Kho báu đắm tàu dưới đại dương

Chắc rằng hơn 3.260km bờ biển và lãnh hải - biển đảo bao la của Việt Nam không chỉ là nguồn tài nguyên vô giá về hải sản, khoáng sản, dầu khí hay sinh vật đa dạng. Đó còn là tài nguyên văn hóa, chứng tích lịch sử muôn màu muôn vẻ của một đất nước hùng vĩ và trù phú.

Bạn có từng mong ước hải hành khắp năm châu? Nhà văn Nguyễn Tuân từng gởi gắm giấc mơ ấy trong tiểu thuyết Thiếu quê hương. Nhân vật chính là một thủy thủ sau bao năm viễn du, nay phải lên bờ “chôn chân” tại thành phố nhưng tâm trí luôn “bay” ngoài khơi xa. Anh thuê riêng một căn phòng để bày tấm bản đồ thế giới và những kỷ vật thu thập bốn phương trời.

Trong cõi riêng tư, anh say mê ngắm nhìn những bình rượu, tách trà, tẩu thuốc, đồng tiền xưa tuy bé nhỏ, song khắc ghi bốn bể, ẩn chứa những câu chuyện hấp dẫn nào đó.

Lãng du từ bộ tách trà 300 năm

Có người nói nhân vật trong truyện chính là bác Nguyễn Tuân đó thôi. Nhiều thế hệ đời sau “lây bệnh” bác Nguyễn và cũng thích tha lôi những kỷ vật nho nhỏ từ nhiều xứ sở để hoài niệm và tiếp tục “tơ tưởng” những chuyến đi xa.

Mấy năm trước, “đồng bệnh tương lân”, bạn văn P.C.L ưu ái tặng tôi một bộ chung uống trà xinh xắn. Đó là chung và dĩa bằng gốm có những họa tiết rồng mây màu thiên thanh trên nền màu trắng đục. Anh nói bộ chung trà là một phần nhỏ trong hàng loạt đồ gốm sứ mậu dịch được ngư dân tìm thấy từ một chiếc tàu đắm ở Cà Mau. Nó được sản xuất từ thời Ung Chính - vua nhà Thanh (trị vì 1722-1735).

Ồ, tôi khấp khởi mong rằng đó có thể là sản phẩm của Cảnh Đức Trấn nổi tiếng ở Giang Tây - thủ phủ của những lò gốm, ra đời từ thế kỷ III. Sách của cụ Vương Hồng Sển cho biết lò này chuyên làm hàng cao cấp cho vua chúa Trung Hoa, ngoài ra còn bán cho giới quý tộc và thượng lưu của nhiều nước Á, Âu.

Chén sứ vẽ hình chim men nâu của tàu Belitung.

Chén sứ vẽ hình chim men nâu của tàu Belitung.

Ngay cả triều đình Việt Nam từ thời Lê - Nguyễn cũng từng đặt Cảnh Đức Trấn làm hàng theo mẫu riêng mà giới chơi cổ vật gọi là đồ sứ ký kiểu. Tương truyền thi hào Nguyễn Du khi đi sứ đã ghé vào đây, đề thơ bằng chữ nôm trên một chiếc dĩa kiểu mai hạc, còn lưu truyền ở Việt Nam. Đọc bộ Châu bản triều Nguyễn, tôi thấy có khá nhiều văn thư của triều đình yêu cầu Tổng trấn Gia Định đặt mua đồ sứ, tranh vẽ, sách vở và nhiều vật dụng vương giả của nhà Thanh. Bởi Sài Gòn là nơi tàu buôn của các “Thanh nhân” trên đường qua lại nhiều nước, thường ghé vào để bán hàng rồi mua lại nông sản. Có lẽ con tàu bị đắm ở Cà Mau là một trong những thương thuyền Trung Hoa giao dịch khắp Đông Nam Á thời ấy.

Con tàu xấu số mang theo một kho hàng lớn gồm đồ gốm sứ và đồ kim loại. Phần lớn đồ gốm sứ là hàng của Cảnh Đức Trấn với nhiều chủng loại và công dụng. Đến nay cổ vật của con tàu vẫn được trưng bày ở các bảo tàng tại Cà Mau, Bình Thuận và Hà Nội. Dĩ nhiên, không cần thắc mắc, một phần không nhỏ được mua bán chuyền tay từ phố Lê Công Kiều ra nhiều nơi xa gần. Ở thời điểm đầu những năm 2000, giá cả “không ghê gớm lắm”, anh bạn tôi kể thương lái đem cả cần xé đồ sứ vớt ở Cà Mau đến Lê Công Kiều để rao bán. Sau 20 năm, giá của bộ chung trà chắc đã cao hơn trước.

Chóe rượu có hình con cọp gốm sứ men xanh của tàu Belitung (chụp từ sách của Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore).

Chóe rượu có hình con cọp gốm sứ men xanh của tàu Belitung (chụp từ sách của Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore).

Tuy nhiên, điều kỳ thú nhất với tôi, bộ chung trà mang đến cả đại dương! Tôi đặt bộ chung trà 300 tuổi trên bàn viết và từ ấy chiếc chung trà mỏng manh, đường nét quý phái trở thành “chiếc thuyền lãng du” đưa tôi vào một cõi xa xưa chưa từng biết.

Tôi không phải là dân chơi đồ cổ, cũng không phải là dân săn hàng quý hiếm. Song món quà nhận được làm tôi tò mò muốn biết vì sao các cổ vật mất tích dưới biển sâu. Và xa hơn nữa là lịch sử giao thương và đấu tranh trên biển đã diễn ra như thế nào. Trong đó, khu vực biển Đông Nam Á gần gũi được sách sử coi là một đoạn quan trọng của con đường tơ lụa trên biển. Từ ngàn xưa, biển cả nơi đây tưởng chừng thanh bình nhưng cũng đầy sóng gió và hiểm nguy cho đến tận bây giờ.

Từ con tàu Trung Hoa trên vùng biển Việt Nam

Hiện tại ở Vũng Tàu, trong tòa nhà Bạch Dinh tráng lệ đang trưng bày hàng trăm đồ gốm sứ và di vật của một con tàu bị đắm ở vùng biển Hòn Cau, gần Côn Đảo.

Theo Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu, con tàu bằng gỗ được phát hiện ở độ sâu 40m. Sau hai năm khai quật (1990 - 1992), các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài tìm được khoảng 60.000 di vật. Phần lớn là gốm sứ sản xuất từ các lò Cảnh Đức Trấn, Sơn Đầu, Đức Hóa, chủ yếu vào thời Khang Hy - cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Đáng chú ý bên cạnh đồ gốm sứ mang phong cách Á Đông còn có các loại mang phong cách châu Âu. Điều đó chứng tỏ từ rất sớm phương Tây đã biết sử dụng các nước khác làm hàng theo nhu cầu và thị hiếu của xứ sở mình. Giống như thời hiện tại, Việt Nam và nhiều nước đã trở thành “công xưởng” làm hàng quần áo và giày dép cho Nike và Timberland, hay lắp ráp hàng điện tử cho Sony và Samsung. Quả thật, buôn bán xuyên lục địa thúc đẩy việc phân công sản xuất ra hải ngoại chứ không đóng khung trong quốc nội. Mặt khác, các đồ gốm sứ châu Âu xuất xưởng tại châu Á còn là dấu hiệu giao thoa văn hóa Đông - Tây đầy thú vị.

Bản đồ lịch sử giao thương và tàu đắm của Công ty Đông Á Hà Lan trên thế giới, trong sách của Nigel Pickford

Bản đồ lịch sử giao thương và tàu đắm của Công ty Đông Á Hà Lan trên thế giới, trong sách của Nigel Pickford

Nigel Pickford, một nhà nghiên cứu Anh, gọi con tàu đắm ở Hòn Cau là một điển hình khám phá cổ vật dưới đại dương. Ông từng làm việc cho một hãng chuyên trục vớt tàu đắm của Thụy Điển - đơn vị tham gia khai quật con tàu này. Trong công trình đồ sộ Atlas of Shipwrecks & Treasure (Tập bản đồ những kho báu đắm thuyền) xuất bản năm 1994, Nigel dành hai trang lớn để viết về kho báu con tàu Hòn Cau.

Theo ông, con tàu có thể xuất phát từ Áo Môn đi qua bờ biển Việt Nam để xuống vùng biển Singapore và Indonesia mà đích đến là Batavia (Jakarta) - thuở đó là thuộc địa của Hà Lan. Việc phát hiện đồ gốm sứ trên con tàu Hòn Cau, nổi bật là dòng blanc-de Chine - sứ men trắng Trung Hoa, đã gây một cơn sốt trong giới đồ cổ quốc tế. Tại cuộc đấu giá ở Amsterdam năm 1992, khoảng 1.000 lô đồ sứ của con tàu được bán với giá hơn 7 triệu USD! Sang thế kỷ XXI, hẳn nhiên giá trị thương mại của cổ vật Hòn Cau cao hơn gấp bội.

Chung trà cổ vật tàu đắm Cà Mau đặt trên hai trang sách về cổ vật tàu đắm ở Vũng Tàu trong sách của Nigel Pickford.

Chung trà cổ vật tàu đắm Cà Mau đặt trên hai trang sách về cổ vật tàu đắm ở Vũng Tàu trong sách của Nigel Pickford.

Trên con tàu Hòn Cau có khá nhiều vật dụng thể hiện một đời sống tiện nghi phong phú như khay, ấm đun nước, cân tiểu ly, gương đồng, ấn triện và kể cả nhíp nhổ râu, que lấy ráy tai. Các cổ vật khác có giá trị không kém là đồng hồ mặt trời, súng lệnh và súng thần công Tây Ban Nha. Nigel cho rằng bản thân con tàu cũng là một chứng tích hiếm hoi, tiêu biểu cho loại tàu đi biển hòa trộn Âu - Á. Thật vậy, thân tàu được đóng theo kiểu Bồ Đào Nha nhưng buồm và cột buồm kiểu Trung Hoa. Các nhà khoa học giả thiết con tàu trên đường đi dọc bờ biển Việt Nam đã bị hỏa hoạn hoặc bị hải tặc tấn công, phải bỏ xác ở vùng biển san hô.

Thật ngạc nhiên, một nhà xuất bản ở Anh đã chọn câu chuyện kho báu và con tàu Hòn Cau để làm sách dành cho thiếu nhi với minh họa rất đẹp!

Đến con tàu Ả Rập trên vùng biển Indonesia

Cách Việt Nam không xa, có một con tàu đắm được tìm thấy năm 1998, mang theo một kho cổ vật lớn hơn với niên đại xa hơn. Mới đây tôi có dịp chiêm ngưỡng những cổ vật ấy, cùng nhiều câu chuyện lôi cuốn tại Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore.

Ngay trong lòng đất và nhất là đại dương, chúng ta chưa khám phá được nhiều dấu tích của người xưa, kể cả những kho báu di vật nghệ thuật, tài sản vàng bạc hay vật dụng sinh hoạt.

Ngay khi bước vào gian trưng bày, tôi ngỡ ngàng trông thấy hàng trăm chiếc bát màu nâu lấp lánh, đặt trên những trụ đỡ thanh mảnh, bằng nhựa trong suốt. Chúng được sắp đặt cao thấp một cách khéo léo, trông như hình sóng nước bồng bềnh, uốn khúc.

Phía trên những chiếc bát - tượng trưng cho dòng nước tuôn trào là mô hình một con tàu buồm vững chãi. Thật lạ, con tàu giương cao hai lá buồm trắng hình bình hành, khác hẳn những lá buồm hình cánh quạt Á Đông. Chung quanh phần sắp đặt rất ấn tượng này là các tủ kính lớn nhỏ và các hình chụp phóng to, giới thiệu các cổ vật và di tích của con tàu.

Tác giả tại gian trưng bày cổ vật và mô hình tàu Belitung trong Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore, tháng 11.2024. Ảnh: CTV

Tác giả tại gian trưng bày cổ vật và mô hình tàu Belitung trong Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore, tháng 11.2024. Ảnh: CTV

Thong thả dạo qua, ngay lập tức tôi bị mê hoặc bởi hai loại sắc màu huyền ảo trong nhiều kiểu dáng đồ vật phong phú. Trước nhất là màu men gốm nâu trên nền trắng ngà. Màu nâu thâm trầm ấy qua những nét vẽ đã tạo hình hoa và lá, chim và cá, rồng và mây hay những chữ Hán viết thảo - đầy phóng khoáng. Người ta gọi đó là đặc trưng của gốm sứ Changsha, xuất phát từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Còn sắc màu quyến rũ kế tiếp là màu lam ngọc của men rạn green-splash, có thêm một chút sắc tố của rêu xanh. Nghe nói loại đồ sứ lam ngọc được làm rất công phu, phải qua mấy lần nung và tráng men chảy. Nơi sản xuất loại sứ kiêu sa ấy chủ yếu là tỉnh Hồ Bắc. Cả hai loại đồ gốm sang trọng đều có nhiều kiểu dáng bất hủ.

Với tôi, nổi bật nhất trong số gốm Changsha là chiếc bình nước tròn như một quả cầu, với quai là hình một con rồng ba móng. Con rồng có thân hình thon thả quắp lấy quả cầu, trông giống một con thú cưng nhỏ bé chứ không phải là loại rồng của vua chúa lẫm liệt. Đối nghịch với nó là chiếc chóe đựng rượu, kiểu lam ngọc green-splash với quai cầm một bên, mang hình cọp vằn. Người thợ thủ công có ẩn ý gì khi tạo dáng chú cọp trong tư thế leo trèo, ngó vào chóe rượu? Có lẽ là một điển tích hay là một câu chuyện ngộ nghĩnh được nghĩ ra trong giây phút sáng tạo xuất thần.

Bình rượu có hình con rồng - gốm sứ men nâu của tàu Belitung (hình chụp lại từ sách của Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore)

Bình rượu có hình con rồng - gốm sứ men nâu của tàu Belitung (hình chụp lại từ sách của Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore)

Khác với tàu Hòn Cau, tuổi đời con tàu - gọi tên là Belitung và các cổ vật tại đây có hơn 1.100 năm. Thêm nữa, đó là một con tàu được đóng ở Trung Đông nhưng bị chìm gần đảo Đá Đen trong vùng biển Java của Indonesia. Khảo sát con tàu cùng các vật dụng và nhiều nguồn tư liệu, các nhà khoa học khám phá đây là chứng tích hùng hồn về con đường giao thương Á - Âu trên biển.

Nó khởi đầu từ ven biển Trung Quốc vào đời nhà Đường đến vịnh Ba Tư thời đế chế Abbasid (Iran và Irak ngày nay). Con tàu, từng qua lại vùng biển Đông Nam Á để đến Indonesia và từ đó băng qua Ấn Độ Dương vào vùng biển Ả Rập và tiến lên vịnh Ba Tư. Tàu không chỉ chuyên chở đồ sứ, trong đó có đồ sứ lam ngọc sản xuất theo thị hiếu Trung Đông mà còn mang theo vàng bạc và nhiều đồ vật giá trị khác với thủy thủ đoàn bao gồm nhiều sắc dân.

Và những cuộc hải hành tìm về tài nguyên lịch sử

Đi xem các di vật của con tàu Belitung- thể hiện sự tương tác rộng lớn của thế giới cổ xưa, tôi không thể không nghĩ đến những giá trị vật chất và tinh thần mà tổ tiên Việt Nam để lại. Biết bao cơn binh lửa, biến động và sai lầm đã khiến di sản tiền nhân mất mát và phôi pha rất lớn. Ngay trong lòng đất và nhất là đại dương, chúng ta chưa khám phá được nhiều dấu tích của người xưa, kể cả những kho báu di vật nghệ thuật, tài sản vàng bạc hay vật dụng sinh hoạt.

Đầu rồng men xanh là nắp bình trà của tàu Belitung

Đầu rồng men xanh là nắp bình trà của tàu Belitung

Chắc rằng hơn 3.260km bờ biển và lãnh hải - biển đảo bao la của Việt Nam không chỉ là nguồn tài nguyên vô giá về hải sản, khoáng sản, dầu khí hay sinh vật đa dạng. Đó còn là tài nguyên văn hóa, chứng tích lịch sử muôn màu muôn vẻ của một đất nước hùng vĩ và trù phú. Không đâu xa, tại cửa biển Cần Giờ và dòng sông Sài Gòn rộng lớn vẫn đang ẩn chứa những con tàu đắm mang dấu vết văn minh Phù Nam, Champa, Chân Lạp và Đại Việt. Thêm nữa, đó là dấu vết những cuộc giao thương với Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ và phương Tây. Và rồi những cuộc thủy chiến oanh liệt đều lưu cổ tích dưới dòng nước xuyên thế kỷ.

Tôi mong trong tương lai gần, công nghiệp khai thác biển và ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam sẽ có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự để tiếp cận đầy đủ nguồn tài nguyên khổng lồ kể trên. Biết đâu một ngày không xa, các bạn và tôi sẽ được tham gia những chuyến hải hành thực sự tìm đến những kho báu lịch sử rạng rỡ chứ không phải mộng mơ xa vời.

Phải không P.C.L, ông bạn già tốt bụng của tôi, chúng ta cùng đi nhé!

Bài và ảnh: Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kho-bau-dam-tau-duoi-dai-duong-46889.html