Khó cán đích thời gian sản xuất thương mại dự kiến do vướng các quy định trong luật
Từng là dự án kỳ vọng đóng góp nghìn tỷ cho ngân sách nhà nước tại tỉnh Thái Bình và có ý nghĩa lớn trong cấp điện cho cả nước, nhưng do nhiều vướng mắc, cuối năm 2021 dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới vận hành chạy thử. Tuy nhiên, để có thể đưa vào sản xuất thương mại trong năm 2023 thì vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Ghi nhận tại buổi làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 -2021 tại tỉnh Thái Bình.
Thách thức hiện nay của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là hệ thống thiết bị để quá lâu mới lắp đặt vận hành, dự án sẽ xuống cấp nếu không nhanh chóng duy tu, bảo dưỡng. Nhiều chuyên gia đề xuất cần có một cơ chế đặc biệt để đại tu dự án.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dù đã chạy thử nghiệm với sản lượng điện hơn 1 tỷ kWh với doanh thu bán điện hơn 938 tỷ đồng nhưng để phát điện thương mại 2 tổ máy vào tháng 5/2023 như dự kiến thì vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến cấp giấy phép về môi trường, nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy, hợp đồng bán điện với EVN... Tổ công tác đề nghị báo cáo cần chỉ rõ, không nói chung chung.
Thái Bình là địa phương đầu tiên được khảo sát nhưng Tổ công tác cũng chỉ rõ những hạn chế trong việc làm báo cáo thực hiện pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh. Với 7 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ liên quan đến ban hành pháp luật về tái tạo năng lượng lượng, sửa đổi bổ sung Luật Điện lực, các cơ chế chính sách thu hút đầu tư về năng lượng hay tháo gỡ các khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công trình điện thì Tổ công tác cũng đề nghị, báo cáo của Thái Bình cần làm rõ những hạn chế vướng mắc do luật hay do thực tiễn phát sinh tại địa phương, cho ví dụ cụ thể để Đoàn giám sát làm căn cứ tổng hợp, kiến nghị.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Bích Hạnh - Tùng Dương