'Kho báu' bên dòng Đà giang

PTĐT - Tọa lạc dọc theo tả ngạn Đà giang, đối diện với non thiêng Ba Vì quanh năm mây trắng bao phủ, mênh mang các huyền tích từ thủa Hùng Vương dựng nước, huyện Thanh Thủy ...

Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, là điều kiện tốt để huyện Thanh Thủy phát triển du lịch.

Đền Lăng Sương, xã Đồng Trung được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, là điều kiện tốt để huyện Thanh Thủy phát triển du lịch.

PTĐT - Tọa lạc dọc theo tả ngạn Đà giang, đối diện với non thiêng Ba Vì quanh năm mây trắng bao phủ, mênh mang các huyền tích từ thủa Hùng Vương dựng nước, huyện Thanh Thủy có kho tàng vô giá các di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Xác định hiệu quả cao nhất của việc giữ gìn giá trị di sản văn hóa là phát huy hiệu quả, tạo giá trị bền vững trong đời sống, hay nói cách khác là “biến di sản thành tài sản”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã tập trung triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững…

Với vị trí nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, trải dài bên bờ sông Đà thơ mộng, Thanh Thủy được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt: Với nguồn nước khoáng nóng quý hiếm và hệ thống các di tích lịch sử văn hóa lâu đời; khí hậu trong lành, mát mẻ, đất đai mầu mỡ, giao thông thủy - bộ đi lại thuận tiện, điểm giao thoa, cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc. Thanh Thủy đã và đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”, Thanh Thủy đưa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lên hàng đầu và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, góp phần vào mục tiêu phát triển du lịch của địa phương.

Lãnh đạo huyện, xã Đồng Trung và đoàn viên thanh niên chăm sóc cây tại Đền Lăng Sương.

Lãnh đạo huyện, xã Đồng Trung và đoàn viên thanh niên chăm sóc cây tại Đền Lăng Sương.

Toàn huyện hiện có 36 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích gồm: Đền Lăng Sương (xã Đồng Trung), Tượng đài chiến thắng Tu Vũ (xã Tu Vũ), Đình Đào Xá và Đền Tam Công (xã Đào Xá), Đình Hạ Bì Trung (xã Xuân Lộc) được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Gắn liền với đó là các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tính nhân văn sâu sắc.Những năm qua, huyện đã tiến hành khảo sát, thống kê các di tích trên địa bàn để lập quy hoạch trùng tu tôn tạo, nhằm khai thác phục vụ phát triển du lịch của huyện. Chỉ tính 5 năm (2016-2020), tổng mức đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử là trên 71 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là hơn 6,4 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là trên 64 tỷ đồng.Các di tích sau khi tu bổ, tôn tạo đảm bảo không mất đi yếu tố gốc cấu thành di tích, đáp ứng tốt hơn về nhu cầu tâm linh của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương. Một số lễ hội được khôi phục, các hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc. Cùng với 5 di sản văn hóa vật thể cấp Quốc gia, những năm gần đây, huyện Thanh Thủy tiếp tục được Bộ VH-TT& DL ghi danh 2 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là lễ hội Đào Xá (công nhận năm 2016) và lễ hội Đền Lăng Sương (công nhận năm 2018).

Lễ hội rước voi Đào Xá thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch ở Thanh Thủy. Ảnh tư liệu

Lễ hội rước voi Đào Xá thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển du lịch ở Thanh Thủy. Ảnh tư liệu

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Hệ thống các di sản văn hóa là tài nguyên để phát triển du lịch. Và ngược lại, khi du lịch phát triển sẽ tạo điều kiện quảng bá, cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hóa ở địa phương, tạo ra nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa.Trên cơ sở đó, huyện Thanh Thủy đã hình thành 3 vùng không gian du lịch, gồm: Vùng I, phía Bắc huyện là vùng du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống. Điểm đến thăm quan di tích lịch sử Quốc gia đình Hạ Bì Trung, xã Xuân Lộc, Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Bạch Thạch, Bơi chải đền Tam Công xã Đào Xá, thăm đền Ngọc Sơn, đền Quốc Tế xã Thạch Đồng, sản phẩm của làng nghề truyền thống- tương làng Bợ. Vùng II, trung tâm huyện là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ẩm thực.Điểm đến thăm quan: Lễ hội cướp “Cây Bông” đình La Phù; khu du lịch Đảo Ngọc Xanh; các resort Thanh Lâm, tre nguồn, làng nghề truyền thống đan lát Ba Đông- Hoàng Xá; thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc: Dê núi đá, cá Sông Đà, gà ri đồi sỏi tại thị trấn Thanh Thủy và Hoàng Xá. Vùng III, phía Nam huyện là vùng du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, giáo dục truyền thống về cội nguồn.Điểm đến thăm quan là di tích lịch sử văn hóa đền Lăng Sương, di tích lịch sử cách mạng Tượng đài chiến thắng Tu Vũ, điểm du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa dân tộc Mường xã Tu Vũ; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua, xã Đồng Trung. Mỗi năm, các di tích và lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch hành hương về lễ hội cội nguồn dân tộc. Việc kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử văn hóa hình thành tour tuyến phục vụ khách du lịch.Đối với loại hình du lịch cộng đồng, đến nay, đội cồng chiêng của 2 xã Yến Mao và Phượng Mao đang hoạt động tích cực. Nhiều hộ dân đã chủ động cải tạo chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, chuồng trại, đường làng ngõ xóm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp lịch thiệp. Xây dựng các chương trình nghệ thuật vũ điệu cồng chiêng, dân ca Mường, hát ví, hát rang, đêm hội rượu cần, đốt lửa trại, nhảy sạp... gắn với nghệ thuật ẩm thực: Bò thui, lợn quay, rượu cần, bánh cá, bánh kiến, măng chua, bánh sừng bò, xôi ngũ sắc… cùng với khôi phục các môn thể thao dân tộc: Ném còn, đập niêu, bắn nỏ... để thu hút du khách. Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, lấy du dịch thúc đẩy hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa đã và đang mở ra triển vọng tươi sáng giúp mảnh đất bên dòng Đà giang ngày càng khởi sắc, trù phú, thịnh vượng.

Nguyễn Minh Tường
TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/di-tich-danh-thang/202104/kho-bau-ben-dong-da-giang-176447