Khó khăn bủa vây doanh nghiệp '3 tại chỗ'
Nhiều doanh nghiệp phía Nam đang phải căng mình để chịu các chi phí khi duy trì sản xuất '3 tại chỗ', đó là chưa kể đến những rủi ro về nguy cơ bùng phát ổ dịch bất cứ lúc nào.
Những ngày này, anh Nguyễn Hùng Sơn, giám đốc một doanh nghiệp gỗ ở Dĩ An (tỉnh Bình Dương), như “ngồi trên đống lửa”. Trước việc một số nhà máy ở Thị xã Tân Uyên thực hiện “3 tại chỗ” bị Covid-19 lan vào, anh lo cho nhà máy gỗ của mình ở Dĩ An cũng đang "nín thở" sản xuất.
Anh Sơn và vợ phải căng mình cả tháng nay lo duy trì nhà máy, cố thực hiện các đơn hàng đã ký xuất đi EU. Vợ thì lo thuê người nấu nướng, chỗ ăn ở cho công nhân; còn anh Sơn lo sản xuất. Nhà máy 200 công nhân nay giảm xuống một nửa, cửa đóng, then cài. “Nếu dịch lan vào đây, chắc chúng tôi phá sản mất”, anh Sơn lo lắng.
Theo các Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Gỗ TP.HCM, Điện tử Việt Nam, hàng trăm doanh nghiệp ở phía Nam cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi thực hiện “3 tại chỗ”. Đối phó với dịch bệnh đã khó, nhưng bài toán về chi phí và vận hành lại còn khó hơn.
Trái ngược với tình cảnh ở phía Nam, các doanh nghiệp sản xuất ở phía Bắc gần như phục hồi và duy trì được nhờ “3 tại chỗ”. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… đều có hàng trăm nghìn công nhân duy trì được việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp đang tăng vọt, kinh tế dần phục hồi.
Đã sụt 4 kg sau hơn 1 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (TP Thủ Đức, TP.HCM) nói rằng: “Cứ qua một ngày, xong một lô hàng thì tôi mới thở phào được, mới ăn ngủ được”.
Việt Thắng Jeans cũng đang “ngồi trên đống lửa” để sản xuất “3 tại chỗ”, cố cho xong một lô hàng xuất sang EU. Ông Việt nói rằng năm 2020, khi EU bị đại dịch nặng nề, các đối tác đã rất hỗ trợ Việt Thắng Jeans ở Việt Nam. Nhưng sang 2021, khi Việt Nam chịu dịch nặng nề, công ty mong muốn hỗ trợ lại đối tác để hoàn thành đơn hàng, cũng là giữ uy tín cho các nhà sản xuất tại Việt Nam.
Vì vậy, Việt Thắng Jeans quyết tâm sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng cũng vì chọn cách này mà cái khó bủa vây công ty. Các công nhân được yêu cầu cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở ngay tại các phân xưởng. Những khu vực sinh hoạt chung như nhà vệ sinh, phòng ăn, hành lang… được phun cồn 70 độ 3 lần mỗi ngày. Nguyên liệu, hàng hóa nhập đều được hấp, xịt khuẩn kỹ càng. Công ty cố gắng loại bỏ mọi nguy cơ có thể có.
Tuy vậy, trong một lần xét nghiệm tầm soát, 19 công nhân nhà máy dương tính với SARS-CoV-2. Nguồn lây được nghi do một người bán nước gửi hàng vào cho công nhân. TP Thủ Đức đã phải bố trí 2 trường trung học để công ty này thu dung chữa các F0, F1 và F2. Hiện công ty chỉ giữ lại một phân xưởng nhỏ để sản xuất hết đợt hàng theo hợp đồng, sau đó sẽ đóng cửa.
Lý giải về sự không thành công của “3 tại chỗ”, ông Việt nhắc đến từ “ốc đảo”. Ông nói rằng đợt dịch ở các tỉnh phía Nam quá lớn, khiến lượng người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng hàng chục nghìn người. Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như những ốc đảo giữa làn sóng dịch, có thể bị lây nhiễm vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, biến thể delta mới của virus khiến tỷ lệ lây nhiễm cao, lan qua không khí rất dễ dàng.
Bằng chứng là Việt Thắng Jeans đã bị lây nhiễm từ cộng đồng vào nhà máy. Nhiều công ty ở Tiền Giang, Thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương)… cũng đã bị lây nhiễm tương tự. Các địa phương này buộc phải dừng "3 tại chỗ". Trong khi đó, với môi trường làm việc trong nhà máy, việc chỉ cần xuất hiện một ca F0, lập tức hàng trăm người khác sẽ là F1 hoặc F2.
“Nhà máy thực hiện '3 tại chỗ' có thể biến thành ổ dịch siêu lây nhiễm bất cứ lúc nào”, ông Thắng nói.
Ở góc nhìn rộng hơn, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng văn phòng phía Nam của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho rằng việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các doanh nghiệp dù an toàn vẫn khó duy trì sản xuất "3 tại chỗ". Mỗi doanh nghiệp thường nằm trong một chuỗi, phụ trách một công đoạn sản phẩm. Nếu một doanh nghiệp dừng hoạt động, các doanh nghiệp khác trong chuỗi không thể sản xuất. Trong khi hiện tại phần lớn doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Mặt khác, việc vận chuyển hàng hóa từ cảng đến nhà máy, và từ nhà máy xuất đi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16. Bà cũng nhắc đến việc ổn định tâm lý cho công nhân trong nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ” là điều không hề đơn giản. Họ có thể trở thành F1 và F2 bất cứ lúc nào, trong khi phải xa gia đình. Điều đó gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, với mật độ nhà máy, xí nghiệp ở khu vực phía Nam, lượng công nhân rất lớn, việc tìm đủ chỗ ở cho công nhân đáp ứng "3 tại chỗ" là thách thức không hề nhỏ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nói với Zing, một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết họ chịu áp lực rất lớn từ chi phí xét nghiệm cho công nhân. Tỉnh này yêu cầu doanh nghiệp xét nghiệm 3 ngày/lần cho toàn bộ công nhân. Trong khi doanh nghiệp đã tập trung làm việc “biệt lập” trong 10 ngày nay.
“Nếu xét nghiệm vậy, cứ 3 ngày là thêm hàng trăm triệu đồng, doanh nghiệp không lo được. Chúng tôi đang phải lo 4 bữa ăn cho người lao động (3 chính, 1 phụ) trong khi hàng làm ra đâu có bán được, đâu có xuất khẩu được lúc này”, vị này nói.
Ngay sau khi Bắc Ninh phát hiện một loạt ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng hồi tháng 5, tỉnh này đã nhanh chóng tìm cách bảo vệ dịch không lây lan vào khu công nghiệp. Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, nói rằng đây là mấu chốt để duy trì sản xuất, là thời điểm “quyết định” để áp dụng “3 tại chỗ”.
Bắc Ninh thấy rằng nếu công nhân ở trong các khu trọ, hàng ngày đi làm việc ở khu công nghiệp và quay trở lại, thì dịch bệnh rất dễ bùng phát, có thể phải đóng cửa khu công nghiệp.
Cách làm của Bắc Ninh là cô lập dịch bệnh ở 2 đầu, vừa “khóa chặt” nguy cơ trong khu công nghiệp, vừa “khóa chặt” trong khu dân cư để không lây lan vào khu công nghiệp. Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng “3 cùng” trong nhà máy để duy trì sản xuất - ăn cùng, ở cùng, làm cùng (một số tỉnh khác gọi là “3 tại chỗ”).
Để giúp công nhân ở lại nơi làm việc, tỉnh ra quân hỗ trợ một số doanh nghiệp chuyển đổi công năng sử dụng các công trình trong nội bộ nhà máy. Ví dụ nhà máy nào cũng có khu nhà ăn, khu văn phòng, nhà xưởng, nhà kho… Khu ăn uống sẽ được làm dã chiến bằng lều bạt ở ngoài sân. Nhà ăn trước kia được tận dụng nhường chỗ để làm nơi ở cho công nhân.
Còn tại Vĩnh Phúc và Bắc Giang, các tỉnh này trưng dụng cả trường học, ký túc xá để giúp doanh nghiệp có chỗ ở cho công nhân. Vĩnh Phúc còn vận động các khách sạn 3-5 sao trên địa bàn mở dịch vụ cung ứng chỗ nghỉ cho chuyên gia với giá không quá 500.000 đồng/đêm. Tỉnh cũng miễn phí xe bus đưa đón công nhân từ ký túc xá đến nơi làm việc và quay lại theo đúng nguyên tắc “một cung đường, 2 điểm đến”.
Về kinh phí xét nghiệm, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang cho phép doanh nghiệp xét nghiệm theo mẫu gộp để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, căn cứ vào kết quả tầm soát sau 7-10 ngày, tỉnh sẽ đưa ra quyết định doanh nghiệp phải xét nghiệm tiếp hay chỉ tầm soát ngẫu nhiên 20% số lao động. “Chúng tôi luôn linh động và bám sát thực tế để giúp doanh nghiệp”, ông Vương Quốc Tuấn nói.
Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nói với Zing về một kinh nghiệm đặc biệt, đó là tỉnh lập hàng chục “trạm xá dã chiến” ngay bên trong nhà máy của các doanh nghiệp lớn như Honda, Toyota, Piaggio... Trạm xá này giúp đỡ doanh nghiệp đảm bảo an toàn trong sản xuất, sẵn sàng hỗ trợ xét nghiệm, sơ cứu, xử lý tình huống y tế nếu có. Với các nhà máy nhỏ hơn, sẽ lập chung “trạm xá dã chiến” này trong khu công nghiệp.
Vĩnh Phúc cũng căn cứ vào các kết quả tầm soát diện rộng ban đầu để quyết định doanh nghiệp có phải xét nghiệm các lần tiếp theo nữa không, đảm bảo phòng dịch nhưng cũng tiết kiệm chi phí sản xuất.
Kết quả là các tỉnh đều gặt hái được những thành công bước đầu. Bắc Ninh thực hiện “3 tại chỗ” và khống chế được dịch trong 18 ngày. Hơn 235.000 công nhân Bắc Ninh duy trì được việc làm. Vĩnh Phúc giúp 100% doanh nghiệp sản xuất an toàn trước dịch, đưa kinh tế 6 tháng đầu năm tăng tới 14,21%, cao nhất đồng bằng sông Hồng. Sản xuất cũng Bắc Giang phục hồi mạnh mẽ, 75% công nhân đã có thể trở lại nhà máy.
“Sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của chính quyền là điều mấu chốt. Họ cũng sát sao từng việc, linh hoạt các quyết định, tính đến sự hài hòa lợi ích với doanh nghiệp và việc chống dịch”, PGS TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, bình luận.
Khi được hỏi có nên duy trì “3 tại chỗ” ở các tỉnh phía Nam, ông Phạm Văn Việt nói rằng: “Chính phủ nên chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để chống dịch ở những nơi cấp bách. Nếu cứ tiếp tục '3 tại chỗ' doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”.
Công ty Việt Thắng Jeans thu lợi chính từ gia công hàng dệt may xuất khẩu. Lợi nhuận trong chuỗi thu về chỉ khoảng 8% giá trị sản phẩm. Ông Việt nhấn mạnh chi phí để duy trì sản xuất mùa dịch đã vượt nhiều lần 8%, chưa kể nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần của công nhân.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 địa điểm” đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Cơ quan này cho biết các doanh nghiệp phía Bắc áp dụng “3 tại chỗ” cũng đã bắt đầu gặp vấn đề, nhất là nếu duy trì lâu có thể gây hệ lụy về mặt tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu.
Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động từ các địa phương khác rất lớn, do đó không đủ điều kiện áp dụng phương châm nêu trên và buộc phải đóng cửa tạm thời và chưa có lộ trình để các doanh nghiệp mở cửa lại.
Do đó, đối với các doanh nghiệp phía Nam, Cục Công nghiệp cho rằng chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”.
Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động, tài chính để hoạt động trở lại sau dịch bệnh.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng để duy trì “3 tại chỗ” thì rất cần sự vào cuộc và quyết liệt hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chính quyền không thể bắt doanh nghiệp phải chịu mọi trách nhiệm, bởi không doanh nghiệp nào muốn mình phải dừng sản xuất hay công nhân nhiễm bệnh.
Vị này cho rằng ở đâu cũng cần có một kênh tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp trong lúc cấp bách tới chính quyền. Tránh tình trạng chính quyền áp dụng các biện pháp bất hợp lý, mà doanh nghiệp không thể phản hồi, phản biện.
“Rất mong lúc khó khăn này, chính quyền địa phương chung tay với doanh nghiệp, tính toán cẩn trọng trong từng giải pháp đưa ra”, vị này nói.
GS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ) cho rằng nếu chính quyền địa phương chỉ yêu cầu “3 tại chỗ và 1 cung đường, 2 điểm đến” mà không có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện, thì một chủ trương đúng, có thể trở thành sai lầm do thực thi kém.
Ông cho rằng không chỉ ban hành mệnh lệnh, rất cần các cán bộ trong bộ máy xắn tay “3 cùng” với doanh nghiệp, người lao động, người dân, như “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” ở nhà máy “3 tại chỗ”; là “3 cùng” ở trung tâm cách ly tập trung, ở bệnh viện dã chiến, là “3 cùng” ở khu sinh sống của người lao động thuộc nhóm 1/3 dân số không có tiết kiệm hay dự trữ để tồn tại trong phong tỏa.
“Ba cùng để có thể cùng tìm giải pháp, cùng thực hiện, cùng chia sẻ với người dân, doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-khan-bua-vay-doanh-nghiep-3-tai-cho-post1244920.html