Kho bạc Nhà nước Thanh Liêm hướng đến xây dựng kho bạc số
Xây dựng kho bạc số theo chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, thời gian qua, KBNN Thanh Liêm đã tập trung khai thác dữ liệu trên các chương trình ứng dụng của KBNN, thực hiện hiệu quả liên thông các quy trình; đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, hướng dẫn của KBNN theo hướng hiện đại hóa để làm hài lòng khách hàng.
Xây dựng kho bạc số theo chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, thời gian qua, KBNN Thanh Liêm đã tập trung khai thác dữ liệu trên các chương trình ứng dụng của KBNN, thực hiện hiệu quả liên thông các quy trình; đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, hướng dẫn của KBNN theo hướng hiện đại hóa để làm hài lòng khách hàng.
Hiện đại hóa hoạt động nghiệp vụ
Những năm qua, cùng với hệ thống KBNN trên địa bàn tỉnh, KBNN Thanh Liêm đã triển khai, thực hiện thành công chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2011-2020 trên nền tảng của kho bạc điện tử; bảo đảm cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính của KBNN trên dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Đáng chú ý là KBNN Thanh Liêm đã thực hiện mạnh mẽ tự động hóa, tích hợp ứng dụng và liên thông quy trình theo định hướng phát triển kho bạc số qua việc triển khai thí điểm thành công quy trình liên thông dịch vụ công-TABMIS-Thanh toán song phương điện tử từ tháng 4/2020. Tiếp theo năm 2022, KBNN Thanh Liêm đã thực hiện thành công nhiệm vụ KBNN Hà Nam giao về triển khai quy trình nghiệp vụ liên thông dịch vụ công trực tuyến - TABMIS –Thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại, góp phần đẩy nhanh việc xây dựng và hình thành kho bạc số theo chiến lược phát triển KBNN giai đoạn mới.
Quy trình liên thông tích hợp, liên thông giữa các quy trình nghiệp vụ ứng dụng với chương trình dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa KBNN nhằm mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên ứng dụng. Nhờ áp dụng thực hiện thành công quy trình nghiệp vụ liên thông nên từ quý II/2022 tại KBNN Thanh Liêm không còn giao dịch thu, chi tiền mặt.
Ông Hà Văn Phương, Giám đốc KBNN Thanh Liêm cho biết: Thanh toán liên ngân hàng thúc đẩy sớm quá trình chuyển đổi số của KBNN Thanh Liêm trong thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành Kho bạc tỉnh theo chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Phương thức thanh toán liên ngân hàng mang lại rất nhiều tiện ích, tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí, thực hiện các giao dịch nhanh chóng, nhất là xử lý nhanh chứng từ giao dịch.
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Thanh Liêm. Ảnh: Thanh Bình
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả xây dựng và hình thành kho bạc số theo chiến lược chung phát triển KBNN giai đoạn mới, KBNN Thanh Liêm tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng. Quá trình thực hiện, cán bộ, nhân viên KBNN Thanh Liêm đã chủ động nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động, tạo thuận lợi cho khách hàng. Chẳng hạn như sáng kiến “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác và tự kiểm tra tại KBNN Thanh Liêm” đã giúp cho việc tự kiểm tra nội bộ đạt hiệu quả cao. Cụ thể, qua công tác tự kiểm tra đối chiếu dự toán và tiền gửi của các đơn vị sử dụng ngân sách với kho bạc, chứng từ phát sinh hằng ngày, hồ sơ các dự án xây dựng cơ bản, quy chế chi tiêu của khối trường đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, sai sót trong chấp hành quy chế, quy trình nghiệp vụ; từ đó phân tích được các rủi ro có thể dẫn đến mất an toàn tiền, tài sản và đưa ra các biện pháp phòng ngừa.
Hay sáng kiến “Hệ thống hóa trên bảng excel về theo dõi thanh toán hợp đồng thuốc và phiếu theo dõi hợp đồng thanh toán nhiều lần tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm” đã giúp công tác kiểm soát chi theo dõi hợp đồng thanh toán thuốc và phiếu theo dõi hợp đồng thanh toán nhanh chóng, chính xác, hạn chế sai sót trong quá trình kiểm soát chi. Cụ thể sáng kiến đã xây dựng file hệ thống hóa trên bảng excel theo dõi số liệu về tên đơn vị cung cấp thuốc; số liệu và tên loại thuốc; số lượng thuốc trong hợp đồng khớp với thỏa thuận khung; số tiền thanh toán; theo dõi các thông tin bên công ty cung cấp thuốc, như: tên đơn vị nhận tiền, tài khoản nhận tiền, ngân hàng nhận tiền, đại diện bên nhận tiền.
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Ủy quyền kế toán trưởng, chủ sáng kiến cho biết: Hằng năm khi kiểm soát các hồ sơ chứng từ của Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm thanh toán các khoản chi mua thuốc gồm các hồ sơ, như: hợp đồng kinh tế, bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành, giấy ủy quyền và các công văn điều chỉnh thuốc… phải xem đi xem lại nhiều lần, mất nhiều thời gian, chính vì vậy tôi đã đề xuất sáng kiến “Hệ thống hóa trên bảng excel về theo dõi thanh toán hợp đồng thuốc và phiếu theo dõi hợp đồng thanh toán nhiều lần tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm”. Khi áp dụng sáng kiến đã mang lại lợi ích rõ rệt, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 giúp cho công tác kiểm soát chi không cần khách hàng phải mang hồ sơ đến kho bạc; không phải scan chứng từ và hồ sơ, mà theo dõi qua chương trình dịch vụ công trực tuyến.
Ông Hà Văn Phương, Giám đốc KBNN Thanh Liêm cho biết thêm: Nhờ áp dụng sáng kiến khi kiểm soát các hồ sơ thanh toán tiền thuốc cho Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm đã tránh được các sai sót trong kiểm soát chi, như: số tiền thanh toán, tên đơn vị, nhận tiền, ngân hàng nhận tiền. Ngoài ra, biểu tổng hợp theo dõi trên excel còn phục vụ nhanh chóng, chính xác quá trình tổng hợp số liệu và báo cáo.
Nhờ vậy, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước được hạch toán đầy đủ, điều tiết kịp thời, chính xác cho các cấp ngân sách theo đúng quy định; không gây phiền hà, sách nhiễu, bảo đảm đúng dự toán được duyệt và đúng tiêu chuẩn, định mức.
Thực hiện hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 1364/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 của UBND tỉnh gắn với Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, cùng với thúc đẩy thanh toán điện tử, KBNN Thanh Liêm tích cực thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính... Tham mưu với UBND huyện Thanh Liêm ban hành Công văn số 601 ngày 20/6/2022 chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN; đồng thời có Công văn số 33 hướng dẫn việc thực hiện công tác thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN.
Theo đó, đối với các chứng từ nộp tiền mặt vào tài khoản các đơn vị thực hiện nộp tiền mặt tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm, hoặc nộp tại các Phòng Giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương, Phòng Giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển, nơi KBNN Thanh Liêm phối hợp thu và mở tài khoản thanh toán. Đối với các chứng từ chi tiền mặt các đơn vị thực hiện rút tiền mặt tại Agribank chi nhánh huyện Thanh Liêm. Kết quả từ ngày 1/8/2022, KBNN Thanh Liêm thực hiện công tác thanh toán không dùng tiền mặt tại KBNN theo đúng kế hoạch đề ra. Mọi khoản thu, chi tiền mặt của các đơn vị giao dịch đều thực hiện tại ngân hàng thương mại trên địa bàn, không có món thu, chi tiền mặt phát sinh tại kho bạc. Đáng chú ý, đến năm 2022, trên địa bàn huyện Thanh Liêm có 100% trường học, cơ sở giáo dục đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu học phí, 100% cơ sở y tế, bệnh viện thu nộp viện phí không dùng tiền mặt.
Hiện tại các đơn vị trên địa bàn đã mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để thanh toán tiền lương, phụ cấp cho các đối tượng theo chỉ tiêu, biên chế. Tuy nhiên, hằng tháng vẫn còn tình trạng việc thanh toán tiền công cho các cá nhân thuộc diện hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, cán bộ không chuyên trách của xã, thôn theo hình thức thanh toán bằng tiền mặt (rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại). Để thực hiện đúng chỉ đạo của KBNN Hà Nam về thực hiện Đề án phát triển bảo đảm thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Nam, KBNN Thanh Liêm đã có văn bản gửi đến các địa phương, đơn vị, yêu cầu phối hợp, mở tài khoản cho các cá nhân chưa có tài khoản tại các ngân hàng thương mại để thực hiện thanh toán tiền lương, tiền công, phụ cấp hằng tháng.
Cùng với việc đôn đốc các đơn vị nhanh chóng mở tài khoản cho các đối tượng thanh toán, KBNN Thanh Liêm tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại đáp ứng mở tài khoản cho các cá nhân khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, KBNN Thanh Liêm duy trì thực hiện tốt thanh toán tập trung liên ngân hàng nhằm giảm tỷ lệ thu chi bằng tiền mặt qua KBNN và thúc đẩy các hoạt động thanh toán, tạo thuận lợi cho các đơn vị có giao dịch với KBNN tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và hình thành KBNN điện tử, tiến tới phát triển kho bạc số theo lộ trình chuyển đổi số quốc gia.