Khó đến mấy cũng quyết tâm làm
Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ tiến hành xử lý toàn bộ rác đã chôn trước đây ở bãi rác Nam Sơn nhằm biến nơi đây thành công viên.
Chủ tịch UBND TP cam kết với cử tri: "Khó đến mấy chúng ta cũng phải làm". Đây quả thực là tin vui không chỉ với người dân trong khu vực mà với cả người dân Thủ đô.
Thực ra mô hình biến bãi rác thành công viên không phải là mô hình hay cách làm mới mà nhiều địa phương trên cả nước đã làm, thậm chí Hà Nội cũng đã triển khai nhưng ở quy mô nhỏ như xóa các điểm chân rác tại các phường thành khu chech-in trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hoặc Hai Bà Trưng, lâu hơn nữa là khu vực hồ Thành Công những năm 1973, 1974 là một bãi rác khổng lồ nhưng đến năm 1997 xung quan hồ đã được cải tạo thành công viên.
Đành rằng không mới nhưng vẫn không thể không vui, khi rác thải là vấn đề lớn mà chính quyền TP luôn đau đáu, trăn trở. Mỗi ngày, chỉ riêng rác thải sinh hoạt cần phải thu gom, xử lý của TP đã lên tới khoảng 7.000 tấn. Việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt rất lớn này hiện chủ yếu được thu gom về bãi rác Nam Sơn. Đáng nói, phương thức xử lý lại lạc hậu, chỉ chôn lấp. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nhất là mỗi khi thời tiết cực đoan như mưa lớn hay nắng nóng gay gắt… ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân quanh khu vực.
Chính vì thế, thông tin về chủ trương của TP sẽ biến bãi rác khổng lồ Nam Sơn thành công viên lớn đã khơi dậy một niềm hy vọng cháy bỏng về môi trường sống trong lành cho Nhân dân sở tại.
Tuy nhiên, với một bãi rác khổng lồ Nam Sơn thì việc cải tạo thành công viên không phải dễ dàng, vì không chỉ cần vật lực (kinh phí, công nghệ) mà còn cần cả trí lực (ý chí, quyết tâm, lựa chọn giải pháp bền vững). Nếu chính quyền TP không có những quyết sách đúng, phù hợp sẽ rất dễ dẫn đến giải pháp thiếu bền vững cho môi trường.
Sở dĩ nói như vậy vì, cách đây khoảng 7 năm, tại tỉnh Nam Định, một doanh nhân đã có những đề xuất “táo bạo” với địa phương, cũng giống như Hà Nội bây giờ, sẵn sàng bỏ ra 8 tỷ đồng để làm mô hình “Công viên bãi rác” phục vụ người dân. Khi đó, chính quyền Nam Định và người dân trong khu vực ô nhiễm vì bãi rác vô cùng phấn khởi. Trong khi vị doanh nhân này cũng không ngần ngại chia sẻ với báo giới, việc bỏ ra số tiền đó có phần quảng cáo về công nghệ xử lý rác của DN mình. Và sau lần đầu tư biến bãi rác thành công viên đó, đã có cả trăm cái lò đốt rác mà doanh nhân kia làm chủ đã bán ra khắp cả nước, nhưng đáng nói, công nghệ đốt rác này dùng được chẳng bao lâu đã lạc hậu, được cho là thế hệ cũ và có dấu hiệu tự thân gây ô nhiễm môi trường.
Vậy nên, việc biến bãi rác khổng lồ của Hà Nội thành công viên là điều rất nên làm và cần làm ngay, bởi đó là khát khao của người dân TP. Song, làm thế nào rất cần phải cân nhắc thật kỹ với những giải pháp tài chính và công nghệ phù hợp. Nếu không, vô hình chung lại biến việc thực hiện chủ trương của TP thành chiến lược marketing cho DN, dẫn đến những hệ lụy về sau cho môi trường Thủ đô.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kho-den-may-cung-quyet-tam-lam.html