Vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) vốn được ví là "Nghĩa địa tàu cổ". Sau khi khảo sát trong phạm vi 10 km2 ở eo biển Vũng Tàu, xã Bình Châu, các chuyên gia đã phát hiện dấu tích 10 tàu cổ đắm. Trong đó, hai con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn có niên đại khác nhau từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18 nằm gần bờ.
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cho hay lần đầu tiên ở châu Á, một con tàu cổ được phát hiện còn nguyên vẹn cụm bánh lái. "Con tàu cổ này là tư liệu sinh động cho các nhà nghiên cứu lịch sử đóng tàu, giao lưu thương mại thế giới. "Nó bị chìm ở vùng biển này chứng tỏ năm xưa nơi đây là điểm giao thương sầm uất, giữ vai trò thương mại quan trọng của khu vực châu Á", vị chuyên gia nói.
Phác thảo con tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu được khai quật tháng 5/2013. Cơ quan chức năng đóng cọc cừ larsen làm đê vây, hút thổi cát khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ, thu về gần 270 thùng với hàng nghìn cổ vật quý. Lộ diện trên nền cát đáy biển là con tàu gỗ gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 700 năm đắm ở vùng biển nơi đây.
Đĩa gốm men ngọc có chạm nổi hình rồng trong lòng đĩa là một trong những cổ vật được phát hiện trong tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu. Kết quả đợt khai quật, các chuyên gia thu được hơn 5.000 cổ vật, trong đó có 42 độc bản quý hiếm.
Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, các chuyên gia, nhà khoa học đã chung tay phục dựng nguyên trạng "kho cổ vật" 700 năm tuổi trong tàu đắm Bình Châu tại Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi. Trung tâm này (màu vàng) được xây bằng gạch mang phong cách văn hóa ChămPa.
Ngày 15/1, Trung tâm mở cửa khai trương giới thiệu đến du khách về "kho cổ vật" trong con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu. Bà Đoàn Vũ Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi, cho hay các chuyên gia sắp xếp hơn 3.000 cổ vật gồm các loại dĩa, bát, lọ gốm bên trong tàu chìm như lúc chưa khai quật ở vùng biển Bình Châu.
Cổ vật được xếp theo từng khoang, từng chủng loại gốm men nâu hay men ngọc.
Quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích lớp rơm rạ và cát biển giữa lớp bát, đĩa gốm trong con tàu chìm ở vùng biển Bình Châu nhằm tránh va chạm gây vỡ trong lúc vận chuyển. Đây là "chìa khóa" giải mã bí ẩn vì sao cổ vật trong con tàu chìm trải qua hàng trăm năm dưới đáy biển vẫn còn nguyên vẹn.
Gốm sứ bị nung chảy dính chặt vào nhau bên trong tàu cổ đắm cũng được phục dựng nguyên trạng. Các chuyên gia nhận định một số tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu đều có vết tích cháy đen do hỏa hoạn gây ra. Có thể do các thủy thủ sơ ý hoặc do bị cướp biển tấn công.
Không chỉ có gốm sứ, các chuyên gia khai quật còn phát hiện nhiều tiền cổ ở các niên đại khác nhau.
Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi còn trưng bày một số hiện vật, hình ảnh về hành trình khai quật tàu đắm ở vùng biển Bình Châu, "con đường gốm sứ trên biển" với bộ sưu tập của 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế nhân dịp Tết Canh Tý năm 2020.
Vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi), nơi các chuyên gia phát hiện nhiều con tàu cổ đắm. Ảnh: Google Maps.
Minh Hoàng