Khi U40-U70 chơi bóng chuyền bãi biển

Cầu thủ đội bóng chuyền “ông già” bãi biển chơi bóng. Ảnh: HOÀI NAM

Gần 3 năm qua, từ 5 giờ sáng, trên bãi biển phường 7 (TP Tuy Hòa) xuất hiện đội bóng chuyền với các vận động viên từ U40-U70 nên mọi người gọi là đội bóng chuyền “ông già” bãi biển.

Cầu thủ tham gia đội bóng chuyền này gồm nhiều thành phần, từ cán bộ công chức, viên chức, tiểu thương, cán bộ nghỉ hưu… Ngày nào, họ cũng duy trì tập luyện theo trái bóng, tăng cường sức khỏe, giảm bệnh tật.

Rủ nhau chơi bóng chuyền

4 giờ 45, thành viên đội bóng lần lượt có mặt tại Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Phú Yên (1A, Nguyễn Văn Cừ, phường 7). Tại đây, mọi người pha bình trà ngồi nhâm nhi xem kênh truyền hình Thông tấn xã, kể chuyện hài... Đến 5 giờ 15, cạn bình trà, các thành viên vác trụ, mang bao cước đựng bóng và dây làm vạch sân bóng xuống bãi biển.

Căng lưới xong, trận đấu bắt đầu. Cầu thủ Đào Quang Thắng cho biết: Tôi năm nay 63 tuổi mà bay người đập bóng rất tốt, hồi tôi công tác trong quân đội là tay chuyền 2, về hưu tiếp tục chơi bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe.

Trên sân bóng xuất hiện cầu thủ với biệt danh độc đáo: Cào Cào. Sở dĩ có tên gọi Cào Cào là vì khi đánh bóng chuyền, hàng công đối phương đập trái bóng bay qua, ông bay như con cào cào bắt bóng rồi té nằm dài trên cát. Cào Cào là biệt danh của ông Phạm Tấn Dương (62 tuổi) là tiểu thương ở chợ Tuy Hòa. Ông tham gia đội bóng chuyền này cũng để sống vui sống khỏe.

Tăng cường sức khỏe, giảm bệnh tật

Ông Ba Cần (Phạm Văn Cần) đã 68 tuổi, người lớn nhất đội bóng và là “ông bầu”, khởi xướng thành lập đội bóng chuyền bãi biển, kể trước đây ông bị đau bả vai phải, đi chữa nhiều nơi từ bệnh viện tỉnh đến các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh vẫn không khỏi. Vậy mà sau một thời gian tham gia đánh bóng chuyền bãi biển, bệnh đau bả vai bay đâu mất.

“Chú nay U70 rồi, ngày nào cũng tham gia đánh bóng chuyền bãi biển. Hôm rồi Tám Thắng (thành viên đội bóng) dùng điện thoại livestream đội bóng chuyền trên facebook, đứa cháu ở quê (xã An Chấn, huyện Tuy An) bình luận: Chú Ba già rồi mà nước da đỏ au. Nghe nó khen, mình… sướng”, ông Ba Cần nói.

Rồi ông kể, Gạch - biệt danh của ông Bùi Văn Mưu, hồi trước nước da tái nhợt. Sở dĩ gọi Gạch là vì cơ thể ông Mưu thường mệt mỏi, mỗi lần xuống biển ông hay nằm dài không cục cựa nổi, cứng như viên gạch. Ngày đầu tham gia bóng chuyền bãi biển, Gạch làm biếng đến nỗi bóng rơi kề bên cũng không đưa tay chạm, về sau mới lanh bóng. Nhờ chơi thể thao, bây giờ Gạch đỏ da thắm thịt rồi.

Còn ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (SN 1973), cầu thủ đội bóng chuyền “ông già” bãi biển chia sẻ: Vừa rồi tôi đi công tác gần nửa tháng, ngày ngồi trên xe, chiều tối ăn uống không vận động, mỡ bụng tăng 2kg nên thấy mệt. Về đến nhà là tôi tham gia đánh bóng chuyền ngay để giữ gìn sức khỏe.

Tham gia đội bóng chuyền “ông già” bãi biển có 5 nhà báo. Nhà báo Trình Kế, Báo Nhân Dân thường trú tại Phú Yên cho hay: Huyết áp tôi thường xuyên tăng cao, thời gian qua, nhờ tham gia đánh bóng chuyền nên huyết áp dần ổn định. Còn nhà báo Đoàn Thế Lập, nguyên Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Phú Yên, nói: Lúc mới tập đánh bóng chuyền đứng dưới ô số 6, có lúc không có bóng đứng lạnh, nay tôi bước lên hàng công. Sáng, nhâm nhi ly trà rồi xuống sân bóng chuyền bãi biển vận động, vui cười, làm tan biến hết mệt nhọc ngày hôm qua. Duy trì luyện tập bóng chuyền để giải trí, rèn luyện sức khỏe rất tốt.

Đánh xong 3 séc bóng chuyền, ngồi nghỉ chờ ráo mồ hôi rồi tắm biển, về đến nhà gần 7 giờ sáng. Cầu thủ đội bóng chuyền “ông già” bãi biển, người thì ở phường 3, người thì phường 7, xa nhất là ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Tất cả họ bước vào một ngày làm việc mới, mang theo niềm vui của đội bóng chuyền “ông già” bãi biển.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/88/230339/khi-u40-u70-choi-bong-chuyen-bai-bien.html