'Kho báu hổ Malaya' 6.000 tấn vàng đang ở đâu?
Một kho báu đồ sộ, trị giá hàng tỉ đô-la Mỹ từ thời thế chiến II, lại liên quan đến một vị Tổng thống nhiều tai tiếng của Philippines nhưng đến nay vẫn còn là một ẩn số chưa có lời đáp.
Kho báu bí ẩn
Cuối thời kỳ Đại chiến thế giới thứ hai, các nước phát xít nhận thấy khả năng thua trận sắp đến, liền rục rịch di chuyển khối tài sản cướp đoạt trong chiến tranh. Đại tướng quân Nhật, Yamashita Tomoyuki còn có tên gọi khác là Sơn Hạ Phụng Văn được mệnh danh là “Hổ Malaya” cũng vội vàng cất giấu khối tài sản vàng bạc châu báu của mình cướp được ở Đông Nam Á.
Trước đó, tướng Tomoyuki chỉ huy một phương diện quân của quân Nhật, quần thảo khắp các vùng Đông Nam Á. Các quốc gia như Philippines, Myanmar, Thái Lan và 3 nước Đông Dương... đều nhanh chóng bị quân Nhật chiếm đóng sau khi đánh bật quân Anh, Pháp khỏi đây.
Trong quá trình “bách chiến bách thắng” của mình, Phụng Văn biết các quốc gia Đông Nam Á khi đó còn duy trì chế độ phong kiến, vua chúa quý tộc rất nhiều vàng bạc, châu báu nên ra lệnh cho quân lính cướp bóc rất nhiều của cải. Tương truyền, khối của cải do y cướp được phần lớn là vàng khối, tổng trọng lượng lên tới 6.000 tấn.
Số vàng này được cất giấu bí mật trong một hang ở đảo Luzon (thuộc Philippines), vốn khi đó là đại bản doanh của quân đoàn Nhật do tướng Phụng Văn chỉ huy. Đó là một số lượng tài sản vô cùng lớn, ngay trong kho của một số nước đang phát triển e rằng cũng không nhiều đến như thế.
Không rõ là Phụng Văn có kịp tẩu tán số tài sản nói trên hay không nhưng cho đến khi Đại chiến thế giới lần thứ hai, tay tướng nhiều tội ác này bị tòa án Quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh quốc tế. Hình phạt được ra đối với y là xử tử. Một số thông tin liên quan đến tay tướng này cùng kho báu của hắn nhiều người cho rằng vẫn còn đâu đó được chôn giấu kỹ lưỡng tại quần đảo Luzon của Philippines.
Sở dĩ điều này có cơ sở bởi từ năm 1943, quân đội Mỹ về cơ bản đã kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Á và hoàn toàn kiểm soát vùng biển cũng như đi lại quanh khu vực này. Không một tàu chiến nào có thể đi lọt qua được vòng vây của quân đội Mỹ để trở về Nhật Bản, trong khi lực lượng không quân của quân đội Nhật Bản khi đó đã kiệt quệ sau một số trận đánh, không còn máy bay vận tải chở thương binh chứ đừng nói đến chở vàng về nước.
Những kẻ săn lùng kho báu
Số vàng này là mục tiêu số một của nhửng kẻ săn lùng kho báu ở Philippines. Vào những năm sau 1979, bỗng nhiên ở các địa phương của Philippines cũng dấy lên cơn sốt điên cuồng đi tìm “Bảo tàng hổ Malaya”. Song dù có tìm như thế nào, kết quả vẫn không ai tìm thấy và cơn sốt đó vẫn chưa giảm nhiệt.
Người hăng hái nhất trong số kẻ săn lùng kho báu phải kể đến Tổng thống Philippines Marcos. Marcos đã từng ra lệnh 172 địa phương trên toàn quốc đồng thời triển khai hành động đi tìm kho báu nhưng lúc đó không ai biết rốt cục Tổng thống của họ đang tìm cái gì và có tìm được hay không.
Trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Marcos từng làm sĩ quan tình báo, cấp bậc Thiếu úy thuộc Sư đoàn 21 đội quân Viễn Đông của Mỹ. Khi quân Nhật chiếm Philippines, ông lại phục vụ cho Nhật Bản. Lúc đó, ông ta luôn tiếp xúc với sĩ quan Nhật. Theo tin đồn, ông ta cũng biết được đôi điều sơ lược về “Bảo tàng hổ Malaya”.
Tháng 11/1965, khi ông ta làm Tống thống thứ 6 của Philipines đã từng phái một số nhân viên bí mật hoạt động khắp thâm sơn cùng cốc ở đảo Luzon. Mục đích là gì? Kết quả ra sao? Lúc đó người ta cũng chỉ dám đoán già đoán non nhưng vì ông ta đang nắm trong tay quyền thế một vị Tổng thống nên chưa ai dám đi sâu xem xét.
Năm 1986, Philippines nổ ra cuộc “Cách mạng tháng Hai”, vợ chồng Marcos chạy trốn sang Hawaii. Khi qua hải quan, nhân viên kiểm tra phát hiện họ mang tới mấy túi màu đen, bên trong có khoảng vài chục triệu đô-la Mỹ và khá nhiều vàng thỏi, châu báu nên liền bắt giữ.
Khi đó, Tổng thống mới được bầu, bà Corazon Aquino ra lệnh điều tra tội trạng của vị Tổng thống độc tài Marcos. Việc ăn hối lộ, phá kỷ cương, tham ô công quỹ được đưa vào làm một nội dung cơ bản của cuộc điều tra. Ngày 31/7/1991, Viện kiểm sát Philippines, cơ quan chủ quản điều tra vụ việc này đã ra thông báo công khai nói rằng: “Marcos đang có 5.325 tấn vàng ở ngân hàng Thụy Sỹ.
Ở ngân hàng Hongkong, ông ta có 5 tài khoản bí mật, số tiền gửi it nhất cũng đến 400 hoặc 500 triệu đô-la Mỹ, có khả năng lên tới 1 tỷ LISD (đơn vị tiền tệ Philippines). Không ít nhân sĩ lúc đó còn nói, của cải của ông ta không phải chỉ có thế, còn có một bộ phận rất lớn được chôn cất bí mật dưới lòng đất. Tấm bản đồ kho báu Vì sao Marcos lại có được khối tài sản lớn như vậy?
Tháng 2/1992, vợ góa của ông ta, Imelda Marcos tuyên bố: “Chồng của bà ta sở dĩ có tài sản lớn như vậy, do ông ta đã tìm thấy “Kho báu hổ Malaya”. Rất nhiều người không tin lời của Imelda Marcos. Họ cho rằng bà ta đang bào chữa cho hành vi tham ô cướp đoạt của Marcos khi làm Tổng thống Philippines.
Bởi Philippines là 1 trong 8 nơi sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Đại bộ phận số vàng khai thác được đã rơi vào túi Marcos. Nhưng Chính phủ mới của Philippines, bà Corazon Aquino cũng tin một phần vào lời giải thích của vợ Marcos. Nguyên nhân xuất phát và làm cơ sở cho điều này, trước hết là do Marcos đã có lần đàm phán với 2 người Mỹ về “Kho báu hổ Malaya”, vào tháng 5/1987.
Sau đó, tháng 7/1987, khi Marcos chuẩn bị hấp hối có dặn miệng lại cho một người bạn rằng sẽ đem số vàng trị giá hơn 40 tỉ USD “hiến tặng” cho nhân dân Philippines. Có điều chưa kịp nói đến địa điểm kho vàng, ông ta đã tắt thở. Dữ liệu thứ 3 rất quan trọng, đó là có một người đàn ông ngưởi Mỹ kể, có thể chứng minh tài sản của Marcos quả thật có một phần do tìm thấy “Kho báu Phụng Văn”.
Người Mỹ này có tên là Rocsas, ông ta tuyên bố “Kho báu Phụng Văn” là do anh phát hiện đầu tiên, nhưng đáng tiếc đã bị Marcos cướp đi. Năm 1970, Rocsas đến kinh doanh ở Philippines. Một lần đi du lịch ở Nhật, anh ta có quen một sỹ quan Nhật đã từng đi theo Phụng Văn, nay đã xuất ngũ.
Anh ta đã mua được tấm bản đồ kho báu từ người sỹ quan này. Sau khi về Philippines, theo chỉ dần trên bản đồ, Rocsas đã đến một cái hang trên quả núi hoang. Khi tiến vào hang, anh ta nhìn thấy ngay một bức tượng Phật vàng cao 71cm. Ở phần đầu tượng có thể mở ra, bên trong bức tượng chứa đầy kim cương, ngọc trai. Nhưng ngay sau đó, toàn bộ hang bỗng nhiên rung lên, đá trên đầu hang rơi xuống dữ dội. Anh ta vội ôm bức tượng Phật chạy ra khỏi hang.
Đúng lúc đó, toàn bộ hang bị sập xuống, cửa hang bị bịt kín. Một nhà báo đã thốt lên khi tìm hiểu về câu chuyện của Rocsas: “Câu chuyện này nghe ra rất giống truyện cổ tích. Sau này, Rocsas nói: “Không ngờ Phật vàng đã mang lại cho tôi tai họa vào nhà lao”. Nguyên là khi anh ta về đến chỗ ở tại Thủ đô Manila, Rocsas phấn khởi không kiềm chế nổi nên đã mang bức tượng cho các bạn của mình xem. Sau 3 tháng, một đội lính mang đủ súng đạn tiến vào nhà anh, nói theo lệnh tòa án đến thu lại “Báu vật của nhân dân Philippines”.
Thế là Phật vàng rơi vào tay Tổng thống Marocs. Đương nhiên, Rocsas không chịu, đệ đơn lên Nghị viện Philippines đòi trả lại bức tượng vàng. Công chúng cả nước qua vô tuyến truyền hình đều được biết lời khai của Rocsas.
Tuy nhiên, một chuyện không ai ngờ tới đã xảy ra. Được coi như là một vụ tai nạn. Đó là khi mọi người đang lắng nghe nhân chứng báo cáo, đột nhiên có ngưòi ném lựu đạn vào hội trường làm chết 9 người và làm bị thương 96 người, tạo nên một vụ thảm án. Sau một thời gian dài bị gián đoạn, cuối cùng trước sức ép dữ dội của dư luận và phe cánh tả, phiên tòa đã được mở lại. Tòa án phán quyết, Marcos phải trả bức tượng vàng này cho Rocsas.
Những tưởng bản án như vậy đã giúp Rocsas thỏa mãn ước mơ đổi đời. Thực chất, anh ta đã nhận được một bức tượng Phật bằng đồng mô phỏng. Đó là một câu chuyện được dàn dựng để Tổng thống Marcos trấn an dư luận mà thôi.
Tháng 9/1972, Marcos buộc Quốc hội phải giái tán và đặt chế độ quân quản trên cả nước. Rocsas bị bắt vào dịp đó. Tổng thống Marcos buộc anh ta phải chỉ ra địa điểm đào được tượng Phật vàng. Trong hoàn cảnh bị đánh đập tra tấn, Rocsas đành phải khuất phục để giữ lấy mạng sống, đem nộp tấm bản đồ giấu báu vật “bảo tàng hổ Malaya”.
Rất nhiều người suy đoán, sau khi Marcos cướp tấm bản đồ kho báu của Rocsas, sử dụng máy xúc, mở được cửa hang bị lấp trước đó, rồi thuê người chở vàng về. Không rõ ông ta đã đào xong chưa hay “Kho báu hổ Malaya” có thực sự ở chỗ đó hay không. Tất cả đều chỉ là đồn đoán, không ai biết được chính xác ra sao. Bản thân vị Tổng thống cũ của Philippines Marcos cũng chưa từng thừa nhận hoặc phủ nhận tin mình đã tìm thấy kho báu.
Những manh mối mới
Sau khi sự việc Rocsas tố cáo Marcos đã cướp “Kho báu hổ Malaya” của anh ta, lại có thêm một người Mỹ đứng lên chứng minh rằng Marcos có dính phần nào vào kho báu. Người Mỹ đó tên là Lizas, lúc đó là luật sư ở bang Indiana.
Ông này nói: “Vào tháng 5/1987, ông ta được biết Marcos phái con trai cùng một người thân tín sang Australia và sang Anh để bán vàng (nghe nói tổng số vàng có giá trị 31 tỉ tiền đô-la Australia) để mua vũ khí, chuẩn bị tổ chức quân đội để cướp lại chính quyền. Lizas cùng một người Mỹ khác sang Hawaii, mạo nhận là người đại diện cho hãng buôn bán vũ khí của Italia để bàn bạc với Marcos về vấn đề mua bán vũ khí. Marcos rất tin tưởng, không nghi ngờ gì cả.
Để chứng tỏ với người đại diện buôn bán vũ khí rằng tài lực của mình rất hùng hậu. Marcos đã thổ lộ ra rằng ngoài tiền gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ, ông ta còn có 1.000 tấn vàng chôn ở Philippines. Nhưng Marcos không ngờ được rằng, đại diện buôn bán chỉ là giả, càng không ngờ được rằng đối phương đã đặt thiết bị ghi âm, ngầm ghi lại tất cả mọi lời nói của cuộc nói chuyện đó.
Sau khi trở về Mỹ, Lizas lập tức sao lại các băng ghi âm để gửi Quốc hội Mỹ và Công sở liêm chính của Philippines gây ra sự chú ý của Chính phủ Mỹ và Philippines. Có thể trong tình trạng đó, Marcos buộc phải nói ra câu: “Tự nguyện đem số vàng cất giấu riêng của ông ta trị giá 4 tỉ USD ra “hiến tặng”. Tất nhiên, ông ta ra sức chống chế không thừa nhận băng ghi âm của Lizas đưa ra.
Ông ta bảo đó là giả mạo, tiếng nói trong đó không phải của ông ta. Vì sao ông ta phải phủ nhận? Bởi trong đó đề cập đến hành vi phạm tội lớn: “Âm mưu lật đổ nhà nước”. Ngày 12/2/1998, Chính phủ Philippines thử thăm dò kho báu này có thật hay không khi ký hợp đồng tìm kiếm kim loại quý hiếm với một người Mỹ có tên là Lobkos. Sự ra đời của Công ty quốc tế về kim loại quý hiếm càng dấy lên những hoài nghi đã có trước đó. Cuộc tìm kiếm bắt đầu từ đầu năm 1999.
Ban đầu, công ty này cho một đội thăm dò và khai thác đến hạ trại tại một vùng núi hoang vu ít người sinh sống, gần chiến lũy Santiago. Thậm chí, đội thăm dò này còn được hộ tống và bảo vệ bởi hàng trăm cảnh sát vũ trang càng khiến những người vốn am hiểu về sự việc từ trước đó không khỏi tò mò và lập tức phong tỏa hiện trường.
Ngày 22/2, vì có sự kiện 2 công nhân người Philippines bị sập hầm chết trong một hang núi nên dư luận mới biết tới hoạt động này một cách rộng rãi. Sau khi tin tức được lan truyền, một số công ty quốc tế, nhà thám hiểm và các nhà buôn Philippines đã tự tổ chức ra các công ty, các đội đào kho báu giương cờ gióng trống hầu như tất cả các đảo lớn nhỏ và mọi núi hoang và hang dộng để đào bới. Đất đào sâu 3m, quả là đã lật tung cả quần đảo lên.
Lại có nhiều người Mỹ lũ lượt đầu tư vào Công ty quốc tế về kim loại quý hiếm, ý đồ đặt cọc vào đó để được chia phần khi tìm thấy vàng. Thế nhưng, dù cho việc đào bới kéo dài hết đợt này đến đợt khác vẫn không thu được kết quả gì làm cho các nhà đầu tư thất vọng lớn.
Tuy mọi người có ý kiến khác nhau về “Kho báu hổ Malaya”, nhưng từ đó đến nay đã có hơn 80 đoàn, kể cả của chính phủ từng đi tìm kho báu này. Nhưng không biết do kém may mắn, hay căn bản không có kho báu này nên cho đến nay vẫn không có ai trở thành Alibaba của Philippines. Bí mật về “Kho báu hổ Malaya” đến nay vẫn chưa có ai mở được.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên được ghi chép lại trong nhật ký của sĩ quan Nhật Bản bị thương tại Philippines được Hải quân Mỹ thu được. Đó là sau trận Midway, về cơ bản, Hải quân Nhật Bản với lối đánh cảm tử đã bị quân đội Mỹ đánh cho kiệt quệ, mất hết tàu sân bay và phải co cụm tại các quần đảo cố thủ. Sau trận đánh này, một đoàn tàu khoảng 17 chiếc chở đa số là thương binh được quân đội Mỹ cho phép đi qua vùng biển Philippines. Có giả thuyết cho rằng, rất có thể Phụng Văn đã giấu vàng trong những tàu vận tải này để “tuồn” vàng cướp được đem về nước.
Tuy nhiên, nếu có như vậy thì đoàn tàu này đã không may mắn khi gặp phải một cơn bão khi vừa qua vùng biển Luzon, vốn là tâm bão của vùng biển Đông Nam Á. Tất cả thủy thủ đoàn và 17 chiếc tàu đã bị đắm chìm sâu vào lòng đại dương. Vậy có thể số vàng nói trên trong kho báu của Phụng Văn đã mãi mãi biến mất.
Nhà nghiên cứu người Hà Lan, H.Socenrer cho rằng, nhiều năm nghiên cứu về khu vực này, ông chưa bao giờ tin rằng Phụng Văn có thể đem hết số vàng đã cướp được chất lên 17 con tàu vận tải hạng nhẹ. Socenrer quả quyết: “Số vàng đó vẫn nằm đâu đó trong phạm vi mà quân đoàn do Phụng Văn chỉ huy khi đó và cũng có thể, Marcos đã tìm được một phần manh mối, thậm chí một phần của cải đó chứ không phải là tất cả”.
Vậy nên những hoài nghi, những cuộc tìm kiếm về “kho báu hổ Malaya” hay “kho báu Phụng Văn” vẫn là một đề tài nóng hổi tại Philippines, nơi những giấc mộng về kho báu để đổi đời, thành Alibaba vẫn đang tiếp diễn.