng bì ni lông quấn lại thật nhỏ rồi giấu ở trong tay, trong khăn quàng cổ để chuyển vào các phòng giam. Bằng những bài thơ, đã động viên tinh thần, ý chí đối với những người đang bị giam cầm. Hết giấy thì lấy lá bàng dùng kim đâm thành chữ rồi truyền cho nhau. Sau một thời gian, thấy hình thức đấu tranh bằng thơ không còn đủ sức nặng, tôi chuyển sang viết lại lời các bài hát dân ca và truyền nhau hát, với ý nghĩa động viên, khơi dậy ý chí của người tù ngày đó”, nhà thơ Võ Quê tự hào nhớ lại.

Ở nhà tù Côn Đảo thời bấy giờ, có rất nhiều hình thức đấu tranh. Với những người tù bị giam giữ như ông Đặng Văn Thân có hình thức đấu tranh rất quật cường. Ông Thân nhớ lại, vào ngày 20/12/1971, tất cả đều thống nhất sẽ tổ chức đấu tranh lớn bằng một cuộc chào cờ, hát bài Mặt trận nhằm phá thế kìm kẹp, giữ khí thế cho các chiến sĩ. Đúng 5h sáng ngày hôm đó, tại phòng giam của ông Thân, người chiến sĩ tên Nguyễn Đình Hiền hô lớn: “Nghiêm”, tất cả đều đồng thanh hát “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước; diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước…”. Sau lần đó, dù các chiến sĩ tiếp tục bị đàn áp, nhưng chí khí ngất trời.

Sau bao nhiêu gian khổ, miền Nam giải phóng, Côn Đảo được giải phóng. Dù không phải là nhân chứng của thời khắc lịch sử Côn Đảo được tự do, nhưng với ông Đặng Văn Thân, nhà thơ Võ Quê, hay nhiều người khác nữa có chung một cảm xúc huy hoàng; dâng lên một niềm tin mãnh liệt về ánh sáng của cách mạng, niềm tự hào dân tộc. Dù bị tra tấn tàn bạo nơi “Địa ngục trần gian”, những người chiến sĩ kiên trung, bất khuất vẫn giữ được khí tiết cách mạng của mình.

Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc các Chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày chia sẻ: Trong không khí kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta không thể quên giải phóng Côn Đảo. Đây là điểm cuối cùng của các nhà tù đế quốc giam giữ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị bắt tù đày. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của chế độ cai trị tàn bạo, trả lại tự do cho những người yêu nước. Sự kiện giải phóng không chỉ là chiến thắng của lực lượng cách mạng, mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/khi-tiet-cua-nguoi-cach-mang-noi-nguc-tu-con-dao-153159.html