'Kho gạo' lưng trời

PTĐT - Tháng 3, dọc bờ đê xã Hiền Quan, huyện Tam Nông gió lồng lộng thổi. Nhìn những thân tầm gửi rủ xuống trên những cây gạo già bắt đầu nở hoa đỏ rực, chúng tôi biết đã đến làng có 'kho gạo' để ở lưng trời.

Chị Tăng sử dụng thang để trèo lên hái tầm gửi trên cây gạo 10 năm tuổi.

Chị Tăng sử dụng thang để trèo lên hái tầm gửi trên cây gạo 10 năm tuổi.

Hiền Quan là địa phương hiện còn trồng nhiều cây gạo nhất tỉnh Phú Thọ với hàng trăm cây. Cây ở ven sông, cây mọc trong đồng, cây trồng ngoài bãi và đây cũng là nơi có nhiều cây gạo buông tầm gửi nhất tỉnh. Là loài thực vật sống nhờ, nhưng tiếng lành đồn xa về công dụng của tầm gửi cây gạo nên giá bán tầm gửi tươi hay khô đều gấp nhiều lần trồng lúa, có lẽ vì quý mà người dân nơi đây quen gọi là “trầm gửi”. Cây gạo có nhiều ở Hiền Quan nhưng không phải cây gạo nào cũng có trầm gửi quấn quýt khắp cành như ở khu 1 và khu 2. Có cây to mấy người ôm không xuể, nhưng chỉ cành và lá. Ngược lại, có cây chỉ bằng cổ chân nhưng tầm gửi đã vấn vít. Bởi vậy, cây gạo nhà nào có tầm gửi, coi như được hưởng “lộc trời”, là nhà có kho gạo dùng cả đời không hết!

Cụ Nguyễn Quang Chung- 91 tuổi ở khu 1 chia sẻ: Trước đây gia đình trồng vài chục cây, sau này số lượng cây to 60-70 năm ít đi. Rất may mắn là “lộc trời” rơi vào gia đình tôi bởi gần như cây gạo nào cũng cho tầm gửi. Từ nguồn thu tầm gửi mà gia đình tôi xây được nhà cửa, mua sắm vật dụng và nuôi con ăn học. Hiện gia đình có hơn trăm cây gạo, trong đó có hơn chục cây lâu năm đã cho tầm gửi đều đặn, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình, còn lại là cây trồng mới hoặc cây 10-15 năm. Cây gạo ưa nước, trồng chỗ trũng, trời quang thì càng phát triển nhanh. Cơ ngơi gia đình tôi có được như ngày hôm nay phần lớn nhờ tầm gửi gạo. Mỗi năm, gia đình thu được khoảng vài tạ, đem về từ 100-300 triệu đồng/năm.

Cũng theo cụ Chung thì tầm gửi gạo không thể cấy được, chim ăn nhả hạt tầm gửi vào cây gạo, hạt bật mầm bén rễ, bám vào thân cây gạo mà phát triển. Trước đây, dân gian chỉ thu hái tầm gửi vào ngày 5/5 âm lịch nhưng giờ đây tầm gửi được thu hái quanh năm. Với những cây gạo tầm trung thì có thể bắc thang trèo lên thu hoạch bằng tay chứ không dùng dao chặt để tránh thân tầm gửi bị khô.

Cụ Chung chia sẻ về tầm gửi gạo bên cạnh cây gạo chỉ mới trồng được vài năm nhưng đã buông tầm gửi.

Cụ Chung chia sẻ về tầm gửi gạo bên cạnh cây gạo chỉ mới trồng được vài năm nhưng đã buông tầm gửi.

Xã Hiền Quan hiện nay có tới vài chục cây gạo cho tầm gửi, từ vài chục cân đến hàng tạ/năm, trong đó tập trung nhiều ở khu 1 và khu 2. Nhà ông Chu Văn Vượng ở khu 2 có cây gạo to, thân mọc dày tầm gửi. Mỗi năm, cây gạo này cho nguồn thu trên trăm triệu đồng. Ngoài ra, các gia đình Nguyệt Phượng khu 8, Thịnh Toàn khu 2, Liên Hoan khu 2, Tăng Tám ở khu 1 cũng đều coi việc thu hoạch, bán tầm gửi gạo là một trong những nguồn lợi đáng kể, để ra được một khoản “có tấm có món” mỗi năm. Hiện giá bán tại gốc là 500.000đồng/kg tươi, còn tầm gửi đã phơi khô thì từ 1- 1,2 triệu đồng/kg. Vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm, người các nơi tấp nập đổ về Hiền Quan mua tầm gửi, vì theo kinh nghiệm dân gian đó là ngày hái thuốc. Theo GS.TS Phạm Xuân Sinh chia sẻ thì tầm gửi trên cây gạo có tác dụng tốt để điều trị viêm cầu thận, phù thận, sỏi thận, chức năng gan yếu, gan nóng; đặc biệt làm tăng khả năng thải độc của gan và tốt cho phụ nữ sau sinh. Còn theo Y dược điển Việt Nam, tầm gửi có tác dụng “ấm đắng mà hạ khí, giảm bại tê và lợi gân xương, ích thận mà huyết mạch thông thương, hết nhức mỏi, dạ dày tiêu hóa”.Người mua có tâm lý phải đến tận gốc, mắt thấy, tay sờ mới yên tâm, mua khô lại sợ đồ giả. Có khách ở Hà Nội, hàng năm cứ vào dịp này lại đến thu mua hàng tạ. Thu hoạch tầm gửi cũng đòi hỏi có kỹ thuật và kinh nghiệm cao, chỉ cắt những cành có chiều dài ít nhất 50 cm, để lại những cành ngắn để gối vụ. Phải cắt đúng kỳ, chứ để lâu ngày tầm gửi ăn chết cả cây gạo thì mất cả chì lẫn chài. Bởi nếu không có tầm gửi thì cây gạo cũng chỉ đứng chật vườn, ướm nắng các loại cây khác chứ không có giá trị kinh tế.Trước việc tầm gửi có giá, nhiều nhà có cây gạo nhưng không có tầm gửi, người ta dùng phương pháp đem cành tầm gửi ở cây gạo này sang ghép vào thân cây gạo không có tầm gửi. Tuy nhiên chỉ 2, 3 hôm sau thì những cành tầm gửi này héo dần và chết.Nếu tính về hiệu quả thì tầm gửi gạo đang đem lại giá trị kinh tế cao khi cây nhiều cho thu nhập cả trăm triệu đồng, cây ít cũng vài chục triệu. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, số lượng cây gạo cổ thụ tại xã Hiền Quan bị cỗi, sâu đục thân nên chết khá nhiều. Để đầu tư “kho gạo”, một số gia đình có diện tích vườn rộng đã trồng thêm cây gạo, coi đây là hướng phát triển kinh tế hộ. Chỉ sau vài năm, nhiều cây gạo đã cho tầm gửi, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình.

Việt Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202103/kho-gao-lung-troi-175810