Khiếu tố về đất đai tăng do đâu?

Những năm gần đây ngành chức năng tiếp nhận không ít đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó nhiều nhất về đất đai do trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều dự án buộc phải thu hồi đất. Có ý kiến cho rằng khi thu hồi đất không làm kỹ khâu chuẩn bị phương án đền bù, tái định cư nên dẫn đến khiếu nại tăng.

Khiếu tố về đất đai tăng do đâu

 Đơn khiếu tố về đất đai tăng (ảnh minh họa).

Đơn khiếu tố về đất đai tăng (ảnh minh họa).

Thực trạng

Trong 6 tháng của năm 2020, ngành thanh tra ghi nhận 595 đơn khiếu tố gồm khiếu nại 395 đơn, tố cáo 200 đơn, tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái. Đơn phản ánh kiến nghị 1.557 đơn và đơn tranh chấp 418 đơn.

Xét trên tổng thể thì đơn khiếu tố liên quan đến vấn đề đất đai là nhiều nhất. Điển hình 4 công dân xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) khiếu nại về việc hỗ trợ, bồi thường liên quan đến Dự án đường cao tốc Bắc – Nam; 5 công dân tại khu phố 5, thị trấn Liên Hương phản ánh việc mua bán đất trái phép tại khu vực đối diện Trường THPT Tuy Phong... Nguyên nhân khiếu tố tăng, theo đánh giá của ngành thanh tra do trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đã và đang triển khai như dự án Khu dân cư Hùng Vương, đường Lê Duẩn, dự án điện năng lượng mặt trời ở Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, dự án đường cao tốc Bắc - Nam... Một số hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án khi thu hồi đất, không đồng ý với giá bồi thường, hỗ trợ về đất và bố trí đất tái định cư nên phát sinh khiếu nại.

Nhưng cơ bản vẫn là do chính sách pháp luật về đất đai, chính sách đền bù thường xuyên thay đổi. Việc quản lý nhà nước về đất đai ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Một yếu tố nữa là, công tác chuẩn bị phương án bồi thường, tái định cư chưa được chú trọng. Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác ngành thanh tra 6 tháng đầu năm 2020, ông Thái Quang Thượng Nguyên – Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, để hạn chế người khiếu nại về đất đai liên quan đến các dự án thì phải chú trọng khâu chuẩn bị phương án bồi thường, tái định cư. Trong quá trình hành nghề, chúng tôi nhận thấy nhiều dự án chưa chú trọng phương án này.

Giải pháp nào?

Luật Đất đai cũng như chính sách pháp luật về đất đai, chính sách đền bù, quy chế dân chủ cơ sở đã rõ ràng. Trước khi tiến hành đền bù, tái định cư cho dân phải chuẩn bị kỹ phương án bồi thường, tái định cư như lấy ý kiến nhân dân, công khai minh bạch mọi vấn đề, không thiên vị bất cứ trường hợp nào... tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ông Nguyên cho biết, khi chuẩn bị kỹ phương án đền bù thì cứ căn cứ vào đó mà giải quyết. Làm được như vậy nếu có xảy ra khiếu nại, tố cáo thì có cơ sở hoặc bằng chứng xác thực để xử lý, không cần phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ sung giải quyết. Một thực tế đáng buồn trong bồi thường, tái định cư hiện nay, người nào chây ì, cố thủ, chống đối không chịu di dời thì được hưởng quyền lợi cao hơn người chấp hành. Vì vậy phải chấn chỉnh ngay giai đoạn chuẩn bị phương án đền bù, tái định cư.

Việc chuẩn bị kỹ phương án bồi thường, tái định cư mới chỉ là một phần trong cách giải quyết giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều mà người dân cần là sự minh bạch, rõ ràng, sòng phẳng trong khi thực hiện bồi thường. Tránh tình trạng đơn thư khiếu tố, kéo dài không chỉ ảnh hưởng chất lượng sống của người dân đi khiếu tố đòi quyền lợi mà còn mất thời gian giải quyết cho ngành chức năng, gây bất ổn xã hội.

Lê Ninh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/khieu-to-ve-dat-dai-tang-do-dau-128994.html