Khi vào Biển Đông, bão Rai sẽ gây mưa lớn ở miền Trung và Nam Bộ
Sau khi quét qua phía bắc quần đảo Trường Sa với sức gió mạnh cấp 13, bão Rai khả năng di chuyển ngược lên phía bắc.
Chiều 15/12, Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) cho biết lúc 13h, bão Rai hoạt động trên vùng biển ngoài khơi Philippines đạt cường độ gió mạnh nhất 120 km/h, tương đương cấp 12, giật cấp 14. Bão liên tục mạnh lên những giờ qua.
Ngày và đêm nay, hình thái này di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20 km/h và hướng về đất liền Philippines.
Chiều 16/12, tâm bão áp sát vùng biển ven bờ phía đông nam miền Trung Philippines, với sức gió mạnh đến cấp 13, giật cấp 16. Đây là thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất trước khi tiến vào đất liền.
PAGASA cảnh báo nguy cơ mưa lớn và gió giật trên khu vực quần đảo Dinagat, thành phố Surigao và các tỉnh Agusan, Camiguin, Misamis Oriental, Southern Leyte, Bohol, Negros Oriental, Cebu. Mưa có thể kéo dài từ sáng sớm 16 đến ngày 17/12.
Chiều 17/12, bão Rai quét qua phía đông bắc đảo Palawan sau đó tiến vào Biển Đông. Quá trình ma sát với đất liền trước đó khiến bão giảm cấp nhưng không đáng kể, duy trì sức gió mạnh cấp 12.
Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, sau khi vào Biển Đông, bão có xu hướng di chuyển chếch theo hướng tây tây bắc với vận tốc 25 km/h.
Chiều 18/12, khi tâm bão quét qua phía bắc quần đảo Trường Sa, hình thái này có thể đạt sức gió mạnh nhất 145 km/h, tương đương cấp 13, giật cấp 16. Sau đó, khi tiến gần bờ, bão đi chậm và có dấu hiệu giảm cấp do tương tác với không khí lạnh.
Theo kịch bản chung mà cơ quan khí tượng các nước đang đưa ra, khi tâm bão vào gần bờ ngày 19/12, hình thái này có xu hướng di chuyển lên phía bắc chứ không đi thẳng vào đất liền khu vực Nam Trung Bộ. Nhiều khả năng, bão đi hướng ra ngoài và tiến về khu vực phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng Hong Kong nhận định mặc dù không di chuyển trực tiếp vào đất liền nước ta, vùng ảnh hưởng của bão Rai vẫn rộng khắp khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận do đây là cơn bão mạnh và có hoàn lưu rộng.
Thời điểm đất liền bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão được nhận định là ngày 19/12, ngay khi hình thái này có xu hướng di chuyển chếch thẳng theo hướng bắc. Nhận định này tương tự dự báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết Rai là cơn bão mạnh với sức gió có thể đạt cấp 12 trong thời gian di chuyển trên Biển Đông, gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền. Do đó, tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ tiềm ẩn nguy cơ gặp rủi ro trong ngày 17-18/12.
Trong bản tin dự báo dài hạn, cơ quan khí tượng cho biết ngày 18-20/12, ảnh hưởng của hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới nên Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.
Trong đó, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và một số nơi thuộc phía nam Tây Nguyên có mưa lớn với tổng lượng 100-200 mm, có nơi cao hơn.
Trước mắt, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã lên 3 kịch bản ứng phó với bão, tương ứng với xác suất xảy ra từ cao đến thấp là: Bão chỉ ảnh hưởng đến Biển Đông, bão đổ bộ vào khu vực Trung, Nam Trung Bộ và bão đổ bộ vào khu vực Nam Bộ.