Khi toàn dân là 'lũy thép Biên phòng'

Sau gần 34 năm, những thành tựu và giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần mà 'Ngày Biên phòng toàn dân' (3/3/1989 - 3/3/2023) mang lại thật khó có thể đong đếm, thống kê bằng những con số. Chỉ biết rằng, năm qua năm, cứ đến khi hoa lê nở trắng biên cương miền Bắc, hoa cúc quỳ vàng rực dãy Trường Sơn, bông hoa súng tím những dòng kinh miền Tây Nam Bộ và bờ biển gió chuyển hướng nồm Nam, mang hơi ấm và vị mặn xa khơi là lúc cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước nói chung, khu vực biên giới nói riêng lại nô nước đón chào 'Tết Biên phòng' như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đoàn kết, đấu tranh xây dựng và bảo vệ biên giới.

Chiến sĩ BĐBP vui với học sinh vùng lũ biên giới (Ảnh đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương”. Ảnh: Trần Văn Sơn

Chiến sĩ BĐBP vui với học sinh vùng lũ biên giới (Ảnh đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương”. Ảnh: Trần Văn Sơn

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã luôn coi trọng nhân dân, luôn đề cao tư tưởng tin ở dân, chăm lo cho dân và lấy dân làm gốc. Kế thừa tinh thần ấy, kể từ ngày thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo tiếp nối đã luôn nhìn thấy nguồn sức mạnh vô tận của quần chúng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, đưa đất nước Việt Nam đến vị thế độc lập, tự chủ như ngày hôm nay. Đặc biệt, trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, điều này đã được khẳng định rõ nét tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, năm 2003 với việc thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó quy định ngày 3/3 là “Ngày Biên phòng toàn dân”.

Kể từ đó đến nay, công tác tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân” luôn được tiến hành đều đặn, hiệu quả trong cả nước, từ trung ương tới địa phương một cách thường xuyên, liên tục, với sự tham gia của đồng bào các dân tộc, các cơ quan, tổ chức và lực lượng vũ trang hoạt động trên biên giới. Từ đó cho thấy tinh thần dân tộc, tình yêu hướng về biên cương Tổ quốc luôn thường trực trong mỗi trái tim người dân đất Việt, muôn lòng chung chí hướng đoàn kết, thống nhất xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trở thành sức mạnh tổng hợp, tạo sự gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

Ở tuổi 82, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị BĐBP vẫn xúc động khi nhắc đến khoảnh khắc mừng vui của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng khi Luật Biên giới quốc gia được thông qua. Là người có vai trò rất quan trọng trong việc khởi phát mô hình “Giao đường biên, mốc giới cho các xóm sát biên phối hợp cùng BĐBP quản lý, bảo vệ” từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tạo tiền đề quan trọng cho BĐBP tham mưu Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22/2/1989, về việc tổ chức ngày Biên phòng 3/3 hằng năm, nên hơn ai hết, Thiếu tướng hiểu được giá trị to lớn của việc “luật hóa” này. Thiếu tướng cho rằng, sau khi Luật Biên giới quốc gia chính thức có hiệu lực, sự phối hợp giữa BĐBP với các bộ, ngành trong thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” được đa dạng, phong phú, hiệu quả hơn và được chỉ đạo tập trung, thống nhất, thường xuyên, được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.

Kể từ đó, trong từng thời kỳ, sự phối hợp luôn được định hướng với những mục tiêu, nội dung, yêu cầu, biện pháp cụ thể, thiết thực. Về phía các ngành, các lực lượng, đã thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và chủ động phối hợp với BĐBP trong tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới. Nét nổi bật thứ hai của sự phối hợp trên là được vận hành theo một cơ chế tổ chức chặt chẽ. Ở cấp trung ương và cấp tỉnh, mỗi chương trình có Ban chỉ đạo riêng; có bộ phận thường trực theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tham mưu, đề xuất về nội dung, giải pháp với Ban chỉ đạo và lãnh đạo hai cơ quan; được chỉ đạo sơ, tổng kết theo định kỳ, có chế độ biểu dương, khen thưởng. Với cơ chế đó, đảm bảo cho sự phối hợp được thực hiện chặt chẽ, liên tục và có hiệu lực. Bằng kết quả thực hiện ký kết chương trình phối hợp giữa BĐBP với các ngành đã làm cho tính chất “Biên phòng toàn dân” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia ngày càng sâu sắc; sức mạnh tổng hợp của cả nước và sức mạnh tại chỗ ở khu vực biên giới được phát huy tốt hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Mai Thế Cảnh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Mai Thế Cảnh

Cũng kể từ đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; đặc biệt, ngày 11/11/2020, Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và cùng nhiều văn bản pháp lý quan trọng khác để huy động sức mạnh tổng lực cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, qua 20 năm, một loạt các phong trào, mô hình trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giơíquốc gia đã trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”; “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”; “Người phụ nữ vì biên giới”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Họ đạo gương mẫu”; “Tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi văn hóa”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Đường cờ Tổ quốc”; “Áo ấm biên cương”…Đến nay, tuyến biên giới đất liền thành lập 1.587 tổ tự quản, có 49.724 hộ gia đình và 60.493 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 4.215,844km đường biên giới, 3.141 mốc quốc giới, 78 công trình biên giới. Tuyến biên giới biển thành lập 3.219 tổ/22.712 tàu thuyền/77.134 thành viên; 463 bến bãi an toàn, 173 tổ sản xuất an toàn… lập thành một “lũy thép lòng dân” đáng tin cậy.

Sau 20 năm Luật Biên giới quốc gia được thông qua, tại hàng ngàn xóm, bản, khu dân cư ở khu vực biên giới, biển đảo, dịp 3/3 luôn là ngày hội của tình quân dân, của các sắc màu văn hóa và các hoạt động tri ân đối với những người đã có nhiều cống hiến cho mảnh đất “tiền đồn phên dậu”. “Ngày Biên phòng toàn dân” đã trở thành ngày cả nước hướng về biên giới, ngày hội thể hiện sức mạnh và quyết tâm của đồng bào các dân tộc nơi biên cương đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên cương giàu đẹp.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khi-toan-dan-la-luy-thep-bien-phong-post458272.html