Kho đồ vật vô giá trong ngôi nhà cũ kỹ của người đàn ông Quảng Trị
Các món đồ cổ này đối với ông Biểu là vô giá từ việc sưu tập, gìn giữ và giới thiệu cho con cháu đời sau biết về những những giá trị của người đời trước để lại.
Chiều 20/2, chúng tôi tìm đến xã Cam Chính (huyện Cam Lộ) để gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Biểu (gần 70 tuổi, trú tại thôn Minh Chính) để hiểu hơn về bộ sưu tập đồ cổ của ông, giữa cái giá rét đang bao phủ tỉnh Quảng Trị.
Những món đồ ông lưu giữ đa phần là nông cụ, chiếc mâm cơm, bát đũa, gạc-măng-giê, mảnh bom đạn, bút kim sinh, bi đông đựng nước hay những chiếc đồng hồ, dụng cụ lao động sản xuất…Tất cả những đồ vật ấy đều đã ngả màu thời gian.
Thú vui này của ông Biểu thêm phần ý nghĩa khi dần dần những dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân trước đây được sưu tầm, bảo quản tốt sẽ giúp các thế hệ sau biết được trước đây, ông cha chúng ta, từ những cái vật dụng này đã tạo ra của cải vật chất, xây dựng quê hương như ngày hôm nay.
Ông Biều nguyên là là Chủ tịch UBMTTQ huyện Cam Lộ. Việc sưu tầm đồ cổ này đã được ông Biểu ấp ủ, nung nấu từ hồi còn trẻ, nhưng do công việc bận bịu nên ông chưa có thời gian để làm. Mãi cho đến khi về già, ông mới tiến hành được việc sưu tầm này.
Nhấp ngụm chè nóng giữa thời tiết giá rét, ông Biểu bồi hồi: ”Hồi còn trẻ, tôi đã rất thích khi nhìn vào những đồ vật cổ. Nhưng khi đó còn cả một gia đình để chăm sóc, công việc nhiều nên tôi cứ giữ việc sưu tập này đến lúc về hưu mới làm. Hiện tại thì các đồ vật cổ đã không còn phong phú như trước. Tiếc lắm!”
Những đồ dùng cho gia súc của người dân miền núi xưa.
Sau khi về hưu cách đây khoảng 8 năm trước, ông Biểu đã tiến hành tìm mua, xin… các đồ cổ và sắp xếp chúng lại một cách hợp lý.
Với việc sở hữu khoảng 350 loại vật dụng khác nhau, cái thời gian ít nhất thì vài chục năm, có cái lên đến hơn cả trăm năm. Trong hàng trăm món đồ vật sở hữu, món nào với ông Biểu cũng có những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá.
Mỗi đồ vật đều được ông dán nhãn ghi khá đầy đủ thông tin về lý lịch hiện vật như tên, công dụng, giai đoạn lịch sử... Để có thể hồi sinh được giá trị văn hóa của mỗi hiện vật, ông chia không gian sưu tập của mình thành nhiều góc nhỏ. Một không gian dành cho các đồ dùng sinh hoạt, nông cụ của thời bao cấp như cối xay, cối đá, gàu sòng, dù, cày…
Một không gian khác để trưng bày được ông cất giữ trong nhà là các kỷ vật chiến tranh như ống nhòm, la bàn, bát B52, đèn pin, đèn bão, mảnh máy bay.
Ống nhòm của lính Mỹ-Ngụy.
“Tôi đi vào nhiều ngõ ngách, từng nhà ở vùng đất Quảng Trị, thậm chí các tỉnh khác để tìm mua không phải là để bán mà là để cho con cháu hiểu rõ hơn về văn hóa của đời trước để lại như cái áo tơi đi mưa thuở xưa, mâm cơm cố tôi để lại, các đạo cụ để làm nông…. Những cái này là vô giá”, ông Biểu chia sẻ.
Việc biến không gian nhỏ thành một bảo tàng mini của ông Biểu không chỉ là để thỏa mãn đam mê, mà còn mang tính giữ gìn và lan tỏa văn hóa bản sắc của dân tộc đến với thế hệ sau. Nhờ những người như ông mà các người trẻ sẽ biết rõ hơn về những vật dụng gắn liền với cuộc sống của những thế hệ trước.
Gạc-măng-giê là đồ vật gắn liền với nhiều là thế hệ.
Cối đá xay có tuổi đời hàng trăm năm.