Khó chống bạo lực gia đình nếu cứ 'đèn nhà ai nhà nấy rạng'
Số liệu điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục, trong đó 90% không dám hoặc không muốn nhờ can thiệp giúp đỡ.
Dẫn số liệu trong báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) tại thảo luận tổ liên quan đến Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, chiều 31/5 cho rằng, mô hình trong xã hội Việt Nam cũng như mối quan hệ từng gia đình có thay đổi rất lớn, hiện đã có thêm nhiều hành vi bạo lực rất đa dạng, hình thức tinh vi, phức tạp với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, càng lúc càng khó xử lý.
Có sự việc rất nghiêm trọng nhưng thời gian xử lý lâu, mức phạt chưa thỏa đáng.
Ở cơ sở, trước đây có nhiều vụ bạo hành gia đình khá nghiêm trọng, nhưng cứ đưa về xã tổ chức hòa giải thì không bảo vệ được người bị bạo hành, luẩn quẩn như vậy, gây ra hành vi bạo lực tiếp diễn, ảnh hưởng đời sống, tâm lý không chỉ gia đình đó mà lan ra cả xã hội.
Nêu ra số liệu trong báo cáo của Chính phủ, ĐB bày tỏ thực trạng đáng báo động, lo ngại, cần lưu tâm; nhất là khi bạo lực gia đình ở Việt Nam đang tăng lên so với năm 2009, làm thiệt hại 1,8% GDP của đất nước.
ĐB Sinh nhận định: Vấn nạn này hiện có xu hướng trầm trọng. Những vụ việc gần đây như cha mẹ mâu thuẫn thì tự tử, rồi ẵm con theo, rất tội nghiệp; những hành vi cha mẹ ruột vì đứt gánh giữa đường, kết nối với người khác, cha ghẻ, mẹ ghẻ… có những hành vi đánh đập, dẫn đến con cái tử vong rất nghiêm trọng.
“Luật 2007 hiện nay không còn phù hợp, tôi thống nhất phải sửa đổi và thấy rằng, cần bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình, ví dụ như hành vi bạo lực tinh thần. Đề nghị bổ sung quy định người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, chứ không có lý gì mà người bị bạo hành lại phải ra khỏi nhà”, ĐB nói.
Cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần nhận diện rõ hơn về các hình thức bạo lực; bởi, bạo lực về thể xác, bạo lực về kinh tế thì nhận diện được ngay, nhưng bạo lực về tinh thần không hề đơn giản để nhận ra được.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề cập đến khó khăn khi sửa đổi quy định pháp luật: “Chúng ta nói nhiều về bạo lực tình dục, nhưng đây là vấn đề tế nhị, ít được đề cập đến, khó nói được hết những gì cần phải nói. Bây giờ khó như vậy thì dựa vào gì là chính, cơ quan soạn thảo đã bắt đầu từ Hiến pháp 2013 đó là quyền con người. Với nhận diện như vậy, chúng tôi lựa chọn 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình".
Ông cũng đề nghị các ĐBQH từ góc độ thực tiễn có thể đóng góp thêm để nhận diện rõ hơn hành vi bạo lực gia đinh; nhất là góc độ bạo lực tinh thần.
Bộ trưởng cũng bày tỏ, dự luật sửa đổi đang cố gắng hướng vào đối tượng yếu thế, bây giờ là người già, trẻ em, đồng bào dân tộc và tính đến trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của con người.
"Nếu như cứ “đèn nhà ai nhà nấy rạng” thì không thể phòng chống được bạo lực gia đình”.