Khinh hạm Đô đốc Gorshkov của Nga phóng tên lửa diệt mục tiêu trên Biển Baltic
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga vừa thử nghiệm thành không hệ thống phòng không (AD) S-350 Redut chống lại các mục tiêu trên biển tại Biển Baltic.
Thủy thủ đoàn của tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, khinh hạm đầu tiên thuộc Đề án 22350 M của Nga đã bắn trúng một con tàu nhỏ bằng hai tên lửa phòng không vào ngày 23/11.
Theo cơ quan báo chí của Hạm đội Baltic, quá trình phóng tên lửa được thực hiện trong môi trường đã bị gây nhiễu, nhằm gây khó khăn cho việc sử dụng các biện pháp đối phó điện từ của đối phương giả định. Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không thuộc Hạm đội Baltic đã bay xung quanh con tàu nhằm kiểm tra hệ thống dẫn đường của hệ thống phòng không và thiết bị vô tuyến của tàu khu trục.
Uy lực của hệ thống phòng không S-350 Redut
S-350 Redut là phiên bản hải quân của hệ thống phòng không tầm trung S-350 Vityaz do Nga chế tạo. Ngoài tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, hệ thống này còn được trang bị cho 3 tàu hộ tống khác của Hải quân Nga. S-350 AD được đưa vào sử dụng vào tháng 2/2020, nhằm thay thế cho hệ thống phòng không S-300.
Cả S-350 Vityaz và S-350 Redut AD đều có thể sử dụng tên lửa đất đối không 9M96E2 có tầm bắn 120km. Đây cũng là tên lửa dùng cho hệ thống phòng không S-400. 9M96E2 có cơ chế dẫn đường bằng radar chủ động – một khả năng quan trọng cần có trong hệ thống tên lửa đất đối không để tấn công mục tiêu trên mặt nước. Tên lửa có trọng lượng 420 kg và đầu đạn nặng là 24 kg, tốc độ 1.800 m/s.
Ở chế độ tấn công tàu mặt nước, tốc độ cao giúp 9M96E2 có khả năng công phá mục tiêu hiệu quả dù đầu đạn hạn chế. Đây có lẽ là lý do tàu Gorshkov bắn loạt 2 tên lửa vào mục tiêu.
Không chỉ Nga, Mỹ cũng đã sửa đổi tên lửa đất đối không dẫn đường bằng radar bán chủ động SM-2 để chống lại các mục tiêu trên mặt nước bằng cách lắp thiết bị tìm kiếm chủ động của tên lửa không đối không AIM-120C. Tên lửa sửa đổi được gọi là SM-6, có đầu đạn nặng 64kg, tốc độ 1.200m/giây. SM-6 là sản phẩm sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hai giai đoạn. Chiều dài tên lửa là 6,6m, với đường kính tối đa khoảng 530mm. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dẫn đường bằng radar chủ động/thụ động.
Do được trang bị đầu đạn nhỏ nên khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước của tên lửa phòng không bị hạn chế, chỉ hiệu quả đối với mục tiêu nhỏ. Khả năng sát thương của tên lửa phòng không kém hơn so với tên lửa chống hạm mang đầu đạn nặng. Nếu như tên lửa chống hạm có khả năng tấn công tầm thấp nhằm vào thân tàu thì tên lửa phòng không chỉ có thể nhắm vào boong tàu và như vậy, nó có thể làm hư hỏng con tàu nhưng rất khó đánh chìm hoàn toàn. Tuy vậy, tên lửa phòng không rất khó bị đánh chặn do có kích thước nhỏ, tốc độ cao.
Cách tiếp cận sáng tạo của Hải quân Nga
Ưu thế vượt trội của tên lửa phòng không là tính linh hoạt và khả năng tấn công bề mặt hiệu quả, mặc dù tính năng diệt hạm của nó khá hạn chế. Tên lửa này có thể làm gián đoạn hoạt động của các tàu, thuyền nhỏ.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, Hải quân Nga đã có cách tiếp cận sáng tạo khi trang bị cho tàu hộ tống và tàu khu trục của họ hệ thống phòng không tầm trung, không chỉ giúp tăng cường năng lực của những con tàu này mà còn giúp chúng có thể chống lại các tàu mặt nước nhỏ.
Việc lắp đặt hệ thống S-350 Redut trên các tàu nhỏ cho phép các hệ thống phòng không tầm trung nhanh chóng được triển khai tại các địa điểm quan trọng dọc vùng bờ biển, để đối phó với các mối đe dọa. Những con tàu được bổ sung hệ thống này có thể chống lại sự xâm nhập của những con tàu nhỏ có người lại hoặc không người lái của đối phương.
Điều đó đặc biệt quan trọng đối với Moscow trong bối cảnh Ukraine bị cáo buộc nhiều lần sử dụng phương tiện không người lái hoặc tàu nhỏ tấn công bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014. Ngoài ra, biện pháp cũng giúp tiết kiệm chi phí khi Moscow muốn bảo vệ các vùng bờ biển rộng lớn của mình.
Bài học cho Ấn Độ
Giống như Nga, Ấn Độ cũng có đường bờ biển dài và nhiều hòn đảo dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Nước này đã phát triển hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa LR-SAM dành cho các tàu hải quân với sự giúp đỡ của Israel. Tên lửa có tầm bắn 70km, có hệ thống dẫn đường bằng radarr chủ động, rất phù hợp với vai trò tấn công các mục tiêu trên mặt nước. Tuy nhiên, các hệ thống LR-SAM chỉ được trang bị trên các tàu lớn của Hải quân Ấn Độ (IN).
Hải quân Ấn Độ hiện đang có kế hoạch mua 7 tàu hộ tống thế hệ tiếp theo. Mỗi con tàu này sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không có khả năng cung cấp lá chắn phòng thủ tên lửa 360 độ. Theo Hải quân Ấn Độ, hệ thống phòng không mới cần phải có khả năng đối phó với các tên lửa bay ở độ cao từ 3 đến 5m so với mực nước biển với tốc độ Mach 3./.