Khiếu nại về đất đai có được ủy quyền cho người khác?
Người khiếu nại có quyền ủy quyền cho một người khác có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để giải quyết vụ việc.
Tôi bị chính quyền thu hồi đất, sau đó tôi làm đơn khiếu nại gửi lên UBND TP Hà Nội. Nay UBND TP Hà Nội mời tôi lên để hòa giải nhưng tôi đã 80 tuổi, là thương binh, tai bị điếc không nghe được. Vậy tôi có được ủy quyền cho luật sư hay người khác đến để giải quyết hay không?
Bạn đọc Đỗ Văn Cương (TP Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trả lời: Điều 134 và Điều 138 BLDS 2015 quy định: Cá nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Trừ trường hợp pháp luật quy định quan hệ dân sự đó phải do mình tự thực hiện và không được ủy quyền cho người khác.
Đồng thời, cá nhân có thể ủy quyền cho cá nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người được ủy quyền phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Do đó, ủy quyền cho người khác thay mình tham gia quan hệ dân sự là quyền của cá nhân được ghi nhận trong BLDS.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại 2011 nêu rõ các quyền của người khiếu nại bao gồm:
- Tự mình khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
- Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.
Như vậy, ông Cương hoàn toàn có thể ủy quyền cho luật sư để tham gia giải quyết khiếu nại trong vụ việc nêu trên hoặc cũng có thể ủy quyền cho một người khác có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để giải quyết vụ việc.