Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế tham mưu giải pháp đốc tiến độ giải ngân

6 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mới đạt 29,8% kế hoạch vốn được giao. Với vai trò là cơ quan, kiểm soát thanh toán, Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đang cùng các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% khi hết năm ngân sách.

Kết quả giải ngân chưa đạt như kỳ vọng

Theo số liệu giải ngân vốn đầu tư từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thừa Thiên Huế, đến hết tháng 6 vừa qua, tỷ lệ giải ngân trong toàn tỉnh đạt 29,8% kế hoạch vốn được giao (5.113 tỷ đồng), tương đương với 1.522 tỷ đồng vốn được giải ngân. Trong đó, dự án có tỷ lệ giải ngân cao là Tuyến đường ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu Thuận An đã giải ngân được 489 tỷ đồng/552 tỷ đồng, đạt 88%.

Ông Nguyễn Hoàng Đệ (đứng) - Giám đốc KBNN Thừa Thiên Huế đang kiểm tra việc kiểm soát, thanh toán vốn tại đơn vị. Ảnh: H.T

Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án trọng điểm với nguồn vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa thực hiện giải ngân hoặc mới giải ngân dưới 10% như: Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế (335 tỷ đồng), Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên Huế (544 tỷ đồng)…

Một nguyên nhân nữa khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị chậm là do một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế...

Với mục tiêu đặt ra ngay từ đầu năm là giải ngân 100% kế hoạch vốn khi hết năm ngân sách, nhưng đã 6 tháng trôi qua, tỷ lệ giải ngân tại Thừa Thiên Huế mới đạt 29,8%. Có nhiều nguyên nhân được nêu ra.

Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế được giao 37 dự án khởi công mới với số vốn 356,5 tỷ đồng. Đến nay, có 9 dự án được giao kế hoạch vốn năm 2022 là 171,5 tỷ đồng và hiện đã có 8 dự án tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công công trình, còn lại 28 dự án chưa được giao kế hoạch vốn với số vốn 185 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Lý do là các dự án này chưa đảm bảo các điều kiện để được giao vốn, các chủ đầu tư triển khai công tác chuẩn bị đầu tư chậm.

Một lý do đặc biệt nữa là hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp, cùng với đó là giá nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các công trình, dự án.

Ngoài ra, các dự án ODA tại tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trải rộng trên địa bàn thành phố Huế đang gặp vướng do công tác giải phóng mặt bằng nên chưa có mặt bằng để thi công…

Quyết liệt thực hiện giải ngân

Từ thực tế trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đúng tiến độ để thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vướng mắc giải phòng mặt bằng kéo dài, các dự án ODA, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương…

Nhiều dự án ODA trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa: H.T

Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các chủ đầu tư và chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án, kế hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng và tái định cư; tăng cường công tác phối hợp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, củng cố bộ máy, tăng cường năng lực cho các đơn vị chức năng để đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Về phía KBNN Thừa Thiên Huế, với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo đúng quy định, thời gian kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công tại đơn vị đã được rút ngắn, đồng thời, đơn vị đã đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, tạo rất nhiều thuận lợi cho các chủ đầu tư, ban quản lý để tiếp cận nhanh nguồn vốn.

KBNN Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, đôn đốc thu hồi tạm ứng; thực hiện báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng gửi kho bạc nơi giao dịch và cơ quan cấp trên của chủ đầu tư, nêu rõ số tạm ứng quá hạn chưa được thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý, nhằm hạn chế nợ tạm ứng quá hạn - cũng là nguyên nhân làm cho nguồn vốn đầu tư công giảm hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Đệ - Giám đốc KBNN Thừa Thiên Huế, phần nhiệm vụ quan trọng nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chính là các khâu lập, thẩm định, phê duyệt, hoàn thiện và ký kết hợp đồng để chủ đầu tư có cơ sở lập thủ tục, hồ sơ gửi đến KBNN đề nghị tạm ứng, thanh toán. Do vậy, để tiến độ giải ngân được thuận lợi và nhanh chóng rất cần các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp cùng chủ đầu tư để kịp thời cởi bỏ những nút thắt này.

Đồng thời, cũng theo Giám đốc KBNN Thừa Thiên Huế, khi có khối lượng được nghiệm thu, ngoài việc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn thì các chủ đầu tư cần tăng cường tổ chức, kiểm tra đối chiếu giữa hồ sơ với chứng từ để đảm bảo thông tin, số liệu đề nghị thanh toán phù hợp với quy định trước khi gửi đến KBNN, hạn chế các sai sót, phải bổ sung hoàn thiện nhiều lần, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-bac-nha-nuoc-thua-thien-hue-tham-muu-giai-phap-doc-tien-do-giai-ngan-109220.html