Khi toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới (Chỉ thị 01/TTg), gắn với ngày Biên phòng toàn dân, tỉnh có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu với những mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Sơ kết 5 năm thực hiện ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2019-2024, gần 100 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật
An Ninh Tây (huyện Tuy An) là 1 trong 25 xã, phường khu vực biên giới biển của tỉnh. Trên địa bàn xã này có cảng cá Tiên Châu và 85 tàu cá, trong đó 63 tàu cá có công suất lớn. Hoạt động đánh bắt hải sản là ngành nghề quan trọng của An Ninh Tây trong phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội.
Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây Nguyễn Thanh Minh cho biết: Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, hội đoàn thể của địa phương thực hiện tốt sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện; phối hợp với các lực lượng công an, quân sự và Đồn Biên phòng An Hải thường xuyên tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển đảo; phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh trật tự (ANTT) khu vực biên giới biển. Đồng thời cấp phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về biển đảo và chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân.
Đi đôi với tuyên truyền, địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng An Hải vận động ngư dân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bao gồm: không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, đánh bắt hải sản trái phép; bảo vệ đường ống dẫn khí trên biển; phòng chống cháy nổ trong khu dân cư; đảm bảo ANTT, không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động tín dụng đen…
Từ năm 2019 đến nay, xã An Ninh Tây đã phối hợp vận động, thành lập 8 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 96 thành viên; 1 bến bãi (cảng cá Tiên Châu) và 3 dòng họ an toàn về ANTT với 36 thành viên tham gia phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và ANTT khu vực biên giới biển, thực hiện Chỉ thị 01/TTg.
Thông qua hoạt động của các mô hình này, chính quyền địa phương và đồn biên phòng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân và tình hình trên biển; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi ngư dân gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngư dân thì đoàn kết giúp nhau trong khai thác hải sản và tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố trên biển…
“Công tác tuyên truyền vận động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức về quốc gia, biên giới và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong các tầng lớp nhân dân; bà con ngư dân chấp hành nghiêm các quy định trong khai thác, đánh bắt hải sản. Tình hình vi phạm qua các năm đều giảm, đặc biệt, trên địa bàn xã trong nhiều năm liền không có trường hợp ngư dân và phương tiện đánh bắt hải sản nào vi phạm IUU”, ông Minh khẳng định.
Tự nguyện tham gia phong trào
Ông Trương Minh Nhiên, Tổ sản xuất an toàn trên biển Số 2 (phường Xuân Thành, TX Sông Cầu) là một trong những gương điển hình trong việc vươn khơi bám biển làm ăn sản xuất, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác, đánh bắt thủy hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông Nhiên vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, ANTT khu vực biên giới biển.
“Từ ngày có chủ trương thành lập mô hình Tổ sản xuất an toàn trên biển, bà con ngư dân chúng tôi nhận thức được ý nghĩa của mô hình này, đó là đoàn kết các tàu cá trong quá trình khai thác hải sản như người cùng một gia đình, kịp thời ứng cứu và tương trợ, giúp đỡ nhau khi xảy ra sự cố. Chúng tôi cũng luôn ý thức được rằng các tổ sản xuất an toàn trên biển như những làng, buôn, khu dân cư trên biển, là những cột mốc chủ quyền bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”, ông Nhiên chia sẻ.
Còn theo ông Huỳnh Kim Hoàng, Tổ phó Tổ sản xuất an toàn trên biển khu phố Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa), năm 2016, khi Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam triển khai Chỉ thị 01/TTg trên địa bàn do đồn quản lý, ông đã tự nguyện đăng ký tham gia phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và ANTT khu vực biên giới biển của tỉnh, đồng thời cam kết thực hiện tốt những nội dung của mô hình Tổ sản xuất an toàn trên biển.
“Được tín nhiệm bầu làm tổ phó, tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc vận động, nhắc nhở anh em bạn thuyền cùng tham gia khai thác thủy hải sản, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời thực hiện tốt việc không khai thác thủy hải sản ở vùng biển nước ngoài và các loài thủy hải sản quý hiếm cần được bảo tồn…”, ông Hoàng cho hay.
Cũng theo ông Hoàng, trong quá trình hoạt động khai thác hải sản trên biển, Tổ sản xuất an toàn trên biển khu phố Phú Lạc thường nhận được yêu cầu cứu hộ, cứu nạn của các tàu cá bị chết máy, phá nước… hoặc theo đề nghị của BĐBP. Mặc dù việc đánh bắt hải sản vẫn chưa đủ tổn nhưng khi nhận được tin, ông cùng các thành viên trong tổ đều sẵn sàng đưa phương tiện đến cứu hộ kịp thời.
“Từ 2016 đến nay, chúng tôi đã cứu hộ 26 tàu cá với hơn 130 ngư dân bị nạn khi đang hoạt động đánh bắt trên biển; lai dắt nhiều tàu cá bị chết máy, hỏng máy vào bờ an toàn”, ông Hoàng cho biết thêm.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, cho biết thời gian qua, ông Huỳnh Kim Hoàng đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc đoàn kết, tập hợp các thành viên. Là tổ phó, ông luôn nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong tổ và những người cùng làm nghề chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về khai thác IUU; đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, tham gia cùng BĐBP thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển và ANTT khu vực biên giới biển.
VIỆC TỐT
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/349/312470/khi-toan-dan-tham-gia-bao-ve-chu-quyen-bien-dao.html