Khó giải quyết 'điểm nóng' trường lớp

Dân số tăng cơ học mỗi năm một cao đang tiếp tục tạo ra những áp lực rất lớn về hệ thống trường lớp tại nhiều “điểm nóng” trên địa bàn Đồng Nai.

Học sinh Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ học. Ảnh: C. Nghĩa

Học sinh Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ học. Ảnh: C. Nghĩa

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom Lưu Thị Ngọc Quế cho biết: “Do tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng diễn ra nhanh chóng nên áp lực về trường lớp không thể tránh khỏi. Một số địa phương như thị trấn Trảng Bom, xã Hố Nai 3, Bắc Sơn đang trong tình trạng quá tải về trường lớp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn”.

* Áp lực từ những khu công nghiệp

Là địa bàn có đông dân cư, thế nhưng phải đến đầu năm học 2019-2020 thị trấn Trảng Bom mới có được ngôi trường THCS thứ hai đi vào hoạt động, đó là Trường THCS Võ Nguyên Giáp. Trường mới được thành lập đã góp phần san sẻ áp lực với Trường THCS Hùng Vương, đem lại sự an tâm cho phụ huynh. Theo Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom, trước khi có Trường THCS Võ Nguyên Giáp, Trường THCS Hùng Vương có tới gần 2.500 học sinh, thuộc tốp trường có quy mô học sinh lớn nhất của huyện.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: “Việc đầu tư trường lớp nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó khăn vì ngân sách không thể đáp ứng kịp. Theo đó, cần cải thiện tốt hơn chính sách để thu hút nguồn đầu tư từ tư nhân nhằm xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ hơn nữa.

Ở huyện Trảng Bom còn có 3 xã khác là Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh hiện cũng đang quá tải về trường lớp. Nhiều trường có sĩ số học sinh từ 45-50 em/lớp. Nhiều học sinh tiểu học là con công nhân được học 1 buổi/ngày, buổi còn lại buộc phải học bán trú ở nhà giáo viên với nhiều nguy cơ rủi ro trong việc đi lại, chăm sóc…

Chị Trần Thị Kim Thoa, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Mây, xã Bắc Sơn) cho biết, năm học 2019-2020 con chị hoàn thành chương trình mầm non chuyển lên tiểu học. Do không đăng ký vào được trường công lập có lớp bán trú nên chị đành gửi con vào trường ngoài công lập, với mức học phí trên 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo chị Thoa, dù học trường ngoài công lập, phải đóng học phí với mức cao nhưng con chị vẫn phải học trong lớp quá tải về sĩ số.

* Báo động lớp học ca ba

Sau một vài năm có dấu hiệu giảm nhiệt về tình trạng học ca ba, từ năm học 2020-2021 một số phường ở TP.Biên Hòa có nguy cơ tái diễn tình trạng này, đặc biệt là tại phường Trảng Dài. Trong khi đó tình trạng học sinh ở phường này phải đi “học nhờ” ở phường khác vẫn chưa thể chấm dứt. Dù trường mới, lớp mới liên tục được xây dựng thế nhưng đến nay Biên Hòa vẫn chưa có được giải pháp nào căn cơ hơn để giải quyết tình trạng quá tải trường lớp.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) trong giờ học tin học

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) trong giờ học tin học

Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) hiện có tới 4 ngàn học sinh, là một trong những trường có sĩ số học sinh lớn nhất tại Biên Hòa. Điều này cũng đặt ra những khó khăn trong công tác quản lý học sinh cho nhà trường. Đầu học kỳ 2 của năm học 2019-2020, nhiều lớp học của trường phải chuyển sang học nhờ tại một trường thuộc phường Bình Đa để trường xây bổ sung thêm 9 phòng học mới. Việc con em phải đi học nhờ ở trường khác đã khiến không ít phụ huynh cảm thấy phiền toái nhưng đây là chuyện khó tránh khỏi vì trường không có đủ lớp học.

Theo UBND phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), dân số cơ học của phường đang có mức tăng khá mạnh, đã dẫn đến trường lớp đầu tư không thể theo kịp. Phường đang kiến nghị UBND TP.Biên Hòa sớm đầu tư khởi công xây dựng Trường THCS Trảng Dài 4 tại KP.4 để giảm tải cho các trường tiểu học khác trên địa bàn. Dự kiến đầu năm học 2020-2021 cả 2 trường tiểu học của phường là Trảng Dài và Nguyễn Thái Học sẽ tái diễn tình trạng học ca ba, học sinh sẽ phải học vào buổi trưa.

Theo Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Lưu Thị Hằng, việc quá tải về trường lớp là một khó khăn rất lớn, gây nhiều trở ngại cho chất lượng dạy và học, nhất là việc từ năm học mới 2020-2021 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 1 và những năm học tiếp theo sẽ là những khối lớp còn lại. Thời gian tới, TP.Biên Hòa cần tới 1 ngàn phòng học mới, điều này là không dễ thực hiện trong điều kiện ngân sách khó khăn, quỹ đất ngày càng eo hẹp.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Phải có tầm nhìn trong quy hoạch trường lớp

Quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp đã tạo nên áp lực cho hệ thống trường lớp từ tiểu học tới THPT. Do đó, các địa phương cần phải xây dựng một tầm nhìn xa trong việc quy hoạch trường lớp, tạo quỹ đất, sẵn sàng để mở rộng hoặc xây mới trường lớp khi cần thiết. Cần xây dựng chính sách thông thoáng hơn để thu hút xã hội hóa đầu tư vào giáo dục, điều này không chỉ giảm ngân sách cho Nhà nước khi đầu tư xây dựng trường lớp mà còn là quá trình vận hành lâu dài.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202001/kho-giai-quyet-diem-nong-truong-lop-2981815/