Khó bố trí cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021'.
Sau sắp xếp, tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng
Trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết: Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của đơn vị hành chính (ĐVHC) để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.
Từ kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chúng ta đã đạt được mục tiêu tinh gọn, sau khi sắp xếp. Đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, giảm được gần 450 cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện và 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và giảm được 12% biên chế công chức cấp huyện, giảm được 32,6% biên chế công chức của cấp xã, và giảm được 56,4 số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, giảm được chi ngân sách nhà nước khoảng trên 2.000 tỷ đồng.
Theo bà Trà, sau sắp xếp thì bất cập, vướng mắc lớn nhất là giải bài toán bố trí sắp xếp giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Đây là một việc tới đây sẽ phải tập trung rất cao vào các nhóm giải pháp để tập trung tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 vừa qua một cách rất kịp thời, khẩn trương và cũng tạo động lực, bởi sắp xếp tốt chỗ này sẽ tạo động lực để thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn tới.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói: “Chúng ta phải quan tâm đến đội ngũ cán bộ ở cấp xã cũng như cấp thôn, tổ dân phố. Tinh giản, không bố trí lại và không sắp xếp lại nếu không cẩn thận trong quá trình thực hiện nó có thể ảnh hưởng đến cán bộ”.
Xem xét sửa chính sách tinh giản biên chế
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, sau sắp xếp so với mục tiêu thì chúng ta có đạt được không? Kể cả về định tính, định lượng. Mục tiêu để tinh gọn biên chế, tinh gọn bộ máy thì tinh gọn được thế nào? Tinh giản biên chế thì được bao nhiêu? Vì sao đến nay vẫn tồn đọng nhiều?
Dẫn số liệu đến năm 2021 còn hơn 3.000 cán bộ cấp xã chưa giải quyết xong, và còn mấy trăm biên chế của cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Kinh phí tiết kiệm được bao nhiêu? Sắp xếp mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước và cuối cùng là phục vụ dân làm sao.
Đến nay người dân đánh giá về việc này như thế nào, nhất là những tỉnh, những huyện miền núi, biên giới, hải đảo. Sáp nhập nhưng việc phục vụ người dân như thế nào, cung cấp dịch vụ công cho người dân như y tế, giáo dục, các thiết chế khác như thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, cần lưu ý công tác cán bộ sau sắp xếp, có tính toán đến đặc thù của địa bàn, địa phương. “Có những đơn vị rất lớn như Thanh Hóa, Nghệ An số lượng cấp phó giống hệt như tất cả các tỉnh, thành khác, trong khi diện tích thì rất lớn, đơn vị hành chính nhiều, số dân đông, thiếu cán bộ đi cơ sở. Sau khi sáp nhập số lượng hộ dân tăng lên, địa bàn lớn hơn nhưng chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, đi cơ sở thấy cán bộ cơ sở phản ánh cán bộ không chuyên trách thì chế độ, chính sách không được tăng lên. Chúng ta thu hẹp số lượng lại để có điều kiện bố trí tăng chế độ, chính sách lên nhưng hiện nay địa bàn rộng hơn, số dân đông hơn họ phải làm nhiệm vụ nhiều hơn nhưng chế độ, chính sách thì giữ nguyên, thậm chí có những nơi tính ra là giảm đi. Làm gì thì làm cũng phải tính đến nâng cao hiệu quả, hiệu lực” - ông Vinh nói.
Giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đợt này chúng ta làm tổng thể rất nhiều việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ và hiệu lực, hiệu quả. Cho nên, chỗ tinh giản biên chế đối với cấp huyện còn 415 người, tức là còn khoảng gần 60%; cấp xã đã giải quyết được gần 70% được trong vòng 1 năm.
Để giải quyết dứt điểm, ông Thăng cho biết, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét sửa lại Nghị định 108, tức là sửa chính sách tinh giản biên chế. Vừa rồi đã sửa rồi, sửa bằng Nghị định 113, Nghị định 143 về chính sách tinh giản biên chế để làm sao có thể đưa ra một chính sách cho thỏa đáng, khuyến khích anh em và giải quyết cho đảm bảo quyền lợi của cán bộ dôi dư.
Sáng 12/9, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 15 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp dự kiến diễn ra trong khoảng 4 ngày, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính. Một là các nội dung UBTVQH xem xét, chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Hai là các vấn đề UBTVQH xem xét quyết định theo thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn bao trùm từ Trung ương cho đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH bám sát các mục tiêu, các định hướng lớn và nội dung lớn trong Đề cương giám sát để cho ý kiến toàn diện cả về Báo cáo, dự thảo Nghị quyết, những vấn đề quan trọng cần phải có Nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện và làm căn cứ tạo ra một bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.