Khi vẻ đẹp của tranh Đông Hồ là nguồn cảm hứng để thiết kế đèn ngủ

Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của những vật liệu truyền thống, Vũ Kiều Ngọc Bích và Nguyễn Thị Thùy Linh (trường ĐH Văn Lang) đã đưa tranh dân gian Đông Hồ vào những những thiết kế đèn ngủ của mình.

Dự án đưa tranh Đông Hồ vào đèn ngủ đến với Ngọc Bích và Thùy Linh là nhờ bài tập kết thúc môn, đề bài yêu cầu ứng dụng vật liệu truyền thống vào trong nội thất. Đối với Ngọc Bích, đây là một dự án ý nghĩa: “Mình cảm thấy những giá trị truyền thống không hề cũ đi, nếu biết cách bảo tồn và phát triển thì những giá trị truyền thống sẽ là một chất liệu cực kì tốt, đặc biệt là trong nội thất, khi ứng dụng truyền thống nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng sẽ mang đặc trưng riêng biệt của Việt Nam mà không nước nào có được”.

Ngọc Bích cho biết, tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Bắc Bộ quen thuộc mà cô được tiếp xúc từ nhỏ, thường được in trên giấy điệp, cũng là một loại giấy truyền thống nên đây là nguồn cảm hứng lớn để cô lựa chọn thực hiện dự án.

Ngọc Bích (trái) và Thùy Linh (phải) trân trọng những nét đẹp truyền thống dân gian. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Bích (trái) và Thùy Linh (phải) trân trọng những nét đẹp truyền thống dân gian. (Ảnh: NVCC)

Để thực hiện dự án, Bích và Linh bắt đầu bằng việc tìm hiểu những thông tin trên mạng trước, sau đó là tìm mua tranh Đông Hồ về nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, Bích và Linh gặp nhiều khó khăn ở việc mua tranh, cả hai không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào ngoài Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Không chỉ vậy, khổ tranh mua được quá nhỏ so với đèn: “Mình nghĩ ra một cách đối phó tạm thời là cắt tranh, sau đó dán lên loại giấy khác nhưng giấy điệp cũng hiếm có khó tìm giống như tranh. May mắn thay, mình tìm thấy một chỗ bán giấy dó (loại giấy truyền thống và cũng là loại giấy được người ta quét bột nghiền từ con điệp trở thành giấy điệp để in tranh Đông Hồ)”.

Làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh, Bích và Linh cũng gặp không ít những khó khăn về mặt tài chính, sản phẩm có ứng dụng phần mây tre đan và người bán không bán lẻ nên phải mua cả mét với giá làm mẫu nên khá đắt. Sau khi hoàn thành đèn, Bích và Linh đến trực tiếp làng Đông Hồ, nơi trực tiếp làm tranh Đông Hồ, gặp nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Thị Oanh để xem quy trình, cũng như tìm hiểu thêm thông tin về dòng tranh.

Sản phẩm đèn ngủ được thực hiện bởi hai nữ sinh trường ĐH Văn Lang. (Ảnh: NVCC)

Sản phẩm đèn ngủ được thực hiện bởi hai nữ sinh trường ĐH Văn Lang. (Ảnh: NVCC)

Thùy Linh chia sẻ: “Qua quá trình khảo sát, mình biết rằng hiện nay chỉ còn hai hộ gia đình làm tranh, điều này tạo nên mối lo ngại cho việc giữ gìn tranh Đông Hồ. Vì vậy, mình và Bích càng không muốn giá trị văn hóa bị mài mòn, lãng quên. Dự án thành công cũng sẽ giúp cho việc sản xuất quảng bá loại hình tranh dân gian này đến nhiều hơn với bè bạn quốc tế”.

Sản phẩm được triển lãm trong 'Ngày thiết kế Ý' mới đây.

Sản phẩm được triển lãm trong 'Ngày thiết kế Ý' mới đây.

Nói về những dự định sắp tới, hai nữ sinh cho biết, sẽ tìm hiểu và tiếp thu nhiều hơn các kiến thức cần thiết cho lĩnh vực đang theo đuổi, thử sức ở những cuộc thi thiết kế để có thêm trải nghiệm và tiếp tục đam mê đưa truyền thống vào những sản phẩm có thiết kế nội thất phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Ngọc Lân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-ve-dep-cua-tranh-dong-ho-la-nguon-cam-hung-de-thiet-ke-den-ngu-post1625748.tpo