Khó gỡ 'thẻ vàng' nếu không quyết tâm, quyết liệt

Từ ngày 20 đến ngày 28/10/2022, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam về việc thực hiện các khuyến nghị của ủy ban này trong ngăn chặn, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ 'thẻ vàng' về IUU cũng như khẳng định những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi tuyên truyền ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Văn Tánh

Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi tuyên truyền ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Văn Tánh

Vẫn còn nhiều tồn tại

Việt Nam bị EC cảnh báo “thẻ vàng” từ tháng 10/2017. 5 năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này. Điều đó thể hiện trước hết ở việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản, về chống IUU, đảm bảo tính đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Công tác quản lý đội tàu có tiến bộ, phân bổ theo hạn ngạch, đã giảm dần số lượng tàu cá.

Tính đến nay, cả nước có 8.192 tàu cá có Giấy phép khai thác thủy sản vùng ven biển; 12.639 tàu cá có Giấy phép khai thác vùng lộng; 29.145 tàu cá có Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đạt tỷ lệ cao. Toàn quốc có 28.519 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên được lắp đặt thiết bị VMS, đạt 95,27%.

Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm đã được tăng cường, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nhiều vụ việc tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục trong tổ chức triển khai thực hiện khiến chưa thể gỡ được “thẻ vàng”. Cụ thể, việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản chưa hoàn thành (vẫn còn 3,3% số lượng tàu từ 15 mét trở lên, 53,4% số lượng tàu từ 6 đến dưới 15 mét chưa được cấp phép).

Tốc độ lắp đặt VMS trong năm vừa qua rất chậm (mới tăng được 5,01%); thực thi pháp luật, điều tra, xử phạt các hành vi IUU chưa triệt để, thiếu thống nhất. Đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp.

Xử lý triệt để các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp

Ban chỉ đạo quốc gia về IUU cho rằng, nếu những tồn tại lớn trên không khắc phục được ngay, thời gian tới, thủy sản Việt Nam không những không gỡ được “thẻ vàng” mà còn có thể bị EC rút “thẻ đỏ”. Lúc đó, ngành thủy sản sẽ vô cùng khó tháo gỡ, không thể xuất khẩu được vào thị trường châu Âu - một thị trường lớn của thủy sản Việt Nam.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống IUU là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xuất khẩu cũng như khẳng định vị thế quốc gia. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm chung của Việt Nam đối với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng cá sinh sôi. Thực hiện tốt công tác chống IUU thể hiện tính nghiêm túc trong thực thi pháp luật; góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia, an ninh biển đảo, thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ kinh tế của đất nước.

Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU nhằm sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, các giải pháp trọng tâm, lâu dài, mở đợt cao điểm kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC. Trước mắt, tập trung quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo truy xuất được nguồn gốc; thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về chống IUU.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Ngọc Hà

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Ngọc Hà

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) trong tháng 10/2022 tiếp tục mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm để ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quy định về chống IUU; đặc biệt, kiên quyết xử phạt nghiêm hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm. Bộ Công an khẩn trương rà soát, củng cố các hồ sơ điều tra các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Về lâu dài, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phòng, chống IUU đến năm 2025”. Đề án đặt mục tiêu hoàn thành 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải được theo dõi, giám sát qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC-2009 (Hiệp định PSMA); ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thủy sản nói chung, về chống IUU nói riêng. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý tàu cá theo hướng giảm dần số lượng tàu, cường lực khai thác tương ứng với ngư trường, nguồn lợi thủy sản.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kho-go-the-vang-neu-khong-quyet-tam-quyet-liet-post455234.html