Khi Tổ quốc gọi tên mình
Tết đến xuân về, khi mọi người, mọi nhà được hưởng niềm vui sum vầy bên gia đình, người thân, thì những người lính hải quân gác niềm riêng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dịp xuân Giáp Thìn, chúng tôi có cơ hội đến với những người lính làm nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam, cảm nhận và chia sẻ với người lính hải quân gác niềm riêng khi Tổ quốc gọi tên mình!
Niềm vinh dự của chúng tôi khi những ngày cuối năm được tham gia đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đến thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại hầu hết trạm rada thuộc thềm lục địa phía Tây Nam. Những cán bộ, chiến sĩ nơi đây, người nhiều có gần 30 năm gắn bó với biển đảo, người ít thì lần đầu nhận nhiệm vụ... Tuy tuổi đời, quân khác nhau nhưng ở họ điểm chung là tinh thần trách nhiệm canh giữ vùng trời, vùng biển Tổ quốc.
Đại úy Phùng Sỹ Chương, Trạm trưởng Trạm Radar 615 (thuộc đảo Hòn Chuối) quê ở Thanh Hóa. Trong quãng thời gian 10 năm gắn bó với biển đảo thì anh có đến 8 năm đón tết ở các trạm rada trên vùng biển Tây Nam.
Hướng ánh mắt về biển cả bao la, Đại úy Chương tâm sự: Do đặc thù nhiệm vụ của mình nên mọi việc ở nhà trong đất liền đều do một tay vợ đảm trách. Hai lần vợ sinh con mình đều không có mặt vì đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Mỗi khi gọi điện về đất liền, nghe các con hỏi “Tết này bố có về không?” lúc đó lại thấy cảm giác nghèn nghẹn!
Cũng như đồng đội trên đảo, với Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Trạm Radar 625 (thuộc đảo Hòn Đốc), đón tết trên biển là quãng thời gian có những cảm xúc buồn vui đan xen. Vui là đón tết ở biển đảo và góp sức cùng đồng đội canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; song cũng có đôi chút buồn bởi tết không được ở bên gia đình, vợ con. Vì nhiệm vụ chung, những người lính đảo đã hy sinh hạnh phúc bản thân, niềm vui gia đình để giữ bình yên cho Tổ quốc thân yêu.
Tại đảo Thổ Chu, với hơn 10 năm công tác, Đại úy Trần Xuân Toán, Chính trị viên Trạm Rada 610 là người có nhiều “kinh nghiệm” đón tết giữa biển khơi. Đảng, Nhà nước, Quân đội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Sự quan tâm của đất liền là động lực để những người lính hải quân vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đại úy Trần Xuân Toán bộc bạch: “Anh em xa nhà suốt nên vợ con cũng vất vả, thiệt thòi; một tay vợ thay chồng quán xuyến, lo toan mọi công việc nội ngoại hai bên. Thôi thì đành động viên vợ qua những cuộc điện thoại. Còn chúng tôi, khi đặt chân lên đảo luôn xác định quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Vừa bước sang tuổi 20, hạ sĩ Dương Thái Tuấn quê ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lần đầu thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Rada 625 trên đảo Hòn Đốc cũng là lần đầu tiên đón tết xa nhà. Trò chuyện với chúng tôi, Tuấn chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tôi rất tự hào. Khi nhìn thấy những món quà được gửi từ đất liền tôi cảm nhận rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Nhân dân cả nước dành cho cán bộ, chiến sĩ hải quân. Khoảng cách giữa đảo với đất liền dường như đã rút ngắn hơn bởi ở biển cũng có đầy đủ sản vật, hương vị, màu sắc của mùa xuân”.
Tại các trạm rada, những năm qua, chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội được nâng lên. Trong dịp xuân về, quà tết đất liền gửi ra giúp cán bộ, chiến sĩ trên các trạm đón tết với đầy đủ vật phẩm mang đậm hương vị truyền thống. Tuy nhiên, vật chất dẫu đủ đầy cũng khó có thể khỏa lấp cảm giác nhớ gia đình. Bù lại, anh em cán bộ, chiến sĩ trên trạm luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương, sẻ chia chân thành. Có những chiến sĩ lần đầu đón tết trên đảo đã bật khóc ngon lành khi nhớ nhà; cũng có những người lính dẫu dạn dày sóng gió trùng khơi vẫn cố cắn chặt răng kìm nén cảm xúc lúc chia tay đồng đội về đất liền đón tết... Phía sau những xúc cảm đời thường đó, cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển Tây Nam lại động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc giao.
Trò chuyện cùng những người lính hải quân, chúng tôi hiểu nhiều hơn về sự hy sinh thầm lặng của họ. Do thường xuyên phải xa đất liền nên việc tưởng chừng như rất đơn giản là xây dựng gia đình, lập một tổ ấm riêng lại là chuyện không dễ thực hiện. Có chiến sĩ ở biển nhiều tháng liên tục, đến ngày được về đất liền cưới vợ phải đành hoãn lại khi trực thay đồng đội bị bệnh cần vào bờ chữa trị. Có chiến sĩ, hai bên gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng đám cưới ở quê nhà nhưng vì sóng to gió lớn không về được nên đám cưới vẫn diễn ra mà… vắng mặt chú rể. Có người vì nhiệm vụ nên không thể ở bên lúc vợ sinh con...
Và còn nhiều câu chuyện xúc động khác của những người đã tạm gác lại niềm vui bên gia đình, người thân để thực hiện nhiệm vụ ở nơi ngàn trùng khơi. Cái chung được đặt lên trước cái riêng, Tổ quốc được đặt trên gia đình!