Khó áp dụng chế tài xử lý hành vi bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình có tác động tiêu cực đến mỗi cá nhân, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội, nhất là với trẻ em, phụ nữ. Hệ thống pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý bảo vệ người bị bạo hành, nhưng số vụ bạo lực gia đình được đưa ra xét xử lại rất ít. Trên thực tế, các vụ bạo hành gia đình vẫn xảy ra, nhưng chế tài xử phạt khó được áp dụng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bất cập này?

Các đơn vị, địa phương cần nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình thông qua công tác tuyên truyền.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2023 đến nay, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 100 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là người yếu thế trong gia đình như phụ nữ, trẻ em. Hầu hết các vụ bạo lực gia đình khi phát hiện đều được hòa giải ở cơ sở; số vụ bị xử lý theo quy định của pháp luật còn rất hạn chế. Tuy nhiên, đó chỉ là số vụ việc được phát hiện, thống kê, trên thực tế còn nhiều vụ bạo lực gia đình chưa được phát hiện và xử lý.
Ròng rã nhiều năm qua, chị N.T.T, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) bị chồng bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác khiến cuộc sống của chị nhiều lúc rơi vào bế tắc. Không có việc làm ổn định, kinh tế khó khăn, vốn tính ham chơi, lười làm, anh N.V.H (chồng chị T) suốt ngày tụ tập uống rượu.
Say xỉn, H về nhà gây gổ, đánh đập vợ con. Chị T và cả những đứa con vô tội phải nhận những trận đòn roi, những câu chửi bới thậm tệ từ người chồng, người cha lún sâu trong men rượu. Có nhiều lần, chị T phải nhập viện vì những trận đòn “thập tử nhất sinh” từ chồng.
Khổ là vậy, nhưng chị T vẫn chấp nhận cam chịu vì thương con. Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, các hội, đoàn thể trong thôn nhiều lần đến khuyên nhủ, hòa giải nhưng anh H vẫn chứng nào tật ấy.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc bạo hành gia đình vẫn diễn ra hiện nay tại không ít địa phương. Theo đại diện cơ quan công an, qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, những năm gần đây, cơ quan công an các cấp tiếp nhận số vụ việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình rất ít. Trong 3 năm trở lại đây, Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, thụ lý số vụ việc vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình rất hiếm hoi.
Trong những năm qua, nhằm phòng, chống và hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác phòng, chống và xử lý đối với hành vi bạo lực gia đình.
Trong đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực ngày 1/7/2023 đã tạo hành lang pháp lý bảo vệ người bị bạo hành trong gia đình. Luật đã quy định rõ 16 hành vi bạo lực gia đình, tùy theo tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Lê Văn Duy, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết: Vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bị xâm hại tình dục… thường muốn giấu kín vụ việc bị bạo lực hoặc cam chịu. Họ chỉ yêu cầu giúp đỡ khi sự việc đã trở nên trầm trọng. Trong những năm gần đây, Trung tâm nhận được rất ít vụ việc cần trợ giúp trong lĩnh vực này.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nhiều trường hợp nạn nhân và người thân im lặng, cam chịu, không khai báo với cơ quan chức năng, thôn, tổ dân phố nơi họ sinh sống, đôi khi còn che giấu, nhất là đối với bạo lực tình dục.
Điều này xuất phát từ những định kiến của xã hội và bản thân người phụ nữ về những tư tưởng xưa cũ “xấu chàng, hổ thiếp”, “đóng cửa bảo nhau”. Khi chứng kiến người khác bị bạo hành, nhiều người thờ ơ khi coi đó là “việc nhà người ta”, sợ phiền hà nếu can thiệp. Bởi vậy, một nửa số phụ nữ bị bạo lực giữ im lặng và hơn 90% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào.
Một nguyên nhân khác là do thiếu kiến thức về pháp luật nên nạn nhân thường chậm trễ trình báo, tố cáo hành vi bạo lực gia đình, do đó, công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều tra, xử lý.
Để bảo vệ nạn nhân bị bạo hành gia đình, giảm tình trạng bạo lực gia đình, các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình. Những nạn nhân của bạo lực gia đình cần chủ động trang bị kiến thức pháp luật và mạnh mẽ lên án, tố giác các hành vi bạo lực để được bảo vệ kịp thời.