Khi Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà
Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ chính thức hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8/2025. TS . NSND Lê Tuấn Cường, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, đơn vị đang gây sốt với những đêm diễn cháy vé cho rằng: Sáp nhập sẽ mở ra trang sử mới cho Tuồng, Chèo, Cải lương.
Nghệ sĩ cần đa dạng hóa chuyên môn
Một số người lo lắng công cuộc sáp nhập có thể khiến Tuồng, Chèo, Cải Lương mai một hoặc đi xuống. Các nghệ sĩ tên tuổi của 3 Nhà hát trên đều khẳng định: Sáp nhập thì Tuồng vẫn là Tuồng, Chèo vẫn là Chèo, Cải lương vẫn cứ là Cải lương. Nhưng nghệ sĩ cần cuộc “lột xác” để thích nghi.
NSND Trọng Bình, Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho rằng: “Đây là cơ hội của các nghệ sĩ. Trước hết là cơ hội để chúng tôi nhìn thấy thực tế của ngành nghề trước kỷ nguyên mới của dân tộc”. Ông giải thích: “ 3Nhà hát sáp nhập thành Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam đòi hỏi nghệ sĩ phải đa di năng hơn. Làm Cải lương phải hiểu cả Chèo, Tuồng. Làm Chèo, Tuồng cũng cần biết về Cải lương. Có như thế mới đứng vững, bởi kỷ nguyên mới đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ đơn thuần biết một loại hình nghệ thuật. Một ngày gần nhất, các nghệ sĩ Cải lương có thể hát được Chèo, trong một vở Chèo có thể có một khúc hát Cải lương, làm mới thêm loại hình nghệ thuật này”. NSƯT Phạm Ngọc Dương, Nhà hát Chèo Việt Nam, tán đồng quan điểm trên: “Các nghệ sĩ phải đa dạng hóa về chuyên môn. Sắp tới, tôi cũng có thể làm thêm Tuồng”.

Vở Quan âm Thị Kính của Nhà hát Chèo Việt Nam cũng gây sốt
Trong công cuộc sáp nhập và tinh gọn sẽ có người vui, kẻ buồn. Nhưng dù đau thương cũng phải hành động. TS. NSND Tuấn Cường thẳng thắn bày tỏ: “Tinh gọn mạnh rất đúng. Đây là cơ hội để nghệ sĩ nhìn lại chính mình. Một số nghệ sĩ đánh trống ghi tên nhiều chục năm vẫn cứ lĩnh lương. Nếu không lao động làm sao phát triển được sân khấu nước nhà?”. Một thời gian ngắn nữa, những người chèo thuyền Nhà hát Sân khấu Truyền thống Quốc gia Việt Nam sẽ lộ diện. NSƯT Lộc Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam, gửi gắm hi vọng: “Tôi mong sẽ có được một vị thủ lĩnh có đức, có tài, có tầm nhìn xa, trông rộng để nghệ thuật truyền thống phát triển cũng như đời sống anh em được nâng lên”.
Nỗi lo thiếu lực lượng kế cận
“Bộ môn Cải lương 4 năm nay không tuyển được người. Năm vừa rồi tuyển được 13 người nhưng đến học kỳ thứ 2 chỉ còn 7 người thôi. Trường Sân khấu Điện ảnh thông báo tuyển sinh nhưng nghệ thuật sân khấu dân tộc rất heo hắt. Tình hình bên Cải lương là thế, bên Tuồng có khi còn lo hơn, vì 5 năm rồi không có hồ sơ nào thi tuyển”, NSND Trọng Bình chia sẻ. NSƯT Lộc Huyền cũng nói đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng ở Tuồng. Trong khi đó, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam lại lạc quan: “Người xin về Nhà hát Chèo Việt Nam rất nhiều”. NSND Trọng Bình bật mí, những năm qua, các Nhà hát vẫn được đặt hàng: “Bên Cải lương mỗi năm được đặt hàng 2 vở, còn lại tự làm thêm chương trình”. Ông hi vọng, cuộc sáp nhập sẽ mang đến làn gió mới, thay đổi sân khấu truyền thống theo hướng tích cực để kích thích người trẻ đến với Tuồng, Chèo, Cải lương.
Các nghệ sĩ của sân khấu truyền thống hôm nay không ngại nhắc đến chuyện cơm áo khi về chung một mái nhà. Nhắc đến nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Cải lương nhiều người thường nghĩ đến sự chật vật mưu sinh. Lên sân khấu họ sắm vai ông vua, bà hoàng, cánh màn nhung khép lại, trở về đời thường họ phải làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. NSƯT Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam, từng có những năm tháng làm nhiều nghề tay trái để bám trụ với Cải lương. Ở thời điểm này anh tự tin khẳng định: Nghệ sĩ có tài năng, có khán giả sẽ sống ổn, sống dư dả bằng nghề. NSND Trọng Bình nhìn thấy lợi thế rõ ràng của việc sáp nhập ba Nhà hát: “Nhà hát Tuồng Việt Nam có rạp Hồng Hà, Nhà hát Chèo Việt Nam có Nhà hát Kim Mã. Nhờ sáp nhập nghệ sĩ cải lương không còn phải loay hoay tìm sân khấu để diễn, tiền thuê rạp lại được thêm thắt, bù đắp vào thù lao cho anh em”. TS. NSND Tuấn Cường nói: “Nghệ sĩ không thể sáng tạo và cống hiến nếu còn phải đau đáu chuyện áo cơm”. Ông tin tưởng, ở Nhật Bản, Hàn Quốc… nghệ sĩ sân khấu truyền thống sống khỏe thì ở ta cũng có thể làm được như vậy. Đời sống nghệ sĩ chỉ được nâng lên nếu sân khấu sáng đèn, đông khán giả. “Đừng sợ Cải lương, Tuồng, Chèo không có khán giả, quan trọng là người làm nghề có dám đổi mới hay không”, NSND Tuấn Cường nhìn nhận.

Hơn 500 khán giả thăng hoa cùng vở Xúy Vân, tại Nhà hát Kim Mã - Nhà hát Chèo Việt Nam
Giải mã những cơn sốt tuồng, chèo
Muốn được khán giả đón nhận thì nghệ thuật truyền thống phải hướng đến khán giả. Người chèo lái Nhà hát Chèo Việt Nam nhớ lại lời nhắn nhủ của GS. NSND Trần Bảng: “Khi còn tại thế thầy nói, Chèo là của người dân, người dân giữ nó, em phải đưa Chèo đến với người dân. Trước khi mất, thầy dặn tôi lo hậu sự cho thầy, hãy để thầy làm con ma của Chèo. Cho nên, người làm nghệ thuật truyền thống phải đặt chân xuống đất, phải nhìn thẳng vào thực tế, đừng viển vông. Đừng mải nói hàn lâm với bác học, vì khán giả mới là người thầy chuẩn mực. Nghệ thuật truyền thống phải rời trang sách để đi vào cuộc đời, phải rời cung điện để đến với người dân”.
Nhà hát Chèo Việt Nam đã và đang gây sốt trong giới chuyên môn và khán giả bởi những đêm diễn cháy vé. Nhiều khán giả từ các tỉnh thành đã lặn lội đến thủ đô để xem những vở chèo kinh điển như Xúy Vân, Quan âm Thị Kính… Bí quyết hút khán giả được NSND Tuấn Cường chia sẻ: “Phải đặt chất lượng nghệ thuật lên hàng đầu, đã diễn ở Nhà hát Kim Mã thì những nghệ sĩ hạng 2, hạng 3 chưa được diễn, họ cần thời gian để trau dồi thêm. Không thể cả nể trong nghệ thuật Nếu chúng tôi không làm được điều ấy thì “thượng đế” quay lưng lại với chúng tôi”.

Cảnh trong vở Tuồng Tình mẹ
Không chỉ Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đang có những khởi sắc đáng mừng. Chương trình nghệ thuật đa giác quan Dấu thiêng Hà Nội hé lộ những bí ẩn, những câu chuyện thú vị của Tuồng diễn ra trong 4 đêm, 11,14,15,16/11/2024 kín khán giả. NSƯT Lộc Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam xác nhận: “Các đêm diễn Tuồng từ đầu năm đến giờ bán được vé rất khá, cũng có đêm kín rạp”. Cả 3Nhà hát đều cố gắng tiếp cận thế hệ trẻ. NSƯT Lộc Huyền chia sẻ: “Nhà hát Tuồng chú trọng tiếp cận thế hệ trẻ một cách bài bản và có hệ thống. Các yếu tố đặc trưng của Tuồng như nghệ thuật biểu diễn, mô hình nhân vật, kỹ thuật hóa trang và vũ đạo đã được giới thiệu tại nhiều trường học. Nhờ thế các bạn trẻ đã dần quan tâm hơn, thậm chí chủ động mua vé đến rạp để thưởng thức”.

Nhà hát Tuồng Việt Nam có những cách thức lôi kéo khán giả. Đi xem vở Tình mẹ khán giả được trải nghiệm miễn phí không gian trưng bày nghệ thuật Tuồng
TS. NSND Tuấn Cường cho biết: Nhà hát Chèo Việt Nam thành công với sân khấu học đường. Vở Thị Màu xuyên không của Nhà hát từng diễn chục buổi trong một tháng. Theo ông, không thể bỏ qua việc nghiên cứu thị trường để hiểu khán giả hôm nay cần gì? “Trong xu hướng hội nhập quốc tế, khán giả có quá nhiều lựa chọn, nếu sân khấu truyền thống không khai thác đúng món ăn “thượng đế” cần thì sẽ “đói” khán giả”, ông nói. Người chèo lái Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng, những vỡ diễn tiêu tốn thời gian mà giữ nguyên một mạch cảm xúc sẽ khó giữ chân khán giả: “Diễn cải lương lâm li bi đát khoảng 2,5 tiếng thì khán giả hôm nay rất ngại theo dõi. Hay diễn một vở tuổng với màu sắc bi hùng khoảng 2,5 tiếng, e rằng khán giả cũng không thể xem đến cuối. Chi bằng giảm bớt thời gian, nhấn vào những điểm đặc sắc. Tôi làm Thị Màu xuyên không cắt 2,5 tiếng còn 1 tiếng”. Tuồng, Chèo, Cải lương đang đón xu hướng TikTok hóa trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Sân khấu truyền thống thay sự lê thê bằng sự ngắn, gọn, sinh động và cựa mình nhờ tiếp cận những chiêu thức hấp dẫn khán giả thời hiện đại. Xem một vở Tuồng, Chèo, Cải lương, “thượng đế” bị mê hoặc bởi âm thanh, ánh sáng chất lượng cao. NSND Tuấn Cường so sánh xưa - nay: “Các cụ ngày xưa chỉ cần ngọn đèn dầu có thể xem hết vở diễn, còn bây giờ ánh sáng nhuộm từng góc, chất lượng từng mảng”.
Đừng coi thường quảng bá qua mạng xã hội
Theo quan sát của NSƯT Phạm Ngọc Dương các vở diễn cổ dễ bán vé: “Tại Nhà hát Chèo Việt Nam, những vở diễn cổ như Xúy Vân, Quan Âm Thị Kính, Trương Viên được thích, khán giả kín rạp. Trước đây chỉ có khán giả trung niên tới với các đêm diễn nay rất nhiều khán giả trẻ đã đến rạp”. Anh cho rằng quảng bá bằng công nghệ, tiếp cận khán giả qua mạng xã hội như TikTok, Facebook rất quan trọng. Nhà hát Chèo Việt Nam chạy quảng cáo các vở diễn trên Facebook, trên trang web. Nghệ sĩ Chèo chơi TikTok khá nhiều nhưng theo NSƯT Phạm Ngọc Dương chưa có nghệ sĩ nào ở sân khấu truyền thống thành hot TikToker.
NSND Trọng Bình tán đồng quan điểm của NSƯT Phạm Ngọc Dương. Ông nói: “Ai làm chủ công nghệ người đó thắng. Tôi hi vọng sau khi sáp nhập sẽ có đội ngũ truyền thông, tiếp thị tốt để nghệ thuật truyền thống phủ sóng hơn nữa”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-tuong-cheo-cai-luong-ve-mot-nha-post1757750.tpo