Khi tour nội địa 'lép vế' tour ngoại giá rẻ

Sau khi những bất cập về visa được tháo gỡ, ngành du lịch đã hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lượng khách nội địa không tăng trưởng như mong muốn khi tour nội địa đang khó cạnh tranh với tour ngoại giá rẻ.

Tour nội đắt hơn tour ngoại

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, 9 tháng năm 2023 ngành du lịch đón 93,5 triệu lượt du khách nội địa, trong khi mục tiêu cả năm đón 102 triệu lượt khách du lịch trong nước. Như vậy, từ nay đến cuối năm ngành du lịch còn phải đón trên 8 triệu lượt khách mới hoàn thành kế hoạch đề ra. Đây là điều không hề dễ dàng khi thời điểm cuối năm tour trong nước trầm lắng, không sôi động như mùa du lịch hè, người dân không còn những kỳ nghỉ lễ để đi du lịch.

Giá tour nội địa cao hơn tour quốc tế khiến nhiều người dân chọn đi du lịch nước ngoài là nguyên nhân khiến du lịch nội địa không đạt được mục tiêu mong muốn.

Khách du lịch thăm quan bản Sin Suối Hồ (Lai Châu). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch thăm quan bản Sin Suối Hồ (Lai Châu). Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty Du lịch Sunsmiletrave Dương Thanh Hằng nêu rõ, hiện thị trường nội địa khó cạnh tranh với quốc tế khi dịch vụ du lịch như vé máy bay cứ đến hẹn lại... tăng giá. Ngoài ra, hoạt động giảm giá, kích cầu chủ yếu triển khai giai đoạn thấp điểm, còn mùa cao điểm lại tăng giá khiến tour nội địa đắt hơn tour ngoại nên nhiều người đã lựa chọn đi tới các nước Đông Nam Á không tốn kém nhiều chi phí. “Nếu chi phí chuyến đi khoảng 7 - 8 triệu đồng, nhiều đoàn sẽ chọn đi Thái Lan. Nguyên nhân là bởi vào một số thời điểm như nghỉ lễ 30/4 và 2/9 số tiền này chỉ đủ mua vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội- Phú Quốc”- bà Hằng nêu ví dụ.

Khảo sát giá tour tại một số doanh nghiệp du lịch cho thấy, hiện tour Hà Nội-Huế- Đà Nẵng- Hội An trong 4 ngày 3 đêm có giá 6,4 triệu đồng/khách, tour Hà Nội – Côn Đảo, 3 ngày 2 đêm, có giá khoảng 6,99 triệu đồng/người; Hà Nội – Phú Quốc, 4 ngày 3 đêm, có giá trên 7,29 triệu đồng/người.

Khách du lịch tham gia tour ngắm mùa lúa chín tại Mù Căng Chải (Yên Bái). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tham gia tour ngắm mùa lúa chín tại Mù Căng Chải (Yên Bái). Ảnh: Hoài Nam

Trong khi đó, cùng với mức chi phí, du khách cũng có thể lựa chọn các tour du lịch nước ngoài như tour Bangkok – Pattaya (Thái Lan) 5 ngày 4 đêm chỉ 5,99 triệu đồng/người, tour Malaysia 4 ngày 3 đêm 7,9 triệu đồng/khách, tour Hàn Quốc 5 ngày 4 đêm 11 triệu đông/khách, tour Phượng Hoàng cổ trấn - Trương Gia Giới (Trung Quốc) 6 ngày 5 đêm giá chỉ có 7,5 triệu đồng/khách, đặc biệt tour Bình Biên-Kiến Thủy-Mông Tự (Trung Quốc) 3 ngày 2 đếm khởi hành từ Hà Nội chỉ có giá 3,19 triệu đồng/khách.

Cần "nhạc trưởng" liên kết

Để tạo sức hút cho thị trường nội địa, đòi hỏi phải xây dựng được mối liên kết chặt chẽ cùng phát triển giữa doanh nghiệp du lịch với các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, doanh nghiệp du lịch và hàng không cần họp bàn để tính toán mức giá vé phù hợp, qua đó tạo được nhiều sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh về giá, tạo sức hấp dẫn. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách.

Du khách tham gia tour du lịch khám khá Cồn Chim (Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Du khách tham gia tour du lịch khám khá Cồn Chim (Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ doanh nghiệp Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour Nguyễn Ngọc An cho rằng, cần phải có chính sách “bắt tay” cùng liên kết phát triển, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, nhưng để làm được điều này cần có “nhạc trưởng” điều phối vì du lịch là kinh tế tổng hợp.

Rất cần Nhà nước chính sách ưu đãi phát triển du lịch bền vững, kéo dài, xây dựng kết nối chặt chẽ giữa hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống… Đồng thời, ở tầm quốc gia, cần có kế hoạch tổng thể, kích cầu phát triển du lịch ổn định giữa các tỉnh, thành trên cả nước.

Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ

Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) TS. Phạm Hồng Long nhìn nhận, để du lịch Việt phát triển cần rất nhiều yếu tố, trong đó mấu chốt là xây dựng kết nối giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp lữ hành từ đó đưa ra mức giá hợp lý, cạnh tranh nhất cho khách hàng.

Muốn làm được điều này đòi hỏi Bộ VHTT&DL giữ vai trò “nhạc trưởng” điều phối chung giữa doanh nghiệp lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ. “Việt Nam có lợi thế lớn về danh lam thắng cảnh nhưng khả năng cạnh tranh, thu hút du khách vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực. Do vậy, Nhà nước cần đẩy mạnh quảng bá, kích cầu, có chiến lược ưu đãi, giảm giá vé máy bay, dịch vụ lưu trú… cho du khách, đồng thời kết nối với các địa phương, điểm đến nghiên cứu đưa ra chương trình kích cầu cụ thể ”-ông Long nói.

Khách du lịch tại Khu du lịch Đồi 79 mùa Xuân (huyện Mê Linh). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tại Khu du lịch Đồi 79 mùa Xuân (huyện Mê Linh). Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đề xuất, để thị trường nội địa thu hút du khách, Nhà nước cần duy trì chính sách ưu đãi về lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… từ đó khuyến khích người Việt đi du lịch trong nước khi giá tour thấp nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.

Có thể nói, việc giải quyết vấn đề giá cả để tạo sức cạnh tranh cho tour nội địa với tour nước ngoài không trong tầm tay của doanh nghiệp mà đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan quản lý phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau và địa phương với doanh nghiệp.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-tour-noi-dia-lep-ve-tour-ngoai-gia-re.html