Khó cảnh báo thiệt hại xe trước rủi ro bão lũ
Việc cảnh báo thiệt hại cho khách hàng trước các sự kiện thiên tai, bão lũ… nhằm giảm thiểu tổn thất về lý thuyết tưởng đơn giản, nhưng khó triển khai trên thực tế vì nhiều nguyên nhân.
Theo thống kê sơ bộ của các công ty bảo hiểm, đã có hơn 1.000 xe ô tô được ghi nhận thiệt hại sau đợt mưa lũ mới đây tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, số tiền bồi thường ước tính sơ bộ lên tới vài chục tỷ đồng và con số này sẽ còn tăng lên khi có thống kê đầy đủ số lượng xe thiệt hại.
Thiệt hại do rủi ro thiên tai ngày càng tăng đã được các hãng tái bảo hiểm liên tục cảnh báo. Theo các nhà tái bảo hiểm, dấu hiệu của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn trong từng sự kiện thiên tai, cũng như xu hướng về nhiệt độ và lượng mưa trong nửa đầu năm 2022. Nhiệt độ ấm hơn mức trung bình ở phạm vi rộng trên toàn cầu đã được viện dẫn để chứng minh cho các hình thái thời tiết bất thường hơn do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina diễn ra trong suốt gần 3 năm qua.
Đưa ra dự báo trong nửa cuối năm 2022, hãng bảo hiểm Aon nhấn mạnh, quý III/2022 thường là quý xảy ra nhiều tổn thất nhất trong năm. Còn các nhà dự báo thời tiết cho hay, mức độ hoạt động của các cơn bão sẽ cao hơn so với mức trung bình trong mùa bão ở khu vực Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, quý IV/2022 cũng có khả năng sẽ gây tốn kém cho ngành bảo hiểm.
Trước sự biến đổi bất thường về thời tiết và những thiệt hại nặng nề có thể xảy ra, một số chuyên gia cho rằng, các công ty bảo hiểm cần có các giải pháp để tư vấn rủi ro thiên tai để gia tăng mức độ bảo vệ khách hàng khi đã nhận được những bản tin dự báo thời tiết..., việc này mang lại lợi ích rất lớn cho cả khách hàng lẫn công ty bảo hiểm.
Trên thực tế, một chiếc xe ô tô tiền tỷ nếu bị ngập nước sẽ mất giá trị hàng trăm triệu đồng. Theo đó, chỉ riêng con số thiệt hại đối với lượng xe bị ngập nước tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung khi có thống kê đầy đủ được dự báo có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chính vì thế, việc trả tiền cho quản lý rủi ro thiên tai trong ngành bảo hiểm là điều cần tính đến.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, việc này đã được nhiều công ty bảo hiểm triển khai đối với các khách hàng là doanh nghiệp, nhưng sẽ khó thực hiện đối với các khách hàng cá nhân, bởi có một thực tế là lực lượng chuyên gia định phí vốn rất cần thiết đối với các doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang rất thiếu, nên việc phát triển thêm bộ phận chuyên tư vấn rủi ro khó khả thi.
Hơn nữa, việc đào tạo hay tuyển dụng một chuyên gia tư vấn rủi ro cũng không hề dễ dàng vì đặc điểm rủi ro của từng nhóm nghiệp vụ là khác nhau. Chưa kể, khi chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm, ý thức đề phòng rủi ro của người dân về chưa thực cao, cho dù đã được các chuyên gia tư vấn, cảnh báo.
Tính toán, quản lý và cảnh báo rủi ro luôn là bài toán làm đau đầu các công ty bảo hiểm, đặc biệt trong câu chuyện bồi thường bảo hiểm xe cơ giới. Theo các chuyên gia trong ngành, để quản lý hiệu quả phí bảo hiểm theo mức độ rủi ro, các công ty bảo hiểm cần có một kho dữ liệu về bồi thường, song đến nay, cơ sở dữ liệu này vẫn chưa hoàn thiện. Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thiếu dữ liệu về bồi thường bảo hiểm, việc xây dựng hệ thống dữ liệu còn manh mún, thiếu đồng bộ, chủ yếu theo hướng “mạnh ai nấy làm”.
Thực tế, phí bảo hiểm xe phụ thuộc vào rủi ro, mà số liệu rủi ro lại phụ thuộc vào dữ liệu lịch sử bồi thường. Khi cơ sở dữ liệu này chưa hoàn chỉnh và đầy đủ, các khách hàng có lịch sử bồi thường nhiều vẫn trong tình trạng chuyển từ công ty này sang công ty khác để được hưởng phí chuẩn. Điều này đương nhiên sẽ tạo ra sự thiếu công bằng với những khách hàng có lịch sử bồi thường tốt. Hiện tại, các công ty bảo hiểm vẫn đang nỗ lực để cùng nhau hoàn thiện hệ thống dữ liệu này.