Khó khăn bủa vây đàm phán Anh - EU

QĐND - Vòng đàm phán thứ 8 diễn ra trong tuần này về mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi nước này rời khỏi 'ngôi nhà chung' châu Âu, hay còn gọi là Brexit, được cho là sẽ vô cùng căng thẳng khi hiện nay hai bên vẫn còn bất đồng về một số vấn đề.

Theo AFP, ngày 5-9, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost nhấn mạnh, nước này sẽ không trở thành "quốc gia phụ thuộc" theo bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận thương mại hậu Brexit ký kết với EU. Ông David Frost nói: "Anh sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cơ bản để EU kiểm soát luật pháp của riêng chúng tôi. Chúng tôi sẽ không trở thành một quốc gia phụ thuộc và sẽ không chấp nhận các điều khoản cho phép EU kiểm soát nguồn tài chính hoặc công việc nội bộ của mình”.

Tuyên bố của ông David Frost được đưa ra trước thềm vòng đàm phán thứ 8 và cũng là vòng đàm phán cuối cùng về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU vốn dự kiến diễn ra từ hôm nay (7-9) đến 11-9 tại thủ đô London của Anh.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost (bên trái) và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier. Ảnh: Reuters

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost (bên trái) và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier. Ảnh: Reuters

Ngày 4-9, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nước này sẵn sàng đối mặt với mọi kết quả đàm phán với EU về mối quan hệ giữa hai bên hậu Brexit. Theo Telegraph, người đứng đầu Chính phủ Anh khẳng định: “Tất nhiên, chúng tôi đã sẵn sàng cho tất cả các tình huống. Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, vào cuối năm, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, Anh cũng sẽ rời EU và rời khỏi giai đoạn chuyển tiếp. Chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua điều này. Điều quan trọng là các đối tác hiểu rằng Anh sẽ làm những gì cần làm”. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cảnh báo, nếu Anh không thúc đẩy các vấn đề then chốt mà phía EU đề ra, bao gồm những yêu cầu về "sân chơi bình đẳng", các ngư trường và cơ chế giải quyết tranh chấp thì London sẽ tự đẩy mình vào nguy cơ Brexit không thỏa thuận. Ông Michel Barnier cũng nêu rõ cần phải đạt được một thỏa thuận đúng hạn chót là vào cuối tháng 10 tới, trước khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31-12.

Gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử về Brexit, Anh chính thức rời EU vào ngày 31-1 năm nay, kết thúc 47 năm là thành viên của khối này. Dù vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp, London vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của EU. Ở giai đoạn này, cả hai bên tiến hành đàm phán về những điều khoản liên quan đến mối quan hệ trong tương lai. Trên thực tế, giai đoạn chuyển tiếp có thể được kéo dài thêm từ một đến hai năm trong trường hợp Anh có đề xuất trước ngày 1-7 năm nay. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Anh cho biết sẽ không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, bởi vì kéo dài giai đoạn này đồng nghĩa với việc London tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho EU.

Anh và EU đang nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận về mối quan hệ tương lai trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Tuy nhiên, do hai bên đều có lập trường cứng rắn nên không đạt được tiến triển trong các vòng đàm phán trước đây. Sau khi không thu hẹp được bất đồng tại vòng đàm phán thứ 7 hồi tháng 8 vừa qua, các quan chức của Anh và EU tiếp tục bước vào vòng đàm phán thứ 8 diễn ra trong tuần này. Vòng đàm phán này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi hai bên cần phải đưa ra thỏa thuận vào cuối tháng 10 để kịp phê chuẩn trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021.

Thời gian đàm phán ngắn ngủi đang tạo sức ép lớn cho cả Anh và EU khi cả hai bên còn đang dốc sức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như tìm cách chấn hưng nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Nhiều chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh Brexit không thỏa thuận nếu Anh và EU không chịu nhượng bộ lẫn nhau trong đàm phán. Trong trường hợp này, cả hai bên đều bị thiệt hại về kinh tế. Nếu không đạt thỏa thuận, quan hệ thương mại giữa Anh và EU hậu Brexit sẽ dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, các doanh nghiệp hai bên sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn và thủ tục phức tạp hơn hiện nay.

LÂM ANH

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=151357