Khó bảo lãnh xe vi phạm

Từ ngày 1/5, Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đã chính thức có hiệu lực.

Trong đó có quy định cho phép cá nhân, tổ chức đủ điều kiện được bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông. Nhưng muốn “đủ điều kiện” lại rất khó khăn, phức tạp, khiến cho người vi phạm nản lòng.

Rắc rối, nhiêu khê

Thông tin từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ ngày 1/5 - 10/6, đơn vị đã ra quyết định xử phạt, tạm giữ 1.566 phương tiện giao thông, trong đó có 66 ô tô và 1.448 mô tô, xe máy. Tuy nhiên, không một trường hợp nào trong đó đề nghị được đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện.

Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho hay, quy trình giao phương tiện cho người vi phạm giữ, bảo quản còn phức tạp, nhiều thủ tục. Người vi phạm không được nhận lại phương tiện ngay tại thời điểm vi phạm mà phải làm đơn đề nghị, bảo đảm các thông tin, giấy tờ theo quy định; hơn nữa còn phải chờ người có thẩm quyền quyết định có đồng ý cho bảo lãnh phương tiện hay không. Toàn bộ quá trình có thể mất từ 2 - 3 ngày, trong khoảng thời gian đó, CSGT vẫn phải đưa phương tiện vi phạm về tạm giữ.

 Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt một lái xe vi phạm trên đường Đào Tấn. Ảnh: Công Hùng

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt một lái xe vi phạm trên đường Đào Tấn. Ảnh: Công Hùng

Anh Hoàng Đình Nguyên (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Quy định cho đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm rất hay nhưng lại quá khó thực hiện. Ví dụ xe máy, có những lỗi bị tạm giữ 7 ngày mà thời gian làm đầy đủ thủ tục để được bảo lãnh đã hết 2 - 3 ngày rồi thì thà để CSGT giữ còn hơn”.

Nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục để được bảo lãnh xe vi phạm quá rắc rối, nhiêu khê. Không chỉ phải làm đơn mà còn cần chứng minh nơi thường trú, tạm trú; xe của cơ quan, tổ chức thì phải có xác nhận của cơ quan… Ông Nguyễn Trung Dân (Hà Đông) nói: “Muốn bảo lãnh phương tiện vi phạm lại phải về địa phương, xin xác nhận rồi lên làm thủ tục thì quá phiền phức. Giả sử như tôi ở Hà Nội, bị xử phạt ở Thái Bình, Nam Định thì thời gian, công sức đi lại làm thủ tục quá vất vả, thà rằng chấp nhận bị CSGT giữ xe còn hơn”.

Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thông tin thêm, muốn bảo lãnh phương tiện, người vi phạm phải nộp số tiền ít nhất bằng mức phạt tối đa lỗi vừa mắc phải. Ví dụ, với lỗi không chấp hành đo nồng độ cồn của người điều khiển xe máy, sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tạm giữ phương tiện; muốn bảo lãnh xe, người vi phạm phải đặt tiền 18 triệu đồng. Nặng hơn là nếu cùng lúc người điều khiển phương tiện vi phạm nhiều lỗi, mức bảo lãnh sẽ bằng tổng tiền phạt cho tất cả các lỗi theo quy định. Với nhiều người, đây là mức bảo lãnh quá cao không thể kham nổi; thậm chí tiền bảo lãnh còn cao hơn giá trị xe.

Quy định chưa phù hợp thực tế

Sau hơn 2 tháng không thể áp dụng vào thực tế, quy định cho người vi phạm tự bảo lãnh phương tiện đang có nguy cơ bị “xếp xó”, thậm chí thất bại. Luật sư Phan Thanh Hiền - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, mỗi quy định của pháp luật được xây dựng nên, trước hết là bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.

“Tôi cho rằng, những người chắp bút xây dựng quy định chưa lường hết được tính phức tạp của vấn đề nên đưa ra quá nhiều thủ tục gây khó cho người dân” - bà Phan Thanh Hiền đánh giá. Nhiều luật sư cũng cho rằng, việc yêu cầu người dân phải hoàn tất quá nhiều thủ tục, còn cơ quan chức năng phải thực hiện cả một quy trình xét duyệt chặt chẽ là tốt nhưng chưa phù hợp với thực tiễn.

Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân đặt vấn đề: “Có thể việc đưa ra quy định và áp dụng vào thực tế chưa tính đến những yếu tố, điều kiện thực tế của nước ta”. Ông Đặng Minh Tân phân tích, ở nhiều nước phát triển, khi tất cả các thông tin cá nhân của người dân đã được thu thập, quản lý chặt chẽ trên kho dữ liệu dùng chung, việc cho bảo lãnh xe vi phạm đơn giản hơn nhiều. Có nơi chỉ cần thông qua số an sinh xã hội là tra ra toàn bộ thông tin của người vi phạm, việc đưa xe về đâu, người vi phạm có đủ điều kiện tự bảo quản hay không đều thể hiện rõ, cơ quan chức năng không cần phải thực hiện cả một quy trình rắc rối như ở nước ta.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, mức tiền bảo lãnh cũng là một vấn đề. Ở Việt Nam, đa số người dân vẫn sử dụng phương tiện chính là xe máy, với giá trị có khi chỉ vài triệu đồng một chiếc xe. “Nếu phải nộp tiền bảo lãnh quá nhiều, người dân sẵn sàng bỏ xe, mua cái khác. Chưa nói đến tiền bảo lãnh, chỉ tiền phạt thôi cũng đã đủ khiến người dân bỏ xe rồi!” - ông Thắng nhận định.

Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng cho rằng nhiều trường hợp, người vi phạm sẵn sàng giao xe cho CSGT tạm giữ rồi bỏ luôn, vì xe cũ nát, chẳng đáng bao tiền, mà nộp phạt cộng với bảo lãnh quá cao. Bên cạnh đó, Nghị định 31/2020/NĐ-CP vẫn chưa được nhiều người dân chú ý, tìm hiểu nên khi bị xử phạt, không ít trường hợp còn rất mơ hồ đối với quy định cho bảo lãnh xe vi phạm.

Cần sớm điều chỉnh

Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu quy định về việc cho bảo lãnh phương tiện vi phạm giao thông theo hướng phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi, dễ thực hiện, thủ tục nhanh gọn, tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần. Muốn làm được như vậy, chỉ huy các đơn vị CSGT cần được cho phép quyết định, có cho người vi phạm tạm giữ phương tiện hay không ngay khi xử phạt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một số thủ tục như xác nhận tạm trú, thường trú… là không cần thiết. Mỗi người vi phạm đã có chứng minh Nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, bằng lái xe… mang theo người. Căn cứ trên các giấy tờ đó là có thể lập biên bản cho bảo lãnh phương tiện. Đặc biệt không nên bắt người dân đi lại nhiều lần, đến trụ sở Đội CSGT để làm thủ tục mà cho phép thực hiện bảo lãnh ngay tại nơi xử phạt. Với các trường hợp không có giấy tờ tùy thân hoặc có biểu hiện nghi vấn về tội phạm thì không cho bảo lãnh.

Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh tại các TP lớn cực kỳ eo hẹp; việc phải gánh thêm hạ tầng tập kết xe vi phạm bị tạm giữ là áp lực không nhỏ. Ví dụ như Hà Nội, lực lượng CSGT của TP chỉ có 7 điểm trông giữ xe vi phạm, còn tất cả các quận, huyện đều chưa có điểm nào được cấp phép. Chủ trương cho bảo lãnh xe vi phạm là đúng đắn, góp phần giảm tải cho Hà Nội cũng như nhiều TP lớn khác. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định vào thực tế còn cho thấy nhiều bất cập, khó khăn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc chưa thí điểm mà thực hiện ngay quy định về việc cho người vi phạm tự bảo lãnh phương tiện tất yếu sẽ dẫn đến những tồn tại, khó khăn như nêu trên. Cần nghiên cứu, xem xét lại để điều chỉnh quy định, đưa ra thí điểm tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Trên cơ sở đó có thể hoàn thiện quy định, đưa ra hướng dẫn cụ thể để cả người vi phạm lẫn cơ quan chức năng dễ dàng thực hiện. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử phạt vi phạm giao thông nói chung và việc cho tự bảo lãnh phương tiện nói riêng cũng rất cần được quan tâm, thúc đẩy.

"Với một chủ trương, quy định mới hoàn toàn thì việc gặp khó, bất cập là bình thường. Chỉ cần điều chỉnh cho phù hợp là có thể áp dụng tốt, không nên vì gặp khó mà bãi bỏ."- Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng

"Có thể đưa ra một số hướng dẫn cụ thể hơn cho lực lượng chức năng và người vi phạm. Mức tiền bảo lãnh có thể quy định rõ trong luật, chia thành các mức khác nhau, tương đương với các loại xe từ ô tô cho đến mô tô, xe máy. Hoặc quy định mức bảo lãnh dựa trên lỗi vi phạm. Đặc biệt là không nên áp mức bảo lãnh bằng tổng tiền phạt tất cả các lỗi mắc phải. Như thế thì gần như mọi trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm sẽ không đủ tiền để bảo lãnh." - Luật sư Phan Thanh Hiền

Yến Dư

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kho-bao-lanh-xe-vi-pham-389373.html