'Khi trái tim còn đập': Góc khuất phía sau món quà vô giá của sự sống

Hiến tạng là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, bởi nhờ có hiến tạng, nhiều người bệnh được cứu sống hơn, sự sống tiếp tục được nối dài. Song, đằng sau món quà của sự sống vô giá ấy là góc khuất đầy đau đớn, thấm đẫm những giọt mồ hôi, nước mắt. Cuốn sách 'Khi trái tim còn đập' của tác giả Maylis de Kerangal không chỉ miêu tả rất chân thực góc khuất đó, mà còn lan tỏa nhiều thông điệp nhân văn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế), nhà văn Di Li và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế), nhà văn Di Li và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Hiện thực thấm đẫm trong từng trang viết

“Đây là cuốn sách hết sức tuyệt vời” – Ths. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) - chia sẻ tại buổi tọa đàm “Khi trái tim còn đập - chuyện về hiến tạng: Khi hạnh phúc là cho đi” tổ chức tại Hà Nội tối 3/12.

Là người trực tiếp chứng kiến rất nhiều ca lấy tạng hiến tại Việt Nam, đồng thời là một người tích cực vận động, truyền thông về vấn đề hiến tạng, Ths. Nguyễn Hoàng Phúc như nhìn thấy chính mình trong tác phẩm của Maylis de Kerangal.

Để có được những ca ghép tạng thành công, những câu chuyện nhân văn được lan tỏa, thì gia đình người hiến đã phải trải qua diễn biến tâm lý khủng khiếp, nhân viên điều phối tạng phải có sự nhẫn nại để kịp thời vận động hiến tạng và điều phối tạng.

Buổi tọa đàm “Khi trái tim còn đập - chuyện về hiến tạng: Khi hạnh phúc là cho đi” tổ chức tại Hà Nội tối 3/12.

“Người bố, người mẹ trong câu chuyện đã vật vã, đau đớn, kinh hoàng như thế nào khi biết tin rằng con mình đã chết não, sau đó nghe các bác sĩ hỏi rằng có hiến tạng được không; thì trong cuộc sống, điều tương tự cũng xảy đến: Khi bác sĩ nói rằng người chồng, người con trong gia đình đó không còn cơ hội cứu sống nữa, đã chết não, ai nấy đều hoảng hốt. Sau đó, khi các bác sĩ đề cập tới việc hiến tạng, chúng tôi nhận được những sự phản ứng dữ dội của người nhà bệnh nhân. Họ bảo “điên à! Làm gì có cái chuyện đấy!”. Thậm chí họ còn bảo chúng tôi là có phải các vị không muốn cứu bệnh nhân để lấy tạng hay không” – Ths. Nguyễn Hoàng Phúc tâm sự.

Ngoài việc bị nhiếc móc, mắng mỏ, các bác sĩ còn gặp phải những câu chuyện dở khóc, dở cười. Ths. Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, có một gia đình đồng ý hiến tạng con trai thứ hai, nhưng người con trai cả phản đối dữ dội việc hiến tạng. Đến khi người cha được mời đến cơ sở y tế để ký vào hồ sơ hiến tạng, thì bị con trai cả nhốt lại, không cho người em của mình đem lại sự sống cho bất kỳ ai khác.

Thậm chí có nhiều trường hợp gia đình đã đồng ý hiến tạng rồi, nhưng một người bà con xa phản đối kịch liệt cũng làm cho các bác sĩ bất lực, không thể lấy tạng hiến.

“Tất cả những chi tiết đó được thể hiện rất chân thực trong tác phẩm “Khi trái tim còn đập”. Nhà văn phải sống thực sự với môi trường của chúng tôi mới có thể viết chân thực đến rùng mình như thế” – Ths. Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.

Cuốn tiểu thuyết nhân văn

Không chỉ đầy tính chân thực, tác phẩm cũng giàu tính nhân văn khi khắc họa những sự hi sinh, những khó khăn, khốc liệt mà bác sĩ vận động hiến tạng gặp phải khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân trong hoàn cảnh đau đớn, nặng nề.

Cuốn sách "Khi trái tim còn đập" và tấm thẻ hiến tạng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

“Song, các bác sĩ đã giúp được những sự sống được hồi sinh, đó là những điều kỳ diệu” – Ths. Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm với Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, nhà văn Di Li cũng tâm sự: “Tôi đã bị cuốn sách chinh phục”. Nữ nhà văn đánh giá, cuốn sách đã vượt qua giá trị giải trí, trở thành bài học cuộc sống mà còn ẩn chứa nhiều triết lý nhân văn sâu sắc.

Ở góc độ của một trong những người tiên phong viết phóng sự và đăng ký hiến tạng, nhà văn Di Li cảm nhận sâu sắc về sự mông lung khi muốn hiến tạng mà không biết cách đăng ký, nỗi lo sợ về việc gia đình có khả năng không đồng ý về việc hiến tạng, sợ dư luận phản ứng tiêu cực thay vì thay đổi nhận thức về việc hiến tạng.

Đến nay, sau gần 10 năm, nữ nhà văn Di Li mới có đủ dũng cảm để cho biết cô đã đăng ký hiến tạng, nhờ được cuốn sách truyền lửa. Bên cạnh đó, cô cũng mong mỏi có nhiều người hiểu về tinh thần hiến tạng hơn sau khi tiếp xúc với cuốn sách.

Nữ nhà văn cũng bộc bạch: “Tôi không còn sợ chết nữa, bởi tôi hiểu sau khi điều kinh khủng đó xảy ra, sẽ có nhiều sự sống mới được tái sinh”.

Chi Lê

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/khi-trai-tim-con-dap-goc-khuat-phia-sau-mon-qua-vo-gia-cua-su-song-374664.html