Kho bạc Nhà nước: Tăng tốc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ
Hiện thực hóa phương châm hành động và bước đầu chuyển đổi số mạnh mẽ trong một số hoạt động nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể quyết liệt thực hiện trong năm 2022, nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN.
Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ
Trong chiến lược điện tử hóa các quy trình, áp dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, phải kể đến một số kết quả trọng tâm, nổi bật của KBNN trong thời gian qua như đã nghiên cứu xây dựng và triển khai: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống chương trình thanh toán song phương điện tử; hệ thống tổng kế toán nhà nước, hệ thống quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), quản lý trái phiếu; thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu với ngân hàng; kho dữ liệu; hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số… Các hoạt động này đã giúp đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng hiệu quả quản lý vận hành của hệ thống KBNN.
Từ cuối năm 2021, KBNN thực hiện liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS)-Thanh toán song phương điện tử). Kết quả triển khai ban đầu cho thấy, việc liên thông đã kịp thời phục vụ tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Việc liên thông các ứng dụng nghiệp vụ cũng giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí hiệu quả, thuận tiện cho các bên liên quan cả người dân, doanh nghiệp và công chức KBNN. Một yếu tố quan trọng khác mà chương trình liên thông đem lại là, giúp tránh được các sai sót về con số khi nhập số liệu thủ công; Đồng thời, bảo đảm cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách chặt chẽ, đầy đủ, kỹ càng nhất, tránh các rủi ro xảy ra. Việc cập nhật, cung cấp kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN giúp cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách…
Tăng tốc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
Tiếp nối những kết quả đạt được, năm 2022, hệ thống KBNN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN. Cùng với đó, KBNN đã, đang triển khai nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường quản lý nợ công; quản lý chặt chẽ thu, chi NSNN; tổ chức tốt công tác kế toán, thanh toán đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác; thực hiện tốt công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN và báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.
Hai là, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống KBNN. Gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng chức năng chi lương qua dịch vụ công trực tuyến; Tiếp tục triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với chất lượng phục vụ của từng đơn vị KBNN trong hệ thống; Tiếp tục triển khai chương trình cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN…
Ba là, đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý; tăng cường các biện pháp giám sát từ xa và chủ động phối hợp với cơ quan công an và các lực lượng trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối trụ sở, tiền và tài sản trong hệ thống KBNN.
Bốn là, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập KBNN cấp huyện vào KBNN cấp tỉnh và thành lập KBNN khu vực liên huyện trực thuộc KBNN cấp tỉnh đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Bám sát Đề án sắp xếp tổng thể đơn vị hành chính cấp xã, huyện do Bộ Nội vụ thực hiện để triển khai bộ máy hệ thống KBNN cho phù hợp… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa CNTT trong hệ thống KBNN.
Năm là, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện có hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế và thông tin tuyên truyền. Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hợp tác với các đối tác song phương và đa phương như Kho bạc Quốc gia Lào, Kho bạc Hungary, Kho bạc Liên Bang Nga; Mạng lưới chi tiêu công châu Á, Hiệp hội Kho bạc quốc tế… Tiếp tục triển khai hợp tác có hiệu quả với IMF và WB trong việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của hệ thống KBNN; quản trị điều hành, xử lý linh hoạt, kịp thời, chính xác các thông tin trên Cổng thông tin điện tử KBNN. Nghiên cứu phát triển đa dạng các loại hình truyền thông đa phương tiện…
Bảy là, tiếp tục phổ biến, quán triệt và chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp trong hệ thống KBNN để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Tài chính, đảm bảo duy trì hoạt động của hệ thống KBNN an toàn, thông suốt; không để bị động, bất ngờ với các tình huống mới có thể xảy ra.
Tám là, thực hiện quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, đúng mục đích, công khai và minh bạch.
(*) Nguyễn Thị Thanh Hoa
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 3/2022.