Khi tội phạm ngày càng... trẻ
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ án hình sự cướp của, giết người với thủ đoạn dã man, gây ra những vụ án thương tâm khiến dư luận bức xúc. Ðiều đáng nói là thủ phạm lại là những thanh, thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ song hành vi lại cực kỳ tàn bạo, không phải do sự bồng bột, thiếu hiểu biết, mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội và thủ đoạn được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều vụ việc, các đối tượng chủ ý xuống tay giết chết bị hại để thực hiện bằng được hành vi cướp tài sản.
Vì bình yên cuộc sống
Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ đó có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Ðặc biệt, tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn.
Gần đây, dư luận phẫn nộ trước vụ việc nam lái xe công nghệ GrabBike N.C.S (18 tuổi, trú tại Thanh Hóa) bị sát hại tại khu vực phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Hung thủ gây án là Ðinh Văn Trường (19 tuổi) và Ðinh Văn Giáp (24 tuổi), cùng trú tại tỉnh Yên Bái. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng hai đối tượng này đã lên sẵn kế hoạch lấy đi mạng sống của lái xe GrabBike chỉ để cướp đi chiếc xe máy và ÐTDÐ của nạn nhân. Tại khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội), vì thiếu tiền chơi điện tử, một nhóm "cướp nhí" tuổi đời chỉ từ 15 đến 16 tuổi gồm ba đối tượng là Ngô Nhật Quang (sinh năm 2004), Nguyễn Ngọc Minh Hiếu (sinh năm 2004) và Trần Xuân Quang (sinh năm 2003) đã rủ nhau đi cướp tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là cả ba đèo nhau trên chiếc xe máy đi tìm "con mồi" là những người làm nghề lái xe ôm ban đêm. Sau khi tìm được, chúng sẽ cho một đối tượng xuống xe để giả vờ thuê xe, đặt chở về khu vực được ấn định sẵn theo kế hoạch. Trong khi đó, hai đối tượng còn lại sẽ phóng xe máy đến điểm hẹn trước. Khi thấy "con mồi" về tới nơi, các đối tượng xuất hiện, dùng dao phóng lợn (dao bầu hàn vào tuýp sắt dài) để đe dọa, yêu cầu lái xe ôm phải đưa tiền cho chúng. Nếu nạn nhân không nghe lời, chúng sẵn sang dùng dao để uy hiếp hoặc dí dao vào cổ.
Những vụ án nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều các vụ án có thủ phạm là những thanh, thiếu niên, thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm trẻ hóa thực hiện hành vi cướp tài sản.
Theo cơ quan Công an, qua điều tra các vụ án cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói chung và cướp tài sản nói riêng, trong đó đáng kể nhất là mặt trái của kinh tế thị trường làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, làm tha hóa biến chất, trong một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ thích ăn chơi, hưởng thụ, lệch chuẩn đạo đức, lối sống. Một số thanh, thiếu niên sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi lên thành phố kiếm sống, bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những băng nhóm cướp để có tiền tiêu xài. Bên cạnh đó, sự tan vỡ gia đình cững là nguyên nhân dẫn đến các em bị khủng hoảng tâm lý, ít được quan tâm, dạy bảo nên dễ rơi vào con đường tội lỗi. Việc dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa khi thông tin về các vụ án, mô tả chi tiết tội ác chiều theo thị hiếu tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người đọc, cũng góp phần "vẽ đường cho hươu chạy" làm lệch lạc thêm nhận thức, hành vi của những thanh, thiếu niên hư hỏng, dễ đẩy các em thành tội phạm.
Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa thực hiện hành vi cướp tài sản, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu. Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể nơi các em tham gia. Chỉ khi các em nắm được pháp luật, nhận thức được tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội sẽ hạn chế được việc vi phạm pháp luật. Ðặc biệt, hiện nay, do thông tin trên in-tơ-nét phủ sóng, trẻ em tiếp xúc sớm và thường xuyên với những thông tin văn hóa phẩm độc hại, cho nên cơ quan chức năng cần có chính sách kiểm soát và quản lý thông tin chặt chẽ.