Kho báu 6 tấn vàng: Cố vấn cấp cao đột ngột xuất hiện

Cụ ông hơn 80 tuổi cho rằng mình đang giữ tấm mật đồ 'Kho báu Yoshida'. Cụ được tấn phong là cố vấn cao cấp của Viện VIPTAM!

Cụ ông đó là Nguyễn Tấn Khiêm cho rằng mình đang giữ tấm mật đồ “Kho báu Yoshida”. Cụ được tấn phong là cố vấn cao cấp của Viện VIPTAM để tiếp cận tọa độ kho báu tại Hàm Tân.

Những giấc mộng vàng

Sau khi bà Vũ Thị Thanh Xuân, vợ bé của cựu tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy sang Pháp định cư, nhiều người cứ tưởng “Kho báu Yoshida” sẽ dần chìm vào quá khứ. Thế nhưng có một người vẫn âm thầm theo dõi, ghi chép, thu thập các chứng cứ về kho báu này hàng chục năm qua.

Cụ Tiệp lúc còn sống chỉ tay vào tấm mật đồ kho báu.

Cụ Tiệp lúc còn sống chỉ tay vào tấm mật đồ kho báu.

Đó là ông Trần Văn Tiệp, một đại gia buôn gỗ ở Bình Tuy trước đây, sau đó về Phú Nhuận, TP.HCM sinh sống.

Trước đây ông Tiệp có mối quan hệ với tỉnh trưởng Bình Tuy Lê Văn Bường và Năm Khôi, tay quản lý trại cưa của Bường ở Căn cứ 5. Thông qua nhiều nguồn tin, ông Tiệp biết được Năm Khôi tức Năm Thuận trước năm 1945 là trung úy thông ngôn cho quân đội Nhật Bản.

Qua Năm Khôi, ông Tiệp mới hay ngoài kho báu Yoshida, tại Bình Thuận còn có Kho báu Yamashita trên đỉnh núi Tàu ở huyện Tuy Phong và một kho báu khác ở Bình Giã, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chính vì nghe những lời hoang tin đường mật này mà ông Tiệp đã đổ hàng trăm cây vàng vào ba kho báu trên. Ông Tiệp cũng bỏ luôn cả thời gian lẽ ra phải an dưỡng tuổi già, vui thú điền viên cùng con cháu lại chạy theo những giấc mơ vàng và tất cả đều là vô vọng.

Cũng cần nói thêm, cụ Tiệp chính là người đã bỏ ra hàng chục năm với biết bao của cải để theo đuổi kho báo 4.000 tấn vàng ở núi Tàu và tháng 6-2016, cụ qua đời, tưởng đâu đã khép lại những kho báu này nhưng nay lại tiếp tục được đánh thức.

Trước đó, UBND tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay) cũng đã có nhiều chuyến khảo sát nhưng đều bất thành. Sau này vùng đất căn cứ 6 còn đón nhận hàng loạt các dự án xin đất làm trang trại, xin đất trồng rừng.

Theo đó, có dự án được chấp thuận và cũng có dự án bị khước từ. Mọi người cũng dễ dàng nhận biết các dự án trên chỉ làm thủ tục xin thuê đất xung quanh các điểm nghi vấn quân đội Nhật chôn giấu kho báu hoặc khu vực con lộ mà người dân địa phương thường gọi là đường “Nhật Bổn”.

Ông T., một cán bộ công tác lâu năm tại huyện Hàm Tân, cho biết thực chất của những dự án này chính là bao chiếm các tọa độ nghi vấn để họ tiến hành khai thác kho báu khi có cơ hội. Tuy nhiên từ đó đến năm 2008, những thông tin về “kho báu” cứ im lặng dần và gần như chìm vào quên lãng.

Cố vấn cấp cao lộ diện

Năm 2007 sau vụ đột nhập, đưa cơ giới vào tổ chức đào bới trái phép sau vườn nhà của anh Huỳnh Văn Cư ở xóm 2, thôn 5, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) của một nhóm khoảng 10 người bị công an phát hiện.

Tháng 3-2008, tại nơi nghi là điểm chôn giấu kho báu xuất hiện một nhân vật khá kỳ bí.

Anh Huỳnh Văn Cư chỉ những cây điều trong vườn không ra trái.

Anh Huỳnh Văn Cư chỉ những cây điều trong vườn không ra trái.

Người đàn ông này khoảng 80 tuổi có bộ râu dài quắc thước, tay luôn lần tràng hạt, nói giọng Nam bộ. Người đàn ông này giới thiệu với anh Huỳnh Văn Cư tên là Nguyễn Tấn Khiêm và đang có trong tay tấm mật đồ “Kho báu Yoshida” và đang phối hợp với nhiều nhà khoa học để khai thác kho báu sau vườn nhà anh Cư.

Sau khi khảo sát khu vườn điều nhà anh Cư, ông Khiêm mừng ra mặt và kéo người chủ vườn ra chỗ vắng thông báo bí mật.

Theo ông Khiêm, cây điều cổ thụ trong vườn nhà anh Cư do trồng ngay nơi chôn giấu vàng nên gần 30 năm qua dù rất tươi tốt nhưng không hề ra hoa hoặc có trái. Ngoài ra hàng điều sát bên có bốn cây thì bốn cây trên than đều nhuốm màu vàng rực.

Ông Khiêm cho biết đây chính là những dấu hiệu khẳng định địa điểm chon giấu kho báu giống như trong tấm mật đồ của ông ta.

Vì sao ông Khiêm có tấm mật đồ kho báu trong tay là điều bí mật mà ông ta không thể cho anh Cư biết cụ thể nhưng ông ta hứa nếu khai thác kho báu thành công, anh Cư sẽ được chia cho vài trăm ký vàng.

Ông ta cũng khẳng định với mọi người đây là tài sản riêng của ông ta nên muốn khai thác hay muốn chia chác cho ai bao nhiêu phải có sự chứng kiến và đồng ý của ông ta.

Tọa độ "kho báu" Căn cứ 6.

Tọa độ "kho báu" Căn cứ 6.

Điều khá bất ngờ là trước khi chia tay anh Cư ra về để tổ chức lực lượng, xin giấy phép khai thác, ông Khiêm đã photocopy một quyết định bổ nhiệm do tiến sỹ Nguyễn Xuân Thằng, Viện trưởng Viện VIPTAM ký.

Theo đó quyết định này bổ nhiệm ông Khiêm giữ chức vụ cố vấn cao cấp của Chủ tịch Hội đồng Viện-Viện trưởng Viện VIPTAM! Ở mặt sau quyết định bổ nhiệm , ông Khiêm ghi bằng viết mực : “Chú Cư, chủ đất, quý anh, chú, chánh quyền có đến hỏi, chú Cư trao giấy này kính trình cho quý anh”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Tấn Khiêm sinh năm 1927, quê quán xã Phong Châu, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang là người có thông tin về kho báu của người Nhật chôn giấu tại huyện Hàm Tân.

Ông Khiêm đã cùng với ông Lê Văn Sửu, sinh năm 1968, quê quán Quách Phẩm, Đầm Dơi, Cà Mau hình thành đoàn tự phát gồm 25 ngưới đi tìm kiếm kho báu.

Theo phân công, ông Khiêm làm trưởng đoàn và ông Sửu làm phó đoàn. Để có tư cách pháp lý cho việc đi tìm kho báu, ông Khiêm đã hợp tác với ông Nguyễn Viết Thủ, Viện phó Viện VIPTAM để phía VIPTAM xin phép chính quyền các cấp cho phép khai đào kho báu.

Phía ông Khiêm và ông Sửu cung cấp hồ sơ, vị trí và tài chính cho công tác khai đào kho báu.

Với thông tin có mật đồ kho báu trong tay, ông Nguyễn Tấn Khiêm đã nghiễm nhiên trở thành một cố vấn cao cấp của VIPTAM (Viện Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ phát triển tài nguyên lãnh thổ, dự phòng thiên tai và bảo vệ môi trường, trực thuộc Hội Hóa học Việt Nam).

Tuy nhiên bấy nhiêu vẫn chưa đủ, để có giấy phép khai thác kho báu trong tay, họ còn tiến hành hàng loạt những “độc chiêu” bài bản và thành lập cả một ban dự án với những thuyết trình đầy tính khoa học.

Kỳ cuối - Khởi động dự án "HT"

PHƯƠNG NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/kho-bau-6-tan-vang-co-van-cap-cao-dot-ngot-xuat-hien-929209.html