Khi tuyết rơi bất thường ở những vùng đất nóng trên thế giới

Đôi khi băng tuyết xuất hiện, bao phủ cảnh quan và mang đến vẻ đẹp hiếm gặp cho một số nơi được coi là không thể ngờ nhất như sa mạc Sahara, Las Vegas, Nam Phi.

Sa mạc Sahara, Algeria: Những đụn cát vàng và cam trải ngút tầm mắt là hình ảnh mà mọi người thường hình dung khi nhắc đến sa mạc Sahara. Tuy nhiên, vào năm 2018, sa mạc nổi tiếng này trở nên thực sự khác lạ do thị trấn Sahara ở Ain Sefra, Algeria, và vùng phụ cận trải qua trận tuyết rơi hiếm gặp. Mức độ ẩm bất thường trong không khí và nhiệt độ ban đêm giảm mạnh là công thức tạo nên hiện tượng thời tiết bất thường này.

Athens, Hy Lạp: Trong khi Athens thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng nhiệt độ châu Âu vào mùa hè, thành phố này đã đạt mức thấp kỷ lục vào tháng 1/2019. Nhiệt độ giảm xuống dưới 0 độ C và tuyết bao phủ thủ đô cổ đại, cùng các khu vực phía tây nam Hy Lạp, trong đợt không khí lạnh từ Siberia tràn đến Địa Trung Hải. Tuyết phủ nhẹ lên tàn tích của Acropolis và các di tích cổ mang đến khung cảnh ngoạn mục. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt tạo nên sự hỗn loạn cho các con đường ở thủ đô của Hy Lạp.

Barcelona, Tây Ban Nha: Tuyết rơi dày như trải thảm thường có ở các khu vực của Catalonia phía bắc Tây Ban Nha, nhưng hiếm hơn nhiều đối với thủ phủ ven biển Barcelona. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, cơn bão Gloria khiến thành phố "rùng mình" với nhiệt độ ở mức đóng băng, gió mạnh và tuyết. Thành phố của những bãi biển đầy nắng cũng bị ảnh hưởng bởi đợt lạnh Siberia quét qua phần lớn miền Nam châu Âu vào tháng 1/2018. Năm 2010, Barcelona ghi nhận trận tuyết rơi dày nhất kể từ năm 1962.

Nam Phi: Khi nghĩ đến châu Phi, bạn có thể hình dung ra những sa mạc hay bãi biển nhiệt đới, nhưng khí hậu của lục địa này đa dạng hơn nhiều. Du khách cũng có thể trượt tuyết ở Nam Phi vào mùa đông (tháng 6 đến tháng 8). Một trong những địa điểm có nhiều tuyết nhất là vùng cao nguyên Eastern Cape. Vào năm 2018, tuyết rơi cuối mùa đã được ghi nhận ở Northern, Western và Eastern Cape, cũng như ở bang Kwazulu-Natal, với một số khu vực có lượng tuyết dày hơn 25 cm chỉ trong 3 ngày.

Jerusalem (Israel): Thành phố linh thiêng Jerusalem có thể trông như hình ảnh trong một quả cầu tuyết khi bước vào mùa đông đặc biệt lạnh giá. Bức ảnh trên là hình chụp đền thờ Dome of the Rock sau đợt tuyết rơi dày vào tháng 2/2015. Jerusalem và các khu vực miền núi xung quanh cũng chứng kiến tuyết rơi dày vào tháng 1/2019.

Shimla, Ấn Độ: Với những sườn đồi phủ rừng rậm và thung lũng xanh tươi, thủ phủ bang Himachal Pradesh là "thủ đô mùa hè" của người Anh trong thời thuộc địa khi họ tìm cách trốn khỏi cái nóng gay gắt ở những nơi khác. Shimla trở nên đẹp hơn từ tháng 12 đến tháng 1 khi các đỉnh núi và khu rừng phủ đầy tuyết.

Las Vegas, Nevada, Mỹ: Las Vegas thường được mệnh danh là "thành phố sa mạc" của nước Mỹ. Tuy nhiên, một khung cảnh lạnh giá bao trùm đường phố và các tòa nhà cao tầng ở nơi đây, cùng với những dãy núi và sa mạc xung quanh vào tháng 2/2019. Bão tuyết ập đến các đường băng của sân bay Las Vegas với một lớp tuyết dày 2 cm hiếm gặp, khiến nhiều chuyến bay bị hủy và hoãn.

Dãy núi Blue, Australia: Tuyết rơi dày đã biến những ngôi làng xinh đẹp và vùng đất bụi rậm ở vùng núi Blue của New South Wales thành xứ sở thần tiên mùa đông vào tháng 6/2019. Tuyết bao phủ khung cảnh là sự kiện khá hiếm ở đây nhưng vẫn xảy ra. Điều bất thường là thời tiết lạnh giá của tháng 6 năm ngoái cũng khiến tuyết rơi ở Queensland cũng như các vùng trũng thấp của Tasmania, Victoria và New South Wales.

Cuộc sống của 2 người phụ nữ ở Bắc Cực 2 nhà thám hiểm địa cực này sống trong một cabin nhỏ trên đảo Svalbard ở Bắc Cực. Họ phải chịu đựng những tháng ngày chìm trong bóng tối, không có điện và nước.

Uyên Hoàng

Theo Love Exploring

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-tuyet-roi-bat-thuong-o-nhung-vung-dat-nong-tren-the-gioi-post1162660.html