Khi trì hoãn cũng là một nghệ thuật
'Nghệ thuật trì hoãn' của John Perry - một Giáo sư Triết học tại Trường Đại học Stanford đúng đến ngạc nhiên. Sự đúng ở đây là bởi ai rồi cũng từng trì hoãn trong đời. Ngạc nhiên đến thích thú bởi nếu bạn hiểu đến tận cùng thì sự trì hoãn có tổ chức đều có ích lợi riêng của nó. Khi hiểu được những lý do, kiến thiết được mục đích thì hầu như con người đều lên kế hoạch và tự thu xếp được công việc. Cuốn sách vừa vui nhộn, sâu sắc, gợi mở một cách nhìn khác vừa khoa học, vừa tâm lý trong giải mã hành vi con người, xứng đáng được chọn đọc trong những thời điểm 'refresh' lại tinh thần.
Khởi nguồn của cuốn sách theo lời tác giả: chính là những người cộng sự, bạn văn, bạn nghiên cứu của ông gợi ý ông John Perry xuất bản tiểu luận: trì hoãn có tổ chức. Sau đó, bài đăng vào năm 1996 đến năm 2011, tác giả tự trào khi nhắc đến mình được nhận giải Ig Nobel văn học (tạm dịch là giải Nobel “ngớ ngẩn”) cho công trình của mình. Thế rồi, bằng cách này hay cách khác, nhiều người biết đến lý thuyết trì hoãn có tổ chức. Nhiều bạn đọc chia sẻ cùng tác giả vì được thấu cảm, động viên, biết vượt lên chính mình. Giờ đây, tôi cùng các bạn đang cầm trên tay cuốn sách: “Nghệ thuật trì hoãn” của giáo sư có lẽ không “xàm” như lần được vinh danh năm 1996.
Tác giả ngay từ đầu đã đi từ bản chất của con người để lý giải nguyên nhân ẩn giấu vì sao nhiều người cố tình không làm những điều mà họ biết là nên làm. Điều quan trọng hơn, ông đi đến kết luận: tư tưởng về một cỗ máy lý trí chính là ngọn nguồn của rất nhiều nỗi bất hạnh không đáng có. Hành động thông thường cũng không phải là không tốt và không đến mức phải cảm thấy xấu hổ và tuyệt vọng. Thật lạ là một khi nhận ra mình là người trì hoãn có tổ chức, chúng ta không những cảm thấy tự tin mà còn cải thiện được phần nào năng suất làm việc, bởi vì, một khi bóng đen của cảm giác tội lỗi và hổ thẹn đã bị xua tan, chúng ta bắt đầu biết được điều gì làm cho chúng ta lần lữa mãi.
Cuốn sách là một dạng kiểu triết học self-help (tự lực) cho những người trì hoãn đang tuyệt vọng. Chả thế mà một người phụ nữ tuổi ngoài 70 đã viết thư đến tác giả bày tỏ cảm ơn nhờ có cuốn sách, thông tin từ sự trì hoãn của tổ chức để thêm tự tin. Bà viết: “Trong vài tháng qua, tôi đã hoàn thành cả ngàn công việc mà vẫn cảm thấy nặng nề vì chúng không quan trọng bằng các công việc khác trong danh sách công việc của tôi. Giờ đây đám mây đen của cảm giác tội lỗi và hổ thẹn đã từng phủ bóng lên tâm trí tôi đã bắt đầu bị xua tan”.
Những người trì hoãn đều có thói quen để dành công việc. Trì hoãn có tổ chức chính là một nghệ thuật lợi dụng thói quen xấu đó. Mấu chốt trì hoãn không đồng nghĩa với hoàn toàn không làm gì. Về bản chất, sự trì hoãn đôi khi là né tránh, hoặc là cách để đánh lừa để họ không phải làm việc quan trọng hơn. Làm sao để khắc phục được điều này, theo tác giả là phải biết cách chọn những công việc phù hợp đưa lên đầu danh sách, phải thỏa mãn hai điều kiện: sự quan trọng và thời hạn hoàn thành. Bạn thấy đó, khi biết tìm nguyên nhân, sẽ tìm ra giải pháp. Nếu không hành động để giải quyết sự trì hoãn thì tất nhiên không còn gọi là nghệ thuật trì hoãn, mà chính là duy trì tính xấu trì hoãn.
Tác giả còn phát hiện ra rằng: ảo tưởng về sự hoàn hảo chính là dung dưỡng tính trì hoãn. Kết quả khuyến nghị vẫn là: “Bạn nên bắt tay vào làm càng sớm càng tốt, cùng với mong muốn một kết quả vừa đủ - hay có thể tốt hơn một chút- nhưng không cần phải hoàn hảo”. Có lẽ cách tốt nhất để chiến thắng tính trì hoãn đó là: làm việc chung với người không có tính trì hoãn, điều đó cũng giống như đặt một chiếc đồng hồ báo thức bên cạnh mình. Chiếc đồng hồ ấy mang tên “cộng sự”.
Tóm lại trì hoãn là một thói xấu. Tính cách này không phải là thói xấu tồi tệ nhất thế gian, người trì hoãn vẫn có thể làm được rất nhiều việc. Có đôi khi khiếm khuyết lại cũng có lợi ích của nó. Lang thang từ đầu sách đến cuối sách, rồi tôi cũng nhận ra sự hóm hỉnh, uyên thâm của giáo sư luôn nhìn cuộc đời bằng màu sắc đa dạng - Giáo sư Triết học John Perry. Đúng như ông nhận định: con người là sự cộng hợp của những ham muốn, niềm tin, sự thôi thúc và những ý tưởng bất chợt. Mỗi một giây phút, trong mỗi chúng ta luôn có sự cạnh tranh quyền kiểm soát cơ thể và tâm trí của tất cả những điều đó. Ở một góc độ tiêu cực, người trì hoãn có tổ chức có thể không phải là những con người lao động năng suất nhất nhưng nhờ vào việc ý tưởng và năng lượng của mình đi lang thang, họ có thể có những ý nghĩ, sáng tạo bất chợt mà đôi khi những người khác chưa có được. Dẫu sao thì điều quan trọng hơn cả là hãy tận hưởng cuộc sống này! Đó là lời kết thật dí dỏm của giáo sư dành tặng cho tất cả chúng ta.
Không có điều gì là vô nghĩa khi nó đã là hiện thực trong chính cuộc sống của bạn! Quan điểm của John Perry có thể ngay một lúc chưa thể nhận được sự đồng thuận của nhiều người; nhưng ít ra là gợi mở một cách nhìn tích cực trong tâm lý hành vi về cái gọi là: trì hoãn có tổ chức. Hiểu về nó, sử dụng nó, nâng cấp nó biến thành phiên bản tốt hơn và để cùng chung sống với nó: có lẽ thông điệp về nghệ thuật của sự trì hoãn là đây chăng! Các bậc hiền nhân đã luôn nói: quan trọng nhất là tự tách mình ra nhận diện, để hiểu và biết đủ, ngưng phán xét và đổ lỗi. Trì hoãn không thật sự quá tệ hại, có đôi khi biết trì hoãn cũng là cách bạn biết chọn việc nào trong hàng loạt danh sách công việc cần thực hiện mỗi ngày. Lý trí hay tình cảm, bạn sẽ lắng nghe từ phía nào? Chẳng có một công thức hoàn hảo cho mỗi tình huống, quyền lựa chọn ở bạn, dẫu sao thì hãy luôn tận hưởng với sự lựa chọn của chính mình, nhé bạn!
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/khi-tri-hoan-cung-la-mot-nghe-thuat/28782.htm