Khó khả thi nếu sử dụng chung tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội

Sáng nay (18/4), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật và phù hợp với các Luật có liên quan.

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung những quy định về các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; Sửa đổi quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần. Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; các vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Đồng thời quy định thẩm quyền thủ tục cấp phép, cho thuê, cho mượn, thu hồi giấy phép, đấu giá, chuyển nhượng, thi tuyển quyền sử dụng tần số.

Theo báo cáo thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá cụ thể về nguồn thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện; đồng thời nghiên cứu quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển. Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị kế thừa quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như Luật hiện hành.

Một chính sách mới được bổ sung tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đó là trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế xã hội. Cho ý kiến về nội dung này, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng cùng một tần số, cùng một băng tần phân bổ với hai nhiệm vụ khác nhau, một bên là quốc phòng, an ninh còn một bên là phát triển kinh tế, xã hội là không tách bạch rõ ràng về mục đích, khó kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho từng loại nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên, bảo mật đặc biệt; còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội lại theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Việc phân bổ băng tần phải được tách bạch nếu cho kết hợp với kinh tế thì có hợp lý không. Nó không phải là con đường đi chung mà có tính bảo mật rất cao. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mà có doanh nghiệp thật mạnh về cái này nhưng tham gia chung vào dải băng tần phát triển kinh tế xã hội hoặc thông qua đó quản lý thông tin quốc gia chứ dùng băng tần để phát triển kinh tế xã hội, vừa làm cái này vừa làm cái kia thì không khả thi.”

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Đồng ý với Phó Chủ tịch Trần Quang Phương, dải sóng cho quốc phòng, an ninh nên để quốc phòng, an ninh còn dải sóng nào để phát triển kinh tế, xã hội hoặc mục đích khác thì các loại hình quân đội công an được tham gia vào nhưng không ngược lại được.”

Một số đại biểu nhận định, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn. Do đó, đề nghị báo cáo thêm kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn triển khai về cho phép phân bổ cùng một tần số, cùng một băng tần vô tuyến điện vừa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh vừa kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Đặt ra vấn đề nếu coi bằng tần cũng giống như đất đai quốc phòng an ninh hì khập khiễng. Bằng tần là lĩnh vực mới, đề nghị báo cáo trong thời gian qua kết hợp quốc phòng, anh ninh với sản xuất kinh doanh đã sử dụng băng tần trong trường hợp nào hay chưa và sử dụng như thế nào để Quốc hội nắm thông tin chính xác hơn.”

Nêu ý kiến về Dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra quán triệt tư tưởng, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mọi quốc gia trên thế giới đều chú trọng vấn đề này, bởi liên quan đến chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh. Cho rằng việc sử dụng tần số vô tuyến điện vừa phục vụ quốc phòng, an ninh vừa phát triển kinh tế là khó khả thi, Chủ tịch Quốc hội đưa ra một hướng gợi mở mới để giải quyết vướng mắc của chính sách này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Việc cấp băng tần này cho các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật thì phải có điều kiện, tiêu chuẩn thế nào chứ chúng ta không đặt vấn đề vừa phục vụ quốc phòng, an ninh vừa phát triển kinh tế mà đây là cấp cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Bây giờ không đặt ra băng tần nào đó vừa phục vụ cái này vừa phục vụ cái kia nhưng có chuyện cấp băng tần cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh với điều kiện, tiêu chuẩn khác.”

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nêu rõ quan điểm, trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự án Luật.

Thực hiện : Diệu Linh Hoàng Hương Anh Đức Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kho-kha-thi-neu-su-dung-chung-tan-so-vo-tuyen-dien-phuc-vu-quoc-phong-an-ninh-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi