Kho bạc Nhà nước điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, minh bạch
Trong những tháng đầu năm 2024, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện tốt công tác quản lý thu – chi ngân sách nhà nước cũng như điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) tập trung, thống nhất, minh bạch.
Huy động được 66.679 tỷ đồng TPCP
Theo KBNN, trong 3 tháng đầu năm 2024, KBNN đã và đang triển khai thực hiện 33 đề án, nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và 5 đề án, chính sách thuộc chương trình công tác của Bộ Tài chính. Cùng với đó, KBNN đề ra 16 đề án, chính sách, nhiệm vụ thuộc chương trình công tác của hệ thống KBNN cần triển khai. Hiện nay, tất cả các đề án, nhiệm vụ đều triển khai theo tiến độ đã đề ra.
Trong những tháng đầu năm, các đơn vị KBNN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN). Tập trung kịp thời các khoản thu vào NSNN và điều tiết chính xác cho các cấp ngân sách; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao.
Trong công tác huy động vốn, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, nhu cầu trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương; thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thu, chi NSNN và khả năng huy động vốn từ nguồn TPCP để trình Bộ điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP phù hợp.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 18/3/2024, KBNN đã huy động được 66.679 tỷ đồng, đạt 16,7% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 11,36 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,19%/năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 9,03 năm.
KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất, minh bạch, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Cuối ngày, toàn bộ số dư NQNN được tập trung tại Ngân hàng Nhà nước; NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng để cho vay/tạm ứng NSNN, gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu điện tử và mua lại có kỳ hạn TPCP theo quy định của pháp luật.
Kết quả sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi đến hết ngày 18/3/2024 như sau: số dư nợ vay NQNN của ngân sách trung ương là 262.837 tỷ đồng; không có dư nợ tạm ứng NQNN cho ngân sách cấp tỉnh; số dư tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại là 111.000 tỷ đồng; số dư mua lại có kỳ hạn TPCP là 3.867,7 tỷ đồng.
Điều hành NQNN tập trung, thống nhất
Thời gian tới, KBNN sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng; nghiên cứu xây dựng hệ thống mã định danh các khoản thu NSNN không do cơ quan Thuế, Hải quan quản lý. Song song với đó là kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hạch toán và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phục vụ công tác quản lý, điều hành quỹ NSNN của các cấp lãnh đạo.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, KBNN tiếp tục bám sát kế hoạch huy động vốn được giao, chủ động xây dựng lịch biểu, kế hoạch phát hành; theo dõi chặt chẽ tình hình thu, chi, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương và diễn biến tình hình thị trường để kịp thời tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp huy động vốn TPCP với khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phát hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương và duy trì thị trường TPCP hoạt động ổn định với kỳ hạn phát hành bình quân đạt từ 9-11 năm theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Đồng thời, tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống, gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền; tiếp tục triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ.