Khi tình thân xoa dịu nỗi đau

Một vụ án mạng xảy ra cách đây hơn 15 năm, nay mới được đưa ra ánh sáng bằng một bản án nghiêm minh. Người ta nói, thời gian có thể chữa lành vết thương nhưng trong câu chuyện này, tình thân chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để xoa dịu nỗi đau của gia đình bị hại lẫn bị cáo.

Phút giây tranh thủ gặp người thân của bị cáo trong một phiên tòa - Ảnh: H.N

Phút giây tranh thủ gặp người thân của bị cáo trong một phiên tòa - Ảnh: H.N

- Lâu rồi không gặp, dạo ni thấy da đẹp lên nghe-người phụ nữ tuổi đã ngoài 80 xoa lên mặt của một người phụ nữ trung niên bên cạnh, nói.

- Em vẫn rứa thôi, già rồi mà. Được cái ăn ngủ tốt nên da không bị nhăn nheo.

Rồi cả hai cùng chuyện trò, hỏi han nhau về cuộc sống, con cái. Họ không nhắc đến câu chuyện của 15 năm trước mà hôm nay, đó chính là nguyên nhân để hai người có mặt tại phiên tòa này. Cuộc chuyện trò thân tình của hai người phụ nữ trong một phiên tòa khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi họ một bên là mẹ bị cáo, một bên là mẹ bị hại.

Hiếm có một phiên tòa xét xử về tội Giết người nào mà người của gia đình hai bên đều nói chuyện thoải mái với nhau đến như vậy. Khi đến đây, ai cũng mong tòa sẽ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, vì lý do “dù sao chuyện cũng xảy ra lâu rồi”. Vẫn biết, với mẹ bị hại, hình ảnh cô con gái xấu số năm nào vẫn vẹn nguyên ký ức của bà. Làm sao quên được khi bà là người mang nặng đẻ đau, rồi nuôi con đến chừng đó tuổi thì bị người ta tước đi mạng sống chỉ vì một mâu thuẫn bột phát.

Đau xót hơn, kẻ thủ ác là con trai của một người từng là hàng xóm thân thiết với mình. Nhưng rồi, bà vẫn nén đau thương và thù hận trong lòng: ai cũng nói sao tôi tha thứ dễ dàng thế nhưng tôi nghĩ, thù hận sẽ không giải quyết được chuyện gì cả. Huống hồ, chị em chúng tôi đã có những ngày tháng vất vả bên nhau. Chỉ mong cháu cải tạo cho tốt để có cơ hội làm người tử tế.

Mẹ bị cáo năm nay ngoài 80 tuổi. Tuy vẫn còn minh mẫn nhưng ở cái tuổi gần đất xa trời, chứng kiến con trai vướng vào lao lý khiến bà đau đớn trong lòng. Từ miền Nam, bà ra trước ngày tòa xét xử để tranh thủ thăm bà con, rồi đợi phút giây được nhìn thấy con vì bà đã xa con trai từ ngày xảy ra án mạng đau lòng đó. 15 năm trôi qua, giờ cũng chỉ được gặp con trong chốc lát rồi lại cách xa, mà lần này có lẽ cũng là lần gặp sau cùng vì tuổi già không cho phép bà có thể đi thăm con mỗi khi mình muốn.

“Vợ chồng chị ấy ăn ở hiền lành lắm, vậy mà chẳng hiểu tại sao tai họa lại giáng xuống gia đình họ. Nhưng suy cho cùng, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, huống hồ con cái trong gia đình. Mỗi đứa đều có số phận riêng”, một người thân trong gia đình chia sẻ.

Còn theo mẹ bị hại: “Chị đó (mẹ bị cáo) hiền lành lắm. Trước đây hai gia đình chúng tôi rất thân nhau, hai chị em buôn bán với nhau ở Ba Lòng, có chuyện gì cũng kể nhau nghe. Sau đó gia đình chị chuyển vào miền Nam sinh sống. Khoảng cách địa lý khiến chúng tôi không thể gặp gỡ nhau thường xuyên nhưng không vì thế mà tình cảm bị giảm sút”.

Vụ án này từng gây chấn động dư luận ở Quảng Trị. Nạn nhân trong vụ án là cô gái sinh năm 1980, bán một quầy tạp hóa nhỏ ở thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Vì ở một mình nên cô thường đóng quán sớm và cũng rất cẩn trọng trong việc mở cửa cho khách vào mua ban đêm. Thông thường, cô chỉ đưa hàng qua cửa sổ nếu có ai đến mua vào buổi tối chứ không cho vào nhà.

Vậy nhưng buổi tối hôm đó, khi H. (bị cáo) đến mua thuốc, dù đêm khuya, dù có càu nhàu vì sao đêm hôm khuya khoắt lại gõ cửa nhà người khác thì cô gái vẫn mở cửa để H. vào vì đây là con của người quen trong gia đình. Quá trình mua bán, hai bên đã xảy ra cãi vã, do uống rượu trước đó khá nhiều nên H. đã dùng thanh gỗ đánh mạnh vào đầu cô gái.

Thấy nạn nhân bất tỉnh, H. tưởng đã chết nên kéo cô dìm vào bể nước với mục đích làm chậm quá trình tìm kiếm của mọi người. Sáng hôm sau, người dân đến quán của cô gái để mua hàng thì phát hiện ra vụ việc đau lòng nói trên. Với quyết tâm tấn công tội phạm, Công an tỉnh Quảng Trị sau đó đã lần ra manh mối, xác định bị cáo là H., từ miền Nam ra thăm người thân và gây ra tội ác nói trên.

Cơ quan chức năng đã khởi tố bị can về hành vi Giết người. Tuy nhiên, H. đã bỏ trốn và quá trình đó bỏ trốn đó kéo dài 15 năm, cho đến khi bị cáo bị phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2021. Một vụ cố ý gây thương tích đã xảy ra ở địa phương trên. Từ đó, manh mối sự việc đã được lần ra, theo đó H. đã sử dụng giấy tờ tùy thân của em trai suốt thời gian dài nhằm tạo vỏ bọc để trốn tránh pháp luật.

Theo người nhà bị cáo, sở dĩ H. có được giấy tờ đó là vì trong chuyến ra thăm quê vào thời điểm gây án, H. đi cùng em trai. Sau khi sự việc xảy ra, sợ bị lộ nên H. bỏ trốn, mang theo giấy tờ tùy thân của em trai bỏ chung ví và sau này sử dụng chúng cho đến ngày bị phát hiện.

Trở lại sự việc của buổi tối xảy ra án mạng, H. về nhà ngủ bình thường, đến sáng hôm sau vẫn có mặt trong đám đông để theo dõi nhưng khi lực lượng chức năng đến thì đối tượng rời đi, sau đó bỏ trốn.

Khi biết thông tin H. gây án, không chỉ gia đình hai bên mà người dân trong vùng đều hết sức ngạc nhiên. H. quê ở xã Triệu Nguyên nhưng thuở nhỏ lớn lên ở thôn Đá Nổi, xã Hải Phúc, huyện Đakrông (nay là xã Ba Lòng) và có nhiều người thân ở đây. Hai gia đình lại có mối quan hệ thân tình nên không ai hiểu được động cơ gây án của H. Cho đến ngày bị cáo bị bắt, qua lời khai, nguyên nhân của vụ việc năm nào mới dần hé lộ. Trước khi bỏ trốn, H. còn lấy từ tay nạn nhân chiếc nhẫn vàng 24K nên bị truy tố thêm về tội Cướp tài sản.

15 năm trốn tránh pháp luật nhưng lưới trời lồng lộng, H. đã phải trả giá cho hành vi tội lỗi mà mình gây ra. Bản án 22 năm tù (cho hai tội danh) là cái giá mà bị cáo phải trả. Người mẹ xót xa: phải chi 15 năm trước con dũng cảm thú tội, thì khoảng cách đoàn tụ với người thân nay đã đến gần.

Thời gian nó bỏ trốn, chồng tôi mất mà trong lòng vẫn luôn đau đáu mong được gặp đứa con trai của mình lần cuối. Còn tôi, có thể đây cũng là lần cuối cùng gặp con. Muốn ôm con thật chặt, muốn khóc cho thỏa nhớ nhung nhưng lại sợ con buồn, rồi sinh ra chán nản, không có ý thức phấn đấu. Giờ đây, tôi chỉ mong con mình phấn đấu cho tốt để có cơ hội làm lại cuộc đời, dẫu rằng đã quá muộn màng.

Người mẹ tranh thủ phút giây nghị án để nói chuyện với con. Câu chuyện của họ diễn ra như thế nào không ai nghe rõ, chỉ biết bóng người mẹ dù nhỏ nhoi bên cạnh người con của mình cũng tỏa ra sức mạnh của sự chở che, yêu thương vô bờ bến. Chỉ mong rằng người con cảm nhận được điều đó để có động lực mà phấn đấu, vươn lên. Đôi khi, chuộc lỗi cũng là cách để đền bù cho gia đình đôi bên, hơn là tiếp tục trượt sâu vào vũng bùn tội lỗi.

Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/khi-tinh-than-xoa-diu-noi-dau/176079.htm