Kho bạc Nhà nước đảm bảo hoàn thành tiến độ thực hiện báo cáo tài chính nhà nước

Năm 2019, Kho bạc Nhà nước (KBNN) có thêm một nhiệm vụ mới rất quan trọng là lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN). Hiện, toàn hệ thống KBNN đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ Quốc hội đã đề ra.

Đơn vị cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc gửi báo cáo

Theo KBNN, có khoảng trên 53.300 đơn vị thuộc đối tượng phải cung cấp thông tin tài chính năm 2018 cho KBNN trên phạm vi toàn quốc. Thống kê cho thấy, đến 30/11/2019, các đơn vị cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc gửi báo cáo cho KBNN. Đối với các đơn vị thuộc khối Trung ương, đến nay đã có 16/59 đơn vị gửi báo cáo cho KBNN. Bên cạnh đó, KBNN cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương trong công tác tổng hợp Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính cấp huyện, BCTCNN cấp tỉnh, đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Tại các KBNN địa phương, đến thời điểm hiện tại, công tác lập BCTCNN đã cơ bản được triển khai thông suốt. Tại KBNN Hải Dương, ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc KBNN Hải Dương cho biết, toàn tỉnh Hải Dương có 1.333 đơn vị phải gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính cho KBNN, trong đó, đơn vị dự toán cấp I là 1.294, số còn lại thuộc về các cơ quan quản lý công sản, thuế, kho bạc. Hiện đơn vị đã nhận được gần 100% báo cáo của các đơn vị. Cùng với đó, 100% đơn vị dự toán cấp I đã gửi báo cáo thành công và đang ở trạng thái “chờ tổng hợp”.

Để có được thành công này, theo ông Trọng, ngoài việc phối hợp với cơ quan tài chính, KBNN Hải Dương đã tổ chức tập huấn cho cán bộ KBNN cấp huyện. Phòng Kế toán nhà nước được phân công lập và tổng hợp BCTCNN. Bên cạnh đó, KBNN Hải Dương đã hỗ trợ trực tiếp các đơn vị trong việc đăng ký tài khoản trên cổng thông tin để trực tiếp thực hiện gửi BCTCNN. Đồng thời, chỉ đạo các cán bộ làm công tác kế toán mở sổ theo dõi trên bảng tính Excel danh sách các đơn vị phải gửi BCTCNN để theo dõi.

Cũng tương tự như KBNN Hải Dương, tính đến cuối tháng 12, KBNN Lai Châu đã có 352 đơn vị dự toán cấp 1 (đạt tỷ lệ 100%) gửi BCTCNN. Ông Nguyễn Ngọc Phong, Giám đốc KBNN Lai Châu cho biết, để đạt được kết quả trên, ngay từ những ngày đầu năm 2019, KBNN Lai Châu đã gửi văn bản về việc thực hiện lập BCTCNN đến các đơn vị dự toán cấp 1 trên địa bàn tỉnh.

Hay như tại Sơn La, tổng số đơn vị phải gửi BCTCNN đến KBNN Sơn La là 595 đơn vị. Đến nay đã có 330 đơn vị dự toán cấp 1; 232 cơ quan quản lý và 19 ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản gửi báo cáo thành công đến KBNN Sơn La.

Theo Giám đốc KBNN Sơn La Nguyễn Thế Chất, để triển khai thành công nhiệm vụ này, KBNN Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị KBNN huyện tổ chức nghiên cứu các văn bản hướng dẫn lập BCTCNN và báo cáo kịp thời với UBND tỉnh về mục đích, yêu cầu, nội dung của công tác lập BCTCNN trên địa bàn… Qua đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị dự toán, các ban quản lý, cơ quan thuế, tài chính gửi BCTCNN đến KBNN đảm bảo đúng thời gian quy định.

Phức tạp về mặt nghiệp vụ

Dù toàn hệ thống KBNN đã và đang nỗ lực hoàn thành BCTCNN năm 2018, nhưng do đây là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên được thực hiện nên còn gặp nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Đức Thái, Trưởng phòng Kế toán nhà nước KBNN Hải Dương cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên hệ thống KBNN được giao lập BCTCNN cho năm tài chính 2018. Nhiệm vụ không chỉ là mới mà còn tương đối phức tạp về mặt nghiệp vụ.

"Nghiệp vụ kế toán là ‘xương sống’ của Kho bạc, nhưng từ trước đến nay, KBNN chỉ làm kế toán ngân sách và quản lý, theo dõi, hạch toán các khoản thu, chi ngân sách và các nguồn lực tài chính được Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Việc lập BCTCNN phức tạp hơn vì ngoài việc phản ánh các thông tin ngân sách còn phản ánh thông tin ngoài ngân sách. Hơn nữa, các thông tin này không chỉ xuất phát từ hệ thống Kho bạc mà còn từ các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước", ông Thái dẫn chứng.

Cũng theo ông Thái, cái khó nhất của việc lập BCTCNN là cơ quan tài chính, các cơ quan có liên quan và các đơn vị dự toán cấp I trên địa bàn chưa quan tâm nhiều đến việc này. Do đó, việc phối hợp giữa cơ quan tài chính với KBNN trong triển khai đôi khi còn chưa nhịp nhàng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc KBNN Thái Bình, một khó khăn nữa trong lập BCTCNN là trình độ tin học của cán bộ làm công tác kế toán ở một số đơn vị dự toán cấp I còn yếu. Mặc dù đã có công văn hướng dẫn thực hiện, song thao tác trong việc đăng ký tài khoản và gửi báo cáo còn lúng túng. Do đó, chất lượng báo cáo chưa đảm bảo theo quy định nên phải trả lại nhiều lần, thời hạn gửi báo cáo còn chậm so với quy định.

Sát sao với từng đơn vị dự toán

Từ thực trạng trên, các KBNN địa phương đã rất sát sao trong việc tham mưu với UBND tỉnh về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lập BCTCNN. Cụ thể, tại nhiều địa phương, KBNN đã tham mưu cho UBND tỉnh để ra văn bản chỉ đạo các ĐVDT cấp I, các sở liên quan và các UBND huyện triển khai nhiệm vụ này.

Đặc biệt, khi thực hiện tổng hợp BCTCNN, KBNN nhiều địa phương đã phát hiện ra nhiều chỗ chưa đúng nên các đơn vị đã vừa phối hợp với cơ quan tài chính vừa trực tiếp tổng hợp, rà đơn vị dự toán cấp I để cập nhật vào hệ thống theo quy định. Đặc biệt, với những đơn vị đã gửi báo cáo nhưng còn sai hoặc bị lỗi, cán bộ kế toán đã vào từng chi tiết lỗi, chụp lại màn hình lỗi gửi trực tiếp cho đơn vị qua email, giúp đơn vị biết được lỗi của mình mắc phải, nguyên nhân lỗi để kịp thời xử lý gửi lại cho kho bạc.

Cũng theo chia sẻ của nhiều KBNN địa phương, hiện KBNN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo không đúng quy định về thời gian, kết hợp giữa việc đôn đốc trực tiếp đến các đơn vị bằng điện thoại, bằng văn bản và việc thực hiện chế tài dừng chi theo quy định…

Toàn hệ thống KBNN đang nỗ lực đôn đốc các đơn vị chưa gửi báo cáo để thực hiện tổng hợp. Với tiến độ triển khai này, cùng với tiến độ triển khai của các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống, hoàn toàn có thể tin tưởng BCTCNN sẽ được lập và trình Quốc hội theo đúng kế hoạch đã đề ra.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/kho-bac-nha-nuoc-dam-bao-hoan-thanh-tien-do-thuc-hien-bao-cao-tai-chinh-nha-nuoc-1511492.tpo