Kho đạn Mỹ cạn dần vì viện trợ Ukraine
Mỹ được dự báo sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine do nước này không thể sản xuất đủ một số loại đạn dược để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của quốc gia Đông Âu.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại quốc gia Đông Âu này vào hôm 24/2 với số lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự viện trợ trị giá lên tới 16,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Mark Cancian tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), kho dự trữ vũ khí của Mỹ đang tiệm cận mức nguy hiểm do nước này còn phải dự phòng đạn dược để huấn luyện và bảo vệ đất nước. Việc lấp đầy các kho vũ khí trên có thể mất nhiều năm.
Theo một quan chức quốc phòng, qua tình hình chiến sự tại Ukraine, Mỹ đã học được rằng khối lượng vũ khí cần thiết để duy trì chiến sự trên quy mô lớn vượt xa so với những ước tính trước đó của nước này.
Các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ đã phải giảm đáng kể quy mô sản xuất trong những năm 1990 do ngân sách quốc phòng của nước này bị cắt giảm mạnh sau sự tan rã của Liên Xô.
Hiện tại, chính phủ Mỹ phải thuyết phục các công ty trên mở lại những dây chuyền sản xuất đã bị đóng cửa nhiều năm nay, đồng thời khôi phục hoạt động sản xuất một số loại vũ khí như tên lửa phòng không Stinger - vốn đã dừng sản xuất từ năm 2020.
Một số vũ khí do Mỹ viện trợ như tên lửa chống tăng Javelin đã trở thành biểu tượng cho chiến sự Ukraine sau khi vũ khí này chứng minh hiệu quả trong trận đánh bảo vệ Kyiv. Một sản phẩm khác có thể được nhắc tới là hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), loại vũ khí đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch phản công gần đây của Ukraine.
"Không còn giải pháp thay thế"
Nhưng các kho dự trữ đạn cho hệ thống HIMARS của Mỹ - bao gồm đạn tên lửa được dẫn đường bằng GPS với tầm bắn lên tới 80 km, được gọi là GMLRS - đang nhanh chóng cạn kiệt.
"Nếu Mỹ gửi 1/3 số lượng tên lửa HIMARS còn lại trong kho vũ khí của nước này, giống như trường hợp của tên lửa Javelin và Stinger, Ukraine sẽ nhận được khoảng 8.000 đến 10.000 quả tên lửa. Số lượng trên đủ để sử dụng trong một vài tháng. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không còn giải pháp thay thế nếu các kho dự trữ trên cạn kiệt", ông Cancian, người từng làm việc cho chương trình mua sắm vũ khí của chính phủ Mỹ, cho biết.
"Công suất sản xuất đạn dược cho hệ thống HIMARS là 5.000 tên lửa mỗi năm. Tuychính phủ Mỹ đã làm việc với các doanh nghiệp quốc phòng để tăng công suất và phân bổ thêm ngân sách cho việc này,quá trình trên sẽ mất nhiều năm để hoàn thành", ông Cancian nhận định.
Chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 8.500 tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine. Tuy nhiên, công suất sản xuất của loại vũ khí này chỉ là 1.000 quả tên lửa mỗi năm.
Tuy chính phủ Mỹ đã đặt hàng số lượng tên lửa Javelin mới có trị giá 350 triệu USD vào tháng 5, kho dự trữ loại tên lửa trên cũng sẽ phải mất nhiều năm mới được lấp đầy.
Không dừng việc hỗ trợ vũ khí
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, nước này đã cung cấp hơn 800.000 viên đạn pháo loại 155 mm cho Ukraine, chiếm 3/4 số lượng đạn pháo loại này được các quốc gia phương Tây cung cấp kể từ khi xung đột nổ ra.
"Số lượng đạn pháo Mỹ cung cấp nhiều khả năng đã đạt đến giới hạn do nước này còn phải đảm bảo nhu cầu về an ninh quốc phòng", ông Cancian cho biết.
Mỹ hiện sản xuất khoảng 14.000 viên đạn pháo 155 mm mỗi tháng, nhưng Lầu Năm Góc cho biết sẽ nâng con số này lên mức 36.000 viên/mỗi tháng trong năm nay. Việc nâng công suất sẽ tăng số lượng đạn pháo 155 mm mà Mỹ sản xuất lên 432.000 viên mỗi năm, chỉ hơn một nửa so với số lượng đạn dược đã được nước này chuyển cho Ukraine.
Theo giáo sư Dave Des Roches, giảng viên thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, các lực lượng Ukraine nếu không còn đủ đạn dược cho pháo 155 mm sẽ phải chuyển sang sử dụng các hệ thống pháo với cỡ nòng 105 mm với tầm bắn thấp hơn.
"Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Vì chiến sự Ukraine về cơ bản là một cuộc đấu pháo và lợi thế về tầm bắn là rất quan trọng", ông Des Roches nhận định
Vào hôm 4/10, bà Laura Cooper, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ khẳng định quá trình sản xuất sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.
"Mỹ sẽ tiếp tục đứng cùng người dân Ukraine và cung cấp cho nước này những sự hỗ trợ an ninh quốc phòng cần thiết để tự vệ dù xung đột có kéo dài bao lâu đi chăng nữa", bà Cooper khẳng định.
Nga đẩy mạnh tấn công vũ khí do phương Tây viện trợ
Bên cạnh việc bị cạn kiệt nhanh chóng do tần suất sử dụng lớn của quân đội Ukraine, vũ khí và đạn dược do Mỹ và các nước phương Tây viện trợ cũng là những mục tiêu hàng đầu mà lực lượng của Nga nhắm tới.
Hôm 4/10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết nước này đã phá hủy 5 nhà kho chứa vũ khí và đạn dược tại các khu vực Torskoye, Malinovka và Zhelannoye thuộc vùng Donetsk.
Ngoài ra, các lực lượng Nga cũng đã phá hủy một kho vũ khí và một xưởng sửa chữa máy bay tại thành phố Zaporozhye, phá hủy 15 tấn đạn dược, bao gồm các loại tên lửa của hệ thống HIMARS, đồng thời phá hủy 2 trực thăng Mi-24 của Không quân Ukraine, TASS đưa tin
Kể từ khi xung đột bùng phát, các lực lượng vũ trang Nga đã tấn công nhiều cơ sở lưu trữ vũ khí và đạn dược của Ukraine, gây thiệt hại đáng kể cho quân đội nước này, đồng thời đặt gánh nặng lên các quốc gia phương Tây phải viện trợ để bù đắp cho những tổn thất trên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-dan-my-can-dan-vi-vien-tro-ukraine-post1363268.html