Theo các chuyên gia, ước tính các đại dương chứa tới hơn 4,5 tỷ tấn uranium, gấp khoảng 1.000 lần trữ lượng trên đất liền. Trong những thập kỷ gần đây, " kho báu" hơn 4,5 tỷ tấn dưới biển trở thành mục tiêu của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Sở dĩ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản chạy đua khai thác "kho báu" này là vì uranium là nguyên tố phóng xạ tự nhiên. Nó thường được dùng để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.
Xuất phát từ nhu cầu điện hạt nhân toàn cầu tăng, nhu cầu uranium cũng vì vậy mà tăng theo. Uranium là tài nguyên hữu hạn nên khi phát hiện dưới biển có hơn 4,5 tỷ tấn uranium, gấp khoảng 1.000 lần trữ lượng trên đất liền, các nước đã triển khai các dự án nhằm khai thác "kho báu khủng" này.
Việc chiết xuất uranium từ nước biển được xem là một giải pháp bền vững hơn cho năng lượng hạt nhân. Thế nhưng, giới chức các nước gặp trở ngại lớn trong việc khai thác uranium dưới biển.
Nguyên do là bởi nồng độ uranium trong nước biển rất thấp. Các chuyên gia ước tính có khoảng 3,3 microgram/lít nước biển. Điều này khiến việc khai thác uranium trong nước biển trở nên khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với việc khai thác từ lòng đất.
Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong việc khai thác uranium ở đại dương làm nhiên liệu cho năng lượng hạt nhân. Kể từ những năm 1950, các nhà khoa học của Nhật Bản đã tìm cách chiết xuất uranium dưới biển.
Thế nhưng, phải đến những năm 1980, giới chuyên gia của Nhật Bản đạt được thành công trong việc tìm ra cách chiết xuất uranium từ nước biển. Họ sử dụng một hợp chất hóa học có tên amidoxime để liên kết với hạt uranium trôi nổi.
Tương tự Nhật Bản, Trung Quốc cũng nỗ lực khai thác uranium từ nước biển. Nhóm chuyên gia tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature Sustainability nói về cách chiết xuất nước biển lấy uranium. Họ tập trung việc nâng cao khả năng hấp phụ hay hút bám của hợp chất này.
Các chuyên gia tạo ra một màng xốp mô phỏng theo các phân dạng (cấu trúc phức tạp hình thành từ những hình khối đơn giản được lặp lại nhiều lần, mỗi lần lại giảm kích thước) trong tự nhiên, ví dụ như mạch máu. Kết quả là nhóm chuyên gia nhận thấy màng xốp thấm đẫm amidoxime có thể chiết xuất uranium hiệu quả hơn đáng kể so với những vật liệu được sử dụng trước đó, với khả năng hấp phụ cao gấp 20 lần.
Năm 2012, trong một báo cáo tại hội nghị hàng năm của Hội hóa học Mỹ ở Philadelphia, tiến sĩ Robin Rogers thuộc Đại học Alabama cho biết những tiến bộ trong nghệ ngày nay có thể giúp mục tiêu tách uranium từ nước biển với số lượng lớn sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Theo Tiến sĩ Rogers, ước tính có thể sản xuất uranium từ nước biển với chi phí từ 300 - 560 USD/0,45 kg. Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Robin tìm cách sử dụng vỏ tôm thải từ ngành công nghiệp chế biến thủy sản để sản xuất vật liệu sinh học sử dụng làm thành những tấm thu uranium thay cho nhựa plastic.
Mời độc giả xem video: Quảng Ngãi: Học sinh tắm biển bị sóng cuốn mất tích. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (theo Forbes, SCMP)