Khi vùng trũng có nhà tránh lũ

Thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam là cửa ngõ và cũng là vùng trũng thấp nhất huyện Đồng Xuân. Mùa mưa lũ nước dâng cao, trước đây nửa đêm gà gáy, người dân lùa bò, gánh nồi chảo chạy lụt.

Bà Huỳnh Thị Bích Liên ở vùng trũng thôn Tân Hòa, an tâm vì có nhà tránh lũ để đưa đồ đạc, lúa gạo và người già, trẻ em lên khi nước dâng cao. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Bà Huỳnh Thị Bích Liên ở vùng trũng thôn Tân Hòa, an tâm vì có nhà tránh lũ để đưa đồ đạc, lúa gạo và người già, trẻ em lên khi nước dâng cao. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Người dân vùng rốn lũ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà chống lũ đã phần nào an tâm khi lũ về. Gần đây, bà con còn có những sáng kiến xây chuồng vượt lũ để bảo vệ gia súc, gia cầm và tài sản.

Sống chung với lũ

Sống ở vùng rốn lũ cạnh sông Kỳ Lộ, bà Huỳnh Thị Bích Liên ở vùng trũng thôn Tân Hòa đã quá quen với cảnh ngập lụt thường xuyên, nên bước vào mùa mưa là bà lo tích trữ lương thực, để sẵn sàng sống chung với lũ. Bà an tâm không lo chạy lũ vì có nhà chòi chống lũ để đưa đồ đạc, lúa gạo và người già trẻ em lên khi nước dâng cao. “Năm đó, được Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng, được vay 10 triệu đồng lãi suất thấp và gia đình thêm tiền cất nhà chống lũ 40 triệu đồng. Từ đó đến nay, khi mùa mưa gió đến, gia đình yên tâm, không nơm nớp nửa đêm gà gáy lo chạy lụt”, bà Liên nói.

Những năm qua, có nhà tránh lũ, người dân an tâm không lo chạy lũ. Nhiều gia đình vùng trũng còn làm nhà tránh lũ cho bò, heo, gà, phát huy hiệu quả, bảo vệ tài sản mùa mưa bão. Tuy nhiên đây là vùng rốn lũ, nhiều gia đình khó khăn chưa có điều kiện xây nhà tránh lũ cho người và gia súc. Địa phương mong các cấp, ngành và mạnh thường quân hỗ trợ để người dân vùng trũng thấp yên tâm trong mùa mưa bão.

Ông Lê Mến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam

Bà Liên nhớ lại trận lụt lịch sử cuối năm 2009, khi đó ở trong xóm nhiều người chạy đến gác lửng nhà cũ của bà tránh lũ. Gác lửng thấp, nước lũ dâng cao, chủ nhà phải tháo ngói chuẩn bị tư thế thoát ra ngoài. Gác lửng nhà hàng xóm thấp hơn nên mọi người ở đó dỡ ngói thò đầu ra ngoài gọi to, hỏi cho mượn sõng. Hai người hàng xóm nói chuyện với nhau qua nóc nhà. Nửa đêm nước dâng cao đến gác lửng, nhà hàng xóm 1 mẹ già và 3 con kêu cứu. Mờ sáng, thò đầu qua mái ngói nhìn ra ngoài xung quanh xóm nhà “biến mất” vì nước dâng cao ngập không thấy nóc nhà nào. Gần trưa nước lụt mới rút dần, ló mái nhà, ló chuồng gà, sau đó thấy đám rau...

Thôn Tân Hòa có hơn 100 hộ dân sống cạnh sông Kỳ Lộ, thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Sau đợt lũ lịch sử năm 2009, Nhà nước hỗ trợ xây 50 ngôi nhà tránh lũ. Theo quy định, nhà tránh lũ cao 10m, gác 2 cao 5m. Những làng quê quanh vùng thường được gọi vui là xóm “nhà lầu”, bởi dù to hay nhỏ thì họ đều có nhà 2 tầng, 1 trệt, 1 lầu. Thực chất đó là nhà chòi tránh lũ. Gác 2 của căn nhà được thiết kế cầu thang rộng và vững chắc để dễ đưa lương thực, đồ dùng lên cất trữ. Khi lũ về, nhà chòi trở thành phao cứu sinh.

Từng trải qua trận lũ lịch sử, ông Lê Thanh Lâm, 59 tuổi, ở thôn Tân Hòa cho hay: Vì xóm trũng lại nằm cạnh sông nên hầu như năm nào vùng đất này cũng vài lần ngập lụt. Mưa lớn là nước bao vây, xóm nhà ven sông trở thành cù lao. Năm 2009, nước lũ về quá nhanh, quá lớn khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, phần lớn nhà cửa, tài sản đều bị cuốn trôi. “Năm đó, tôi chỉ kịp lấy sõng chở con lên vùng cao, còn vợ thì lùa bò, heo lên Núi Một tránh lũ. Nước lên cao quá, tôi sau đó phải leo lên mái nhà”, ông Lâm nhớ lại.

Khi được Nhà nước hỗ trợ xây nhà tránh lũ, cuối năm 2017, xảy ra trận lụt lớn, đồ dùng sinh hoạt, sách vở của con được ông Lâm đưa lên nơi này. “Phía ngoài nước bủa vây, gia đình tôi yên tâm ngồi trên nhà tránh lũ. Mấy năm nay không có lũ lớn, nhưng nếu có chúng tôi cũng không lo sợ”, ông Lâm khẳng định.

Làm nhà cho bò, heo... chạy lụt

Sống chung với lũ, người dân vùng lũ tích lũy được nhiều kinh nghiệm để bảo vệ người và tài sản. Bà Nguyễn Thị Hồng làm nhà tránh lũ cho bò phía sau nhà bếp, xây cao 3m rồi đổ bằng, bên trên xây tường cao thêm khoảng 2m, lợp mái tôn, đường bê tông nhám để tiện đưa bò, heo lên khi lũ về. “Mùa mưa lụt, vùng này nước lớn nhanh, từ đây lùa bò vô Núi Một có khi giữa đường nước sông tràn vô ngập ngang bụng, rất nguy hiểm cho người. Để bảo vệ của cải, tôi xây nhà tránh lũ cho bò, gà, heo”, bà Hồng nói.

Nhà tránh lũ của ông Lê Thanh Lâm ở thôn Tân Hòa với gác hai.

Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Bà Hồng kể: Mùa mưa bão, tôi cùng con lùa bò, đưa đàn gà lên nhà tránh lũ. Chúng tôi chịu khó bỏ công xây dựng để bảo vệ gia súc, gia cầm, trong mùa mưa lũ. Mấy năm nay khi lũ về, gia đình đưa bò, heo lên rất tiện, không phải dầm mưa lùa bò, chở heo đi gửi nửa đêm gà gáy như trước nữa.

Ông Lê Hiệp cũng ở thôn Tân Hòa cho biết, sống ở vùng rốn lũ, nước lớn vào ban đêm, nếu không chủ động phòng tránh thì thiệt hại nặng. Từ nhà bà Hồng làm đầu tiên, thấy hiệu quả, vùng này có 5 gia đình làm nhà tránh lũ cho bò, heo, gà. Không chỉ tránh lũ cho gia súc, gia cầm, mà các tài sản khác như máy cày tay, xe máy cũng được đưa lên nhà tránh lũ để không bị nước ngâm lâu ngày làm hư hại tài sản.

Chương trình thí điểm chòi tránh lũ được xây dựng theo các kết cấu chính với móng, khung, sàn chịu đựng dòng chảy nước lũ. Theo ông Lê Mến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, trong giai đoạn thí điểm trước đây, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, ngân hàng cho vay với lãi suất 3%/năm, số vốn còn lại do người dân tự đối ứng. Có được số vốn trên, người dân vùng lũ xây dựng nhà phòng tránh lũ. Nhờ vậy, những năm qua, người dân an tâm không lo chạy lũ. Tuy nhiên đây là vùng rốn lũ, còn nhiều gia đình khó khăn chưa có điều kiện xây nhà tránh lũ cho người và gia súc. Địa phương rất mong các cấp, ngành hỗ trợ thêm cho đối tượng này.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/322506/khi-vung-trung-co-nha-tranh-lu.html