Khó hưởng lợi từ GSP

Tại hội thảo “Quy chế GSP mới của EU - cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường châu Âu” diễn ra hồi cuối tháng 2 vừa qua, nhiều chuyên gia, hiệp hội, DN đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi tận dụng quy chế mới này. ĐTTC xin trích đăng chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10.

Thuận lợi

Từ năm 1971, EU đã xây dựng các quy tắc để giúp hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển được hưởng những ưu đãi về thuế khi xuất sang thị trường EU. Điều này cho phép các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận thị trường EU và góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của họ. Đề án này được gọi là Hệ thống Ưu đãi thuế quan (GSP).

Ngày 31-10-2012, EU đã chính thức công bố GSP phổ cập sửa đổi và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo đó, Việt Nam được hưởng chế độ GSP với tất cả mặt hàng. Tuy nhiên, hệ thống GSP của EU đối với Việt Nam dự kiến sẽ chấm dứt khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU kết thúc đàm phán và bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2016. GSP sửa đổi đối với các DN dệt may Việt Nam nói chung và May 10 nói riêng có những thuận lợi nhất định.

Hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam sẽ có ưu đãi về thuế khi nhập khẩu vào các nước có chế độ GSP trên cơ sở đơn phương (không đòi hỏi có đi có lại). Nhờ có ưu đãi về thuế nhập khẩu dành cho Việt Nam nên khách hàng sẽ có động lực tăng số lượng đơn hàng xuất đi EU cho các DN Việt Nam cũng như May 10.

Số lượng đơn hàng tăng sẽ góp phần giải quyết được việc làm, đảm bảo tăng trưởng, thu hút đầu tư và ổn định năng lực sản xuất. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho các DN tận dụng để đầu tư xây dựng, nâng cao cơ sở hạ tầng và đời sống công nhân. GSP cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN dệt may Việt Nam, đặc biệt khi đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc đang bị áp thuế MFN (hơn GSP trung bình 3,5%).

Thay vì đặt các đơn hàng ở Trung Quốc, khách hàng sẽ lựa chọn Việt Nam để đặt hàng. Tuy nhiên, lợi thế từ GSP mang lại không mang tính bền vững, vì việc đáp ứng được quy tắc của GSP cũng như thời hạn có hiệu lực của GSP không phải là mãi mãi. Hay nói cách khác lợi thế cạnh tranh do GSP mang lại là lợi thế “ngoại sinh”, không phải lợi thế “nội sinh”.

Khó khăn

Khó khăn chính của việc tận dụng các lợi thế của GSP đối với May 10 chính là việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ nguyên liệu để xin được “C/O form A” (được hưởng ưu đãi). Để đáp ứng được các tiêu chuẩn này có 2 trường hợp. Một là, sản phẩm có xuất xứ toàn bộ từ các nước được hưởng GSP.

Hiện May 10 chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này. Hai là, sản phẩm có thành phần nguyên liệu nhập khẩu: Đối với hàng FOB hiện tại của May 10, các nguyên liệu chính (vải) vẫn do khách hàng chỉ định và chủ yếu nhập từ Trung Quốc (không nằm trong quy tắc xuất xứ cộng gộp). Chỉ có một số ít đơn hàng nguồn nguyên liệu chính nhập từ Thái Lan (5%), tuy nhiên khách hàng cũng không yêu cầu cấp form A khi chúng tôi xuất khẩu.

Các phụ liệu công ty tự mua trong nước vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 10%). Vì thế công ty May 10 không thể xin được C/O form A cho hàng FOB. Đối với hàng gia công, khách hàng gửi nguyên liệu chính cho May 10 sản xuất. Nguồn chính của các nguyên liệu này không phải từ các nước trong khu vực được ưu đãi, hoặc nếu có số lượng cũng không đáng kể.

Với một số đơn hàng gia công, khách hàng chỉ định chúng tôi mua vải trong nước, nhưng công ty cũng chưa phải làm form A cho khách hàng do số lượng còn hạn chế và thị trường xuất khẩu không phải là các nước được hưởng ưu đãi thuế quan.

Vấn đề mấu chốt của các DN dệt may là phần xuất xứ nguyên phụ liệu đầu vào.

Như vậy, mặc dù GSP dành rất nhiều ưu đãi, thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng May 10 vẫn rất khó để tận dụng được các ưu đãi đó. Vấn đề mấu chốt của các DN dệt may nói chung và May 10 nói riêng chính là phần xuất xứ nguyên phụ liệu đầu vào.

Với hàng FOB, chúng tôi sẽ chú trọng việc đàm phán với khách hàng để có thể mua và nhập nguyên phụ liệu từ các nước trong khu vực được hưởng ưu đãi như mua trong nước, mua từ Thái Lan, Malaysia. Đặc biệt với dự án ODM mà công ty đang xây dựng, chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển và mở rộng các nhà cung cấp từ các nước ASEAN để có thể tận dụng lợi thế từ GSP.

Ở tầm vĩ mô hơn, nếu DN Việt Nam có thể liên kết tận dụng vốn đầu tư để trực tiếp sản xuất nguyên phụ liệu ngay từ trong nước là điều tốt nhất. Song hiện tại các DN vẫn chưa làm được điều đó. May 10 và các DN khác hy vọng đề nghị miễn về xuất xứ nguyên liệu, tức là chỉ cần gia công tại Việt Nam là được cấp C/O form A.

Mong rằng điều này sẽ đạt được trong Hiệp định TPP hoặc khi FTA Việt Nam - EU được ký kết cũng không áp dụng quy tắc xuất xứ của nguyên liệu. Việc đạt được điều kiện trên sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các DN xuất khẩu Việt Nam.

Thanh Dung (ghi)

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140308/kho-huong-loi-tu-gsp.aspx