''Kho báu'' ở Tà Hine
Không phải vàng, cũng chẳng phải đất đai, 'kho báu' của Tà Hine chính là những con người chân thật. Hàng chục năm qua họ vẫn miệt mài giữ gìn văn hóa truyền thống của người Chu Ru trên mảnh đất này.
Xã Tà Hine, huyện Đức Trọng còn là mảnh đất khó khăn của vùng Loan nói riêng và huyện Đức Trọng nói chung. Nhưng người dân nơi đây luôn tự hào bởi họ “giàu” truyền thống văn hóa.
Người đàn bà có vòng eo nhỏ
Căn nhà gỗ nhỏ của bà Ma Lim (56 tuổi) ở thôn Tà Hine - thôn trung tâm của xã là nơi mà những nữ tú của mảnh đất này tìm về mỗi khi buôn làng có lễ hội. Mẹ của bà Ma Lim vốn nổi tiếng là người múa đẹp. Bà múa nhiều và dẻo đến mức dù đã sinh nhiều người con song vẫn “thắt đáy lưng ong”. Người già ở Tà Hine bảo rằng máu của Ma Lim giống mẹ nên ngay từ nhỏ cô bé này đã có năng khiếu múa. Đó cũng chính là sở thích của Ma Lim. Cô gái nhỏ năm ấy được mẹ truyền dạy, đến 15 tuổi đã trở thành nữ múa chính trong các lễ hội.
Năm 1979, tại cánh đồng của buôn làng, sau khi gặt lúa xong, trong dòng họ và gia đình tổ chức cúng lúa mới, có cả nghi thức đâm trâu truyền thống, đó là lần đầu tiên Ma Lim được cùng mẹ Ma Tuyên, bác Ma Nghe và các cô, chị múa điệu múa mừng lúa mới. Lễ cúng mừng lúa mới ngày ấy kéo dài 3 ngày, 2 đêm, đó cũng là thời điểm Ma Lim được thể hiện mình trong những điệu múa, được xoay, nhún lưng, bước chân trong âm vang tuyệt vời của tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống. Cũng từ lễ hội ấy, bà con trong buôn làng đã bảo rằng “Ma Lim bây giờ múa dẻo nhất buôn làng rồi”. Và từ đó Ma Lim luôn là cái tên không thể thiếu trong các lễ hội ở trong và ngoài buôn làng.
Những điệu múa truyền thống của người Chu Ru khá phức tạp, cần uốn lưng nhiều. Trai làng thời ấy đã rỉ tai nhau nỗi lo lắng rằng vòng eo nhỏ của cô gái xinh đẹp, múa dẻo sẽ gãy mất. Từng là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà Ma Lim cũng phụ trách đội văn nghệ xã. Đây chính là cái nôi gìn giữ những điệu múa truyền thống của người Chu Ru, để rồi mỗi lễ hội, những người phụ nữ Chu Ru lại say mê vẩy tay, bước chân, nhún lưng, xoay mình… mềm dẻo, hòa quyện trong tiếng cồng chiêng.
Từ đó những người phụ nữ vốn quanh năm tất bật với cuộc mưu sinh ở mảnh đất này đã tự tin bước lên các sân khấu lớn, nhỏ trong và ngoài buôn làng.
Đã có khoảng 60 cô gái ở mảnh đất này được bà Ma Lim truyền dạy các điệu múa. Nay Lúy là học trò xuất sắc nhất trong số đó, song người Tà Hine vẫn bảo rằng “con bé sẽ còn phải học nhiều lắm mới dẻo được như Ma Lim”.
Với người Tà Hine và với cả tôi, bà Ma Lim có lẽ đẹp nhất trong bộ trang phục truyền thống. Người đàn bà đã đi qua nhiều nhọc nhằn của cuộc đời như rạng ngời hơn trong bộ trang phục ấy. Và chỉ cần tiếng chiêng vang lên, tay chân và cả cơ thể bà tự động nhún theo. Với Ma Lim, múa là lúc bà quên hết mệt mỏi để được sống lại tuổi thơ, sống trong những ký ức về mẹ và cả những tháng ngày thanh xuân là cô gái múa dẻo, múa đẹp nổi tiếng khắp vùng mà bao người đàn ông thầm thương trộm nhớ. Và cho đến tận lúc này đây, tình yêu với múa nói riêng và với truyền thống dân tộc Chu Ru chưa bao giờ vơi đi trong người đàn bà ấy.
Những “cây đại thụ” về cồng chiêng
Dòng máu nghệ thuật trong bà Ma Tuyên không chỉ chảy trong người con gái Ma Lim mà trong cả người con trai Ya Đồng. Nếu như em gái Ma Lim đam mê múa thì anh trai Ya Đồng từ nhỏ đã đặt hết tình yêu vào tiếng cồng chiêng. Chảy trong Ya Đồng còn có cả niềm đam mê cồng chiêng của cha. Ya Đồng đã học từ cha cách đánh đồng la, đánh chiêng, đánh trống... Học nhanh, biết nhiều và rồi cũng chính trong lễ hội mừng lúa mới mà mẹ truyền điệu múa cho em gái Ma Lim, cha Ya Sai, các bác Ya Ơ, Ya Hưng, Ya Senh đã chính thức truyền lại việc đánh cồng chiêng cho Ya Đồng. Ya Đồng lúc ấy vừa tròn 23 tuổi và chính thức được tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội. Những năm tháng sau này, khi cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, là người anh trai trong gia đình, Ya Đồng học cha cách đan gùi, đan rổ, cùng những người đàn ông trong buôn làng đi rừng, xuống suối bắt cá tìm thức ăn. Nhưng dù vậy chàng trai trẻ ngày ấy chưa bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào được đánh chiêng, đánh trống, thổi kèn. Tà Hine ngày ấy được bao quanh bốn bề rừng núi, nhưng tiếng cồng chiêng của những người trẻ như Ya Đồng như luồn trong lá rừng để gắn kết những buôn làng với nhau. Suốt từ năm 1979 đến nay, ở vùng này, chưa một lần vắng tiếng chiêng của Ya Đồng trong các lễ hội. Ngoài cồng chiêng, Ya Đồng còn đam mê việc thổi kèn bầu. Giờ đây, khi chàng trai Ya Đồng năm nào đã bước qua tuổi 64, không còn đủ sức để luồn rừng, lội suối, ông cùng con cháu chăm lo sản xuất trên mảnh đất của gia đình và dạy những thanh niên trẻ trong buôn làng biết để gắn bó với cồng chiêng.
Cũng như Ya Đồng, mảnh đất Tà Hine này còn có Ya Ba. Họ không chỉ cùng lớn lên, cùng đam mê cồng chiêng mà còn là những thành viên không thể thiếu trong các lễ hội, các bài biểu diễn cồng chiêng ở nơi này. Ya Ba và Ya Đồng là những tài sản quý báu của Tà Hine ngày đó và cả bây giờ. Ngoài cồng chiêng, ông Ya Ba còn nổi tiếng khắp vùng với khả năng đan lát và thổi kèn bầu. Đa phần những chiếc gùi đẹp ở vùng Tà Hine này đều được tạo ra từ đôi bàn tay của Ya Ba. Hai “cây cổ thụ” Ya Đồng và Ya Ba bảo rằng “đánh chiêng, đánh cồng đã khó, đánh sao để nó hòa quyện với tiếng trống, tiếng kèn bầu mới càng khó hơn. Để làm được điều đó, ngoài kỹ thuật có thể học còn cần niềm đam mê và cả tình yêu. Chính điều đó sẽ tạo nên những dáng hình, những giọng điệu chiêng khác nhau”. Bao năm qua họ vẫn miệt mài truyền dạy bằng tất cả tấm lòng với hy vọng đó là nền tảng cơ bản để những người trẻ sẽ tạo nên những âm điệu chiêng riêng biệt. Ngoài truyền dạy, hai người đàn ông này còn có khả năng chỉnh chiêng. Với họ, “chiêng hỏng cũng như người thân trong gia đình đau ốm, cần phải có một bác sĩ “chữa bệnh” cho cồng chiêng. Chiêng có khỏe thì tiếng chiêng mới có thể hay được. Tiếng chiêng khỏe, hay cũng là một đặc trưng của đại ngàn, của các buôn làng khỏe mạnh ở Tây Nguyên”.
Có lẽ Tà Hine là mảnh đất đặc biệt ở Đức Trọng. Bởi nơi đây quy tụ nhiều “cây đại thụ” trong văn hóa dân gian. Tà Hine cũng là nơi mà huyện Đức Trọng luôn tự tin để đưa những nghệ nhân ở mảnh đất này tham gia các lễ hội cồng chiêng. Ông Thiên Tiong - một người già ở mảnh đất này bảo rằng: “Vùng đất Tà Hine này còn đậm đặc những tâm niệm của người dân tộc Chu Ru trong việc thờ đa thần. Tất cả các việc lớn trong đời sống bà con như thu hoạch mùa màng, dựng nhà cửa, đám cưới, đám ma... đều phải cúng cho nên các điệu múa, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng cồng chiêng luôn hiện hữu, nên những nét đặc trưng này vẫn đậm đà và được giữ gìn trên mảnh đất Tà Hine”.
Nhiều lớp truyền dạy được mở, số lượng được truyền dạy đã lên đến hàng chục người, nhưng điều đó chưa thể làm ba “cây cổ thụ” hiện đang làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Lâm Đồng trên mảnh đất TàHine này an tâm rằng tài sản quý giá đó sẽ được phát huy bền vững trong tương lai.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202010/kho-bau-o-ta-hine-3027977/